Chưa kịp khai trương xe bánh mì, mẹ đơn thân tặng bánh cho người khó khăn

Thanh Khương
Thanh Khương
07/08/2021 13:13 GMT+7

Chuẩn bị khai trương xe bánh mì thì Hà Nội có thông báo giãn cách xã hội chống dịch Covid-19 , chị Liên nghĩ rằng những chiếc bánh đầu tiên mình làm ra không nhất thiết phải đổi lại bằng tiền.

Tận dụng những thứ có sẵn

Chia sẻ với Thanh Niên, chị Phùng Thị Bích Liên (33 tuổi, ngụ Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết khoảng 1 tháng trước, chị gửi con gái lại Yên Bái cho bà ngoại chăm sóc rồi nhờ chị dâu vay ít tiền, một mình xuống Hà Nội với ý định mở xe bánh mì có thương hiệu. Mọi thứ đã được chuẩn bị đâu ra đó từ ngày 23.7 thì ngay trong đêm hay tin Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ 6 giờ sáng 24.7.

Cô chủ xe bánh mì ALiên chia sẻ, thịt heo đã mua có thể hút chân không rồi cấp đông, còn các loại đồ khô như bột, nấm mèo có thể cất được lâu. Tuy nhiên, chị cảm thấy áy náy vì có sẵn nguyên liệu để chế biến các món bánh trong khi những người ở khu phong tỏa thiếu thốn đủ thứ nên mới quyết định phát tâm trong khả năng của mình.

Đến nay, chị Liên đã tự tay làm 2 mẻ bánh, mỗi mẻ hơn 30 chiếc. Lần đầu là bánh bao, lần sau thì bánh mì, mỗi phần kèm theo 1 ly cà phê được đóng gói chỉn chu. Các phần quà được chủ quán tin tưởng nhờ một nhóm thiện nguyện phân phát cho những ai đang sống trong các khu cách ly trên địa bàn. Đồng thời, chị vẫn bán online nhưng 2-3 hôm mới đủ số lượng để làm và giao cho khách.

Gửi bé Kiến lại quê ngoại, người mẹ cho biết nhiều đêm mất ngủ vì nhớ con

ẢNH: NVCC

Chị Bích Liên tâm sự: “Hôm nghe thông báo không được bán cũng buồn chứ vì bao nhiêu vốn liếng đều đổ vào đây hết. Hằng tháng bán hay không bán cũng phải trả lãi đầy đủ cho ngân hàng, chưa kể tiền trọ, điện nước nên có chút áp lực”.

“Tuy khó khăn nhưng chí ít mình còn may mắn hơn nhiều người vì vẫn có việc để làm, có chỗ để ở. Việc làm ấy không có gì là to tát cả nhưng mình nghĩ “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Mình tin rằng chỉ cần mọi người đoàn kết, chung tay hỗ trợ lẫn nhau thì sẽ sớm chiến thắng đại dịch”, chị bày tỏ suy nghĩ.

Trả ơn người Hà Nội

Ngoài việc cảm thấy bản thân may mắn hơn bao người thì hành động làm bánh tặng người gặp khó khăn còn là cách để người phụ nữ này trả ơn những người đã từng giúp mình.

Cách đây 10 năm, chị Bích Liên lên Hà Nội học tập và làm việc. Lần này trở lại thủ đô, chị Liên thuê lại căn trọ cũ, chủ nhà chẳng những không tăng giá tiền nhà mà còn giảm 2 tháng đầu tiên, mỗi tháng 1 triệu đồng. Nhà trong phố tuy nhỏ hẹp nhưng thuận tiện vì có thể vừa ở vừa buôn bán.

“Mấy tháng trả phòng về quê, bà chủ sơn sửa lại nhà cửa xong xuôi, có vài người đến hỏi thuê nhưng bà bảo không ưng, còn nói là mình có duyên với nhà của bà ấy, chắc thật vậy”, chị cười nói.

Bản đồ SOSmap kết nối giúp đỡ người khó khăn vì dịch bệnh tại TP.HCM

Chị Liên kể, vì là mẹ đơn thân nên kể từ khi sinh bé Kiến, chị quyết định không làm quản lý nhà hàng nữa mà đổi sang buôn bán tự do để có nhiều thời gian cho con hơn. Trước kia, hai mẹ con ở Hà Nội, người mẹ vừa dành thời gian cho con, vừa bán bánh ngọt để có đồng ra đồng vô. Nay bé gần 3 tuổi, cũng hiểu chuyện nên mới gửi con ở quê để đi làm.

Người phụ nữ bộc bạch: “Mình tin mối quan hệ giữa cho đi và nhận lại, đặc biệt là khi có con gái, các cụ lại có câu “phúc đức tại mẫu”. Những việc mình làm hôm nay xuất phát từ trái tim, chẳng mong nhận về điều gì nhưng mình hi vọng sau này bé Kiến sẽ có cuộc sống tốt hơn”.

Đại diện nhóm thiện nguyện cho biết: “Các suất ăn mà chị Liên gửi đã được nhóm chuyển tới các chốt phong tỏa, khu cách ly. Ai nấy cũng đều vui mừng khi nhận những chiếc bánh, ly nước được đóng gói cẩn thận, chỉn chu”.

Không riêng gì chị Bích Liên, người dân khắp cả nước lúc này không mong gì hơn dịch bệnh sớm được kiểm soát để mọi người có thể túc tắc làm ăn, buôn bán duy trì cuộc sống.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.