Chiều nay 18.8, tại Hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023 - 2024 do Bộ GD-ĐT tổ chức, đại diện cho khối trường ĐH, PGS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, đã chia sẻ một số khó khăn về việc thực hiện quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục ĐH, đồng thời đề xuất một số kiến nghị nhằm giải quyết các thách thức này.
Trong đó, có kiến nghị: trong trường hợp chưa tăng được học phí thì Nhà nước nên cấp bù phần ngân sách chưa được tăng.
Theo ông Quân, trong tiến trình thực hiện tự chủ ĐH ở Việt Nam thời gian qua, các cơ sở giáo dục ĐH đã gặp 5 thách thức rất lớn, chủ yếu liên quan đến tài chính ĐH.
Cụ thể gồm: nguồn thu chủ yếu dựa vào học phí; chính sách cho sinh viên vay còn rất hạn chế, kể cả đối tượng, quy trình thủ tục, định mức và thời hạn vay; một số quy định về pháp luật còn chưa đồng bộ, chưa thúc đẩy tự chủ ĐH; có ít sinh viên chọn ngành khoa học, kỹ thuật công nghệ, bao gồm cả bậc sau ĐH, dẫn đến mất cân đối trong lĩnh vực, ngành nghề đào tạo.
Thách thức cuối cùng, cũng là thách thức lớn nhất, là thách thức về niềm tin của xã hội đối với giáo dục nói chung và giáo dục ĐH nói riêng. "Có lẽ chưa bao giờ người thầy lại có nhiều tâm trạng, tâm tư như bây giờ", PGS Quân bày tỏ.
Ông Quân nhận định, nếu không có hệ thống các giải pháp đồng bộ thì sẽ giới hạn cơ hội tiếp cận giáo dục ĐH của một bộ phận không nhỏ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, đồng thời khiến các trường ĐH chạy theo những ngành đào tạo dễ tuyển sinh, làm mất cân đối nguồn nhân lực trong chiến lược phát triển quốc gia.
Tăng đầu tư của Nhà nước cho giáo dục ĐH
Trước 5 thách thức trên, tập thể ĐH Quốc gia TP.HCM đã thống nhất đề xuất Bộ GD-ĐT và các cơ quan hoạch định chính sách 3 kiến nghị.
Kiến nghị đầu tiên là tăng đầu tư của Nhà nước cho giáo dục ĐH. Bên cạnh đầu tư chiều sâu cho cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, cần quan tâm đầu tư trực tiếp cho con người thông qua các đề tài, dự án. Thực tế, các phòng thí nghiệm chỉ hoạt động hiệu quả khi được vận hành bởi những nhà khoa học giỏi.
Có lộ trình điều tiết ngân sách nhà nước đối với các trường ĐH tự chủ theo hướng chỉ dừng cấp ngân sách chi thường xuyên sau khi trường ĐH đã tự chủ xong một chu kỳ đào tạo (4 - 5 năm). Trong trường hợp chưa tăng được học phí thì Nhà nước nên cấp bù phần ngân sách chưa được tăng; sớm hoàn thiện các thể chế chính sách pháp luật để thúc đẩy hợp tác PPP (hình thức đối tác công - tư), nghiên cứu chuyển giao KH-CN, thúc đẩy văn hóa hiến tặng...
Kiến nghị thứ hai là về chính sách tín dụng cho sinh viên vay, gồm: mở rộng đối tượng được hưởng chính sách tín dụng sinh viên; điều chỉnh mức cho vay nhằm đảm bảo cho sinh viên có thể chi tiêu cho đời sống bằng nhóm trung bình của xã hội và đủ tiền nộp học phí; giảm mức lãi suất cho vay đối với sinh viên vay vốn, giữ ở mức 3 - 4%/năm hoặc chia theo lộ trình trong thời gian đi học được áp dụng lãi suất vay ưu đãi là 3 - 4%/ năm, sau khi tốt nghiệp ra trường sẽ áp dụng lãi suất cao hơn.
Bên cạnh đó, điều chỉnh thời gian vay tối thiểu 15 năm hoặc gấp 3 lần thời gian vay (ví dụ, học 4 năm được vay và trả nợ vay tối đa là 12 năm); nghiên cứu xây dựng và sớm ban hành chính sách tín dụng cho vay thương mại dành cho sinh viên.
Kiến nghị thứ ba là về cơ chế Nhà nước đặt hàng đào tạo, nhằm đảm bảo vai trò điều tiết, dẫn dắt của Nhà nước trong việc gắn đào tạo và nghiên cứu với các nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước. Việc đặt hàng đào tạo của Nhà nước giúp tạo ra sự hài hòa trong nhu cầu của người học, chuẩn bị cho nguồn nhân lực trong tương lai gần và tránh khủng hoảng thừa và khủng hoảng thiếu.
Các ngành đề xuất được đặt hàng đào tạo gồm: các ngành thuộc nhóm ngành khoa học tự nhiên, nhóm ngành khoa học xã hội, nhóm ngành văn hóa, nghệ thuật và một số lĩnh vực khác như nông, lâm nghiệp, địa chất, hải dương học…
"Nếu không thực hiện điều này thì trong tương lai gần, chúng ta sẽ thiếu hụt nhân lực trình độ cao, thiếu hụt nhà khoa học đầu ngành; tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước sẽ bị chậm lại, khó phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội", PGS Quân nói.
Bình luận (0)