Chưa nên giao việc điều tra cho công an xã

28/02/2015 05:48 GMT+7

Việc giao thêm một số hoạt động điều tra ban đầu cho công an xã sẽ vượt quá khả năng của công an xã, dễ dẫn đến việc làm sai lệch trong điều tra, làm bỏ lọt tội phạm hoặc làm oan người vô tội.

Việc giao thêm một số hoạt động điều tra ban đầu cho công an xã sẽ vượt quá khả năng của công an xã, dễ dẫn đến việc làm sai lệch trong điều tra, làm bỏ lọt tội phạm hoặc làm oan người vô tội.

Chăm sóc y tế tại Trại tạm giam số 2 Công an TP.Hà Nội Chăm sóc y tế tại Trại tạm giam số 2 Công an TP.Hà Nội - Ảnh: Ngọc Thắng

Đây là quan điểm do Ủy ban Tư pháp (UBTP) của Quốc hội (QH) đưa ra tại chương trình phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ QH sáng qua (27.2) liên quan đến dự án luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự.

“Cơ quan khác” của lực lượng cảnh sát

Theo thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, tại dự thảo luật, cơ quan soạn thảo đã bổ sung quy định công an xã, phường, thị trấn, đồn công an, trạm công an là cơ quan khác của lực lượng cảnh sát trong công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

Theo thường trực UBTP, nhiệm vụ, quyền hạn của công an xã đang được thực hiện theo pháp lệnh Công an xã (tiếp nhận, phân loại xử lý theo thẩm quyền các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn; kiểm tra người, đồ vật, giấy tờ tùy thân; lập hồ sơ ban đầu, lấy lời khai người bị hại...) và không được coi là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

“Trên thực tế, công an xã là lực lượng bán chuyên trách, trình độ của công an cấp xã ở nhiều địa phương vẫn còn nhiều hạn chế, chưa được đào tạo cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ điều tra”,  Chủ nhiệm UBTP Nguyễn Văn Hiện phân tích.

Cũng theo UBTP, việc giao thêm một số hoạt động điều tra ban đầu cho công an xã sẽ vượt quá khả năng, dễ dẫn đến việc làm sai lệch trong điều tra vụ án hình sự, gây khó khăn cho cơ quan điều tra chuyên trách hoặc làm bỏ lọt tội phạm hoặc làm oan người vô tội. Vì lý do này, UBTP đề nghị không nên quy định công an xã là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra như quy định của dự thảo luật.

Tách nhà tạm giữ, trại tạm giam khỏi cơ quan điều tra

Tại phiên làm việc về dự án luật Tạm giữ, tạm giam vào chiều cùng ngày, UBTP đã nêu ra quan điểm trên.

Theo báo cáo thẩm tra dự luật của UBTP, nhiều ý kiến cho rằng cần xác định rõ hơn về mô hình hệ thống các cơ quan quản lý nhà tạm giữ, trại tạm giam. Đây cũng là vấn đề chưa được đề cập rõ trong tờ trình cũng như trong dự án luật. UBTP cho rằng, cần tách việc quản lý nhà tạm giữ, trại tạm giam ra khỏi cơ quan điều tra hình sự để bảo đảm tính khách quan trong công tác giam giữ, tránh tình trạng vi phạm quyền của người bị tạm giữ, tạm giam xảy ra trong thời gian qua.

UBTP đề nghị tổ chức mô hình quản lý trại tạm giam, nhà tạm giữ theo hệ thống dọc do Tổng cục Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp thuộc Bộ Công an quản lý, chỉ đạo nghiệp vụ như đối với hệ thống trại giam hiện nay; bảo đảm minh bạch, rõ trách nhiệm giữa quản lý tạm giữ, tạm giam và cơ quan điều tra, có sự kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan này trong việc chấp hành pháp luật. Tuy nhiên, UBTP cho biết cũng có một số ý kiến đề nghị vẫn giữ mô hình như hiện nay.

Liên quan đến vấn đề quản lý tạm giữ, tạm giam và chế độ đối với người bị tạm giữ, tạm giam, UBTP bày tỏ tán thành với nhiều quy định của dự án luật. Tuy nhiên, theo quy định của Hiến pháp năm 2013 thì những người này chưa bị coi là có tội và chưa phải chịu hình phạt nên một số quyền công dân cần phải được bảo đảm như quyền về an toàn tính mạng, sức khỏe, chăm sóc y tế, quyền được tiếp cận thông tin, quyền được gặp luật sư, người bào chữa, người thân...

Do đó, UBTP đề nghị Chính phủ nghiên cứu để quy định rõ các quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam trên cơ sở thể chế hóa các quy định của Hiến pháp. Bên cạnh đó, UBTP cũng đề nghị rà soát những nội dung nào liên quan đến việc hạn chế quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân thì phải được quy định ngay trong dự án luật mà không thể giao cho Chính phủ, các bộ, ngành quy định.

Kiểm ngư, cơ quan Thuế, Ủy ban chứng khoán nhà nước sẽ có quyền điều tra?

Liên quan đến việc bổ sung quy định kiểm ngư, cơ quan thuế, Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN) là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra tại dự luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, thường trực UBTP cho biết hiện có hai loại ý kiến khác nhau.

Nhóm thứ nhất cho rằng đây là những cơ quan thuộc những lĩnh vực đặc thù (thuế, chứng khoán, thủy sản trên biển), là những lĩnh vực có số vụ vi phạm pháp luật ngày càng gia tăng, với thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp. Nếu được giao nhiệm vụ thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp giải quyết, xác minh, lấy lời khai ban đầu, trưng cầu giám định khi cần thiết, khởi tố vụ án hình sự và chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra có thẩm quyền thì sẽ kịp thời ngăn chặn, xử lý tội phạm trong các lĩnh vực này.

Nhóm ý kiến còn lại không tán đồng với đề nghị này vì cho rằng hoạt động xác minh, kiểm tra, thanh tra của các cơ quan thuế, UBCKNN chủ yếu làm việc tại trụ sở cơ quan, kiểm tra vụ việc trên giấy tờ, tài liệu. Khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì có thể chuyển ngay hồ sơ vụ việc cho cơ quan điều tra chuyên trách nên không cần thiết phải giao thẩm quyền điều tra cho các cơ quan này. Riêng đối với cơ quan kiểm ngư mặc dù có địa bàn hoạt động trên biển nhưng cũng trên địa bàn này đã có lực lượng Cảnh sát biển hoạt động, nên việc bổ sung thẩm quyền điều tra cũng không thực sự cần thiết.

Đồng tình với quan điểm không mở rộng đầu mối điều tra như Kết luận 92 của Bộ Chính trị, Phó trưởng ban Nội chính T.Ư Nguyễn Doãn Khánh cho rằng nếu theo lập luận này sẽ có nhiều cơ quan đặc thù khác như kiểm toán, thanh tra cũng có thể đòi quyền điều tra. Kết luận phiên họp, Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng cũng đề nghị tiếp thu ý kiến của Bộ Chính trị, trong đó có nội dung giữ nguyên các đầu mối điều tra hình sự. Theo đó các quy định hướng tới việc sắp xếp lại sao cho tinh gọn hơn đồng thời vẫn đảm bảo nguyên tắc không bỏ lọt tội phạm và không làm oan người vô tội, đảm bảo quyền con người, quyền công dân trong quá trình điều tra.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.