Trước đó, dự án này đã gây rất nhiều tranh cãi bởi không có tên trong Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và phân phối thép giai đoạn 2020 xét đến năm 2025 mà được bổ sung sau đó. Nhưng vấn đề quy hoạch chạy theo doanh nghiệp chưa phải điều đáng lo ngại nhất mà xung quanh "siêu" dự án này, vấn đề ô nhiễm, vấn đề lấy nước đâu để luyện thép khi Ninh Thuận là tỉnh hạn hán? Rồi những hệ lụy của việc chạy theo ngành "công nghiệp hoàng hôn" khi thế giới đang dư thừa nguồn cung... tất cả đều chưa có câu trả lời thỏa đáng, tiềm ẩn những rủi ro lớn.
Ngay cả hiệu quả kinh tế của siêu dự án thép Hoa Sen - Cà Ná cũng khó mà "địch" nổi những lợi ích mang lại từ thế mạnh du lịch biển của Ninh Thuận nói riêng và toàn vùng Khánh Hòa và Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu nói chung. Thậm chí nếu "trừ" đi các ưu đãi về điện, nước, đất… và tính đúng - tính đủ chi phí môi trường... thì xét đơn thuần về mặt kinh tế, đầu tư dự án này nắm chắc phần "âm" chứ đừng nói đến tăng trưởng.
Việc Thủ tướng chưa quyết dự án thép Cà Ná theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, vì quan điểm của Thủ tướng khi kết luận đối với dự án thép này là phải căn cứ trên cơ sở các báo cáo đánh giá được làm chặt chẽ, thận trọng. Thủ tướng yêu cầu phải đánh giá kỹ về quy hoạch, tính khả thi, hiệu quả, công nghệ vận hành, tác động môi trường, cơ cấu sản phẩm có phù hợp với cung cầu thị trường hay không... Đây là những yêu cầu hết sức cần thiết và thể hiện rõ nhất quán quan điểm của Chính phủ về việc xây dựng môi trường kinh doanh công bằng và bình đẳng; về việc không hy sinh môi trường lấy tăng trưởng. Dự án thép Cà Ná - Hoa Sen có thể được chấp thuận, có thể không nhưng dù kết quả nào thì mọi thông tin phải được công khai, minh bạch. Nếu dự án được phê duyệt, nhà đầu tư phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về môi trường, về quy hoạch; phải chứng minh rằng đầu tư dự án này hiệu quả hơn phát triển du lịch Cà Ná, một địa danh có núi, có rừng, có biển, và cả một nền văn hóa Chăm rất độc đáo. Một địa danh có vẻ đẹp thiên nhiên kết hợp với nét đẹp văn hóa để tạo nên một thiên đường du lịch thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước...
Cuộc tranh cãi VN có nên làm thép nữa hay không vẫn chưa ngã ngũ nhưng xét trên tổng quan, nếu tiếp tục đầu tư vào ngành này, chúng ta phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Thứ nhất, đây là ngành tiêu tốn nhiều tài nguyên thiên nhiên, năng lượng và gây ô nhiễm cao. Đừng nói rằng quan trọng là khâu giám sát. Khâu này của chúng ta vẫn luôn yếu kém và đã được chứng minh qua hàng loạt dự án gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mà điển hình là Formosa, dự án gây ô nhiễm vùng biển 4 tỉnh miền Trung. Thứ hai, thép đang ở giai đoạn "công nghiệp hoàng hôn" và Trung Quốc là một điển hình sát ngay biên giới VN. Để giải quyết hệ lụy từ việc phát triển nóng trước đó, Trung Quốc phải bán tháo từ sản phẩm cho đến thiết bị, công nghệ. Nếu tiếp tục đầu tư các siêu dự án sản xuất thép, liệu VN có cạnh tranh nổi với khủng hoảng thừa của Trung Quốc? Có thể khẳng định rằng, cực kỳ khó. Chẳng nói đâu xa, mấy năm nay, thép Trung Quốc với giá rẻ mạt ùn ùn đổ vào VN khiến hàng loạt công ty thép nội lao đao, thậm chí đứng bên bờ vực phá sản... Nếu bảo sản xuất thép để xuất khẩu, xin lưu ý rằng thép là mặt hàng bị kiện chống bán phá giá nhiều nhất trong tổng số vụ kiện, ở rất nhiều thị trường ngoại...
Đó là lý do, nhiều ý kiến cho rằng, việc "chưa quyết" dự án thép Cà Ná - Hoa Sen của Thủ tướng rất hợp lòng dân.
Bình luận (0)