Thông tin chấn động này do Judical Watch, một tổ chức cộng đồng chuyên điều tra các vụ tham nhũng của chính quyền tại Mỹ, tung ra ngày 4-12. Tuy nhiên, theo AFP, những quan chức cao cấp của Đảng Dân chủ tin rằng sẽ có giải pháp cho vấn đề.
Về mặt lý thuyết, ngôn từ trong hiến pháp Mỹ quy định rằng các nghị sĩ không được phép đảm nhận một cương vị trong chính phủ nếu như trong nhiệm kỳ của nghị sĩ đó, dù là ở thượng viện hay hạ viện, có một quyết định tăng lương đối với cương vị mà nghị sĩ đó dự định đảm trách.
Những người khai sinh nước Mỹ đã đưa điều khoản này vào hiến pháp để ngăn chặn tiêu cực có thể xảy ra khi một nghị sĩ dùng ảnh hưởng của mình để kiếm một khoản thù lao cao hơn với vị trí mới trong chính phủ.
Bà Hillary được bầu lại làm thượng nghị sĩ New York năm 2006 và nhiệm kỳ của bà lẽ ra sẽ kết thúc vào năm 2013. Tuy nhiên, trong năm 2008, Tổng thống George Bush đã ký một quyết định tăng lương cho vị trí bộ trưởng ngoại giao, đồng nghĩa với việc nếu bà Hillary nhận chiếc ghế của bà Condoleezza Rice hiện giờ, đó quả thật là một hành động vi hiến.
Tuy nhiên, những nhân vật hàng đầu của Đảng Dân chủ không cho rằng tình hình trầm trọng đến mức đó. “Từng có tiền lệ về việc giải quyết vấn đề này và nghị viện sẽ hành động nếu cần thiết” - AFP dẫn lời Brendan Daly, người phát ngôn của chủ tịch hạ viện Nancy Pelosi. Mỹ đã có nhiều tiền lệ về việc này, như tổng thống William Taft bổ nhiệm thượng nghị sĩ Philander Knox vào ghế ngoại trưởng năm 1909, gần nhất là tổng thống Bill Clinton bổ nhiệm thượng nghị sĩ Lloyd Bentsen làm bộ trưởng tài chính.
Giải pháp để “lách luật” trở nên nổi tiếng từ thời Nixon và được gọi là “phương án Saxbe”, theo đó Thượng viện Mỹ sẽ bỏ phiếu nhất trí đưa mức lương của bộ trưởng ngoại giao về bằng với mức trước khi được tăng trong nhiệm kỳ của bà Hillary. “Đúng là nếu không sửa mức lương lại thì bà ấy không thể nhậm chức - Bruce Fein, luật sư từng tham gia trực tiếp “phương án Saxbe”, nói với tờ Financial Times - Tuy nhiên, không phải là không còn cách nào khác. Hiểu hiến pháp như thế là quá cứng nhắc. “Phương án Saxbe” hoàn toàn thích hợp với mục đích của điều khoản hiến pháp nói trên”.
Theo Hải Minh / Tuổi Trẻ
Bình luận (0)