Chữa lành nhưng… chữa hoài không lành

Thanh Nam
Thanh Nam
23/11/2023 15:00 GMT+7

Không quá lời nếu nói "chữa lành" đã và đang là "trend" thu hút người trẻ. Chữa lành hiện diện khắp mọi nơi, từ trên mạng đến ngoài đời thật.

1. Giám đốc một trung tâm tư vấn tâm lý ở TP.HCM nói với tôi nửa đùa nửa thật. Rằng trước đây mọi người quen với câu "ra đường là gặp hoa hậu", thì bây giờ "lạm phát chuyên gia chữa lành".

Anh minh chứng bằng việc chỉ ra trên mạng xã hội, đặc biệt là Facebook và TikTok có "hằng hà sa số" những "chuyên gia chữa lành", "huấn luyện viên chữa lành", "nhà tư vấn chữa lành"…

Thậm chí, có những đồng nghiệp của anh, là chuyên gia tham vấn và trị liệu tâm lý, cũng cập nhật thành "chuyên gia chữa lành" để "bắt trend".

Đi chữa lành nhưng… chữa hoài không lành - Ảnh 2.

Khi thật sự cần chăm sóc sức khỏe tinh thần, hãy tìm đến những chuyên gia, trung tâm tư vấn tâm lý uy tín

THẢO PHƯƠNG

"Họ bảo bây giờ người trẻ đi tư vấn tâm lý nhưng toàn gọi là chữa lành. Nên phải thay đổi danh xưng để cho đúng… xu hướng thịnh hành. Nghe mà hỡi ôi, ngớ người", anh cho hay.

2. Tôi hỏi một số người trẻ đã từng tìm đến các dịch vụ chữa lành. Họ kể rằng được hướng dẫn "chữa lành nghĩa là quay về với chính mình, kết nối với bên trong, với bản thể nội tâm", "khai mở thế giới nội tâm". Có người cho biết được trải nghiệm những phương pháp tái lập siêu thức, thôi miên hồi quy, tiền kiếp, luân hồi… để chữa lành.

Hỏi họ có cảm thấy đỡ bất an, rệu rã sau khi chữa lành? Họ lắc đầu. Cảm giác tiêu cực, mông lung vẫn bủa vây, những nỗi lo thêm chằng chịt. Bên cạnh đó, họ thấy đau đầu, cũng như "nổ não" vì những kiến thức hỗn độn vô cùng khó hiểu. Có người kể sau khóa học chữa lành, họ được dụ dỗ mua thực phẩm chức năng uống để… đẩy nhanh tiến độ chữa lành.

3. Tôi muốn kể hai câu chuyện. Có người bạn 31 tuổi, cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, ngụ tại một tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung bộ. Kết hôn được hơn 2 tháng thì chồng mất. Đứa con trong bụng chỉ vài tuần tuổi sau đó cũng qua đời. Những nỗi đau liên tục ập đến chẳng thể nào bù đắp.

Nhưng nhờ sự động viên, an ủi của người thân, bạn bè. Cùng sự nỗ lực của bản thân, nỗi đau ấy dần dần được nguôi ngoai, xoa dịu.

"Đau. Rất đau. Chẳng thể có từ ngữ nào diễn tả. Nhưng không thể sống mãi trong những suy nghĩ tiêu cực. Phải tự vượt qua niềm đau. Phải nhìn vào những điều tích cực, lạc quan mà sống", cô trải lòng.

Câu chuyện khác, nữ sinh một trường đại học ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM có hai năm liên tục thuộc top sinh viên giỏi nhất khoa. Năm học thứ 3, cô trượt học bổng nên tự cảm thấy "cuộc đời lao dốc" và quyết định đi… chữa lành.

"Em theo 4 khóa chữa lành, cả trực tiếp lẫn trực tuyến. Tốn khoảng 35 triệu đồng", nữ sinh kể.

Và cái kết khiến cô cũng bất ngờ. Đi chữa lành nhưng "chữa" hoài vẫn không "lành". Trớ trêu hơn, học kỳ gần nhất, không những trượt học bổng, nữ sinh này còn… rớt 2 môn.

4. Thật ra khái niệm chữa lành trở nên thông dụng từ đầu năm 2021. Đó là khi trải qua những mất mát vì dịch Covid-19 để lại, Liên Hiệp Quốc đã gọi năm 2021 là "năm để chữa lành" (Year of Healing). Chữa lành là điều cần thiết. Chữa lành giúp hồi phục hồi, làm liền lại những thương tổn về cảm xúc, tinh thần, tâm trí, cơ thể…

Tuy nhiên, có vẻ như chữa lành đang bị lạm dụng một cách quá mức, hay nói cách khác là vô tội vạ. Chữa lành hiện diện khắp nơi, mọi lĩnh vực theo kiểu thương mại hóa. Công ty lữ hành tổ chức tour cũng lấy tên "du lịch chữa lành". Triển lãm nghệ thuật cũng gắn mác "chữa lành". Nhiều hàng quán cũng "thay tên đổi họ" thành "quán ăn chữa lành", "tiệm cà phê chữa lành". Thậm chí có cả "quán nhậu chữa lành" (!?).

Cũng vì thuật ngữ chữa lành trở nên phổ biến một cách bội thực. Rồi nhiều người đổ xô đi chữa lành. Nên nhiều người đã lợi dụng để kiếm tiền từ việc chữa lành. Thế nên mới có chuyện dịch vụ chữa lành "vàng thau lẫn lộn". Nơi có các "chuyên gia thứ thiệt", tức những người đầy đủ chuyên môn về tham vấn và trị liệu tâm lý chẳng ít. Nhưng chỗ chỉ toàn "chuyên gia chữa lành"… tự xưng cũng không hiếm.

5. Đã đến lúc người trẻ cần phải cân nhắc kỹ hơn trong việc chọn lựa, sử dụng các dịch vụ chữa lành. Khi thật sự cần chăm sóc sức khỏe tinh thần, hãy tìm đến những chuyên gia, trung tâm tư vấn tâm lý uy tín để có cơ hội được tháo gỡ các vấn đề gặp phải. Chứ đừng nên đi chữa lành theo… trào lưu. Cũng như đừng phó mặc cuộc đời cho những "chuyên gia chữa lành"… tự xưng.

Có như vậy mới không đi vào vết xe đổ như câu chuyện của cô nữ sinh đã kể khi tiền mất tật mang, "chữa" hoài mà không "lành", lại còn tự chuốc thêm cho bản thân nhiều vết thương.

Quan trọng hơn, câu chuyện của người bạn 31 tuổi có thể khiến người trẻ suy ngẫm. "Liều thuốc" có thể giúp chữa lành hữu hiệu nhất chính là bản thân mỗi người. Sống bằng lăng kính lạc quan cùng niềm tin rằng ngày mai sẽ tốt đẹp, tươi sáng hơn hôm nay chính là "liều thuốc" ấy. Sự lạc quan ấy cũng sẽ là "vắc xin" giúp người trẻ có sức đề kháng, không để cơ thể rơi vào tình cảnh phải đi chữa lành.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.