Những ý kiến đề nghị bỏ phần tự luận đều cho rằng không có giá trị phân loại, hầu hết thí sinh không làm phần này, chưa kể dễ dẫn đến tình trạng học tủ.
Thí sinh làm bài thi môn tiếng Anh kỳ thi THPT quốc gia 2015 -Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Bản thân trắc nghiệm nếu làm tốt cũng đáp ứng được kỹ năng viết.
Hầu hết thí sinh bỏ phần tự luận
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết: “Việc chấm thi môn tiếng Anh năm 2015 cho thấy có đến hơn 50% thí sinh (TS) bỏ trống phần tự luận, các em chủ yếu tập trung làm trắc nghiệm vì phần này chiếm tới 8/10 điểm”.
|
|
Tiến sĩ Nguyễn Đức Minh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cũng thông tin có quá nhiều TS không làm phần tự luận do không phân bổ được thời gian hợp lý. Do vậy, điểm phần này hầu như không có hoặc rất thấp.
Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, nhìn nhận: “Kết quả của năm 2015 cho thấy điểm của TS phần này rất thấp, có nhiều em bỏ giấy trắng, có cụm trên 60% điểm 0 tự luận. Giáo viên chấm thi môn tiếng Anh Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM cũng phản ánh rất khó cho điểm ở phần này”.
Ông Đào Đức Tuyên, Phó trưởng khoa Ngoại ngữ - Sư phạm, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, lý giải: “Phần thi viết vượt quá khả năng của đa số học sinh (HS) do trong quá trình dạy học ở bậc THPT, kỹ năng viết và nói thường không được chú trọng. Hơn nữa, việc áp dụng phần thi viết còn dẫn đến tình trạng luyện tủ và học tủ một số chủ đề. Các HS “trúng tủ” có bài viết khá giống nhau. Hiện tượng này đã xảy ra trong kỳ thi THPT quốc gia 2015”.
Trắc nghiệm vẫn đánh giá kỹ năng viết
Bên cạnh nhiều ý kiến cho rằng cần phải có phần tự luận để giúp phân hóa TS, đánh giá năng lực tốt hơn thì có không ít giáo viên, chuyên gia nhìn nhận, trắc nghiệm cũng đảm bảo được những yêu cầu này.
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM, chia sẻ: “Năm 2014 trở về trước, đề thi tiếng Anh không chia ra làm 2 phần trắc nghiệm và tự luận, mà đưa phần viết vào trắc nghiệm luôn. Theo tôi, như thế là hay. Vì những câu trắc nghiệm đã mang tính phân loại. TS mà học kém thì dù trắc nghiệm hay tự luận, cũng khó mà đạt được điểm cao. Còn em nào học giỏi, thì sẽ lấy nhiều điểm cả phần trắc nghiệm lẫn tự luận. Điều đó cho thấy 20% tự luận trong bài không có ý nghĩa gì cả”. Cùng quan điểm này, PGS-TS Đỗ Văn Dũng cho rằng, ai học tốt thì mới làm đúng phần trắc nghiệm. Em nào học dở thì chỉ “đánh bừa”. Như vậy, chỉ riêng phần trắc nghiệm đã có thể đánh giá được đầy đủ năng lực của TS. Ông Đào Đức Tuyên cũng khẳng định: “Đề thi thuần túy trắc nghiệm, nếu được thiết kế chuẩn mực, vẫn có thể phân loại được năng lực tiếng Anh của HS”.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Vũ, Trưởng khoa Tiếng Anh Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng năng lực tiếng Anh nên được đánh giá toàn diện ở cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc và viết. Sách giáo khoa tiếng Anh ở trường phổ thông hiện nay đã được biên soạn chú trọng cả 4 kỹ năng này nên nếu dạy học và đánh giá tốt ở các bậc học phổ thông là đạt mục tiêu phát triển toàn diện. Việc đưa thêm phần thi viết với tỷ trọng 2/10 điểm như kỳ thi THPT quốc gia chưa thấy lợi ích rõ ràng, trong khi công tác tổ chức thi và đánh giá có nhiều khó khăn. Vì vậy, trong điều kiện tổ chức thi hiện tại, tôi ủng hộ phương án chỉ thi trắc nghiệm cho môn tiếng Anh như trước năm 2015. Nếu đã thi viết thì nên tách hẳn ra thành bài thi riêng và bài bản.
Bài thi tiếng Anh của ĐH Quốc gia Hà Nội không có phần tự luận
Theo tiến sĩ Sái Công Hồng, Giám đốc Trung tâm khảo thí (ĐH Quốc gia Hà Nội), cho đến nay trung tâm vẫn chưa đưa yêu cầu viết luận vào bài thi đánh giá năng lực ngoại ngữ chủ yếu để tăng tính khách quan trong đánh giá, giảm sự đánh giá chủ quan của người chấm. Những ai có chút hiểu biết về khoa học đánh giá, đo lường trong giáo dục đều biết rằng chất lượng đánh giá bằng phương pháp tự luận phụ thuộc vào chất lượng chấm thi. Nếu kỳ thi được tổ chức trên diện rộng, đòi hỏi sự tham gia chấm thi của giáo viên ở nhiều đơn vị (hoặc địa phương) khác nhau, thì sự chênh lệch về trình độ người chấm sẽ càng rõ. Nếu đưa phần viết luận vào, cho dù hướng dẫn chấm tỉ mỉ chi tiết đến mấy thì vẫn sẽ có độ chênh về chất lượng chấm bài giữa hai giám khảo.
Để đánh giá năng lực ngoại ngữ của TS, lý tưởng nhất là có một công cụ để có thể thực hiện được việc đo lường cả 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết. Nhưng trong bối cảnh dạy học ngoại ngữ hiện nay ở các trường phổ thông, việc đòi hỏi phải tổ chức được một kỳ thi đại trà đáp ứng 4 yêu cầu đó là chưa phù hợp. Mà viết luận lại là một yêu cầu cao nhất trong việc dạy học ngoại ngữ. Yêu cầu này cần đặt ra với kỳ thi HS giỏi, còn với một kỳ thi đánh giá năng lực chung, kể cả dùng kết quả của kỳ thi đó xét tuyển ĐH, thì hiện chưa cần thiết.
Trong khi đó, Giáo sư Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT, cho rằng kỳ thi 2 mục đích nhưng với môn ngoại ngữ tỷ lệ TS cần dùng điểm ngoại ngữ để xét tuyển ĐH không cao. Vì thế việc thi ngoại ngữ chủ yếu để xét tốt nghiệp. Với một kỳ thi đại trà và chuẩn cũng ở mức độ thấp (xét tốt nghiệp) thì chỉ cần bằng phương pháp trắc nghiệm thôi cũng đã đủ để đánh giá TS. Kể cả với yêu cầu phân hóa, đề thi trắc nghiệm cũng đáp ứng được. Còn những trường có yêu cầu cao về ngoại ngữ có thể thêm một bài kiểm tra nhỏ những TS đạt điểm cao nhất trong kỳ thi đại trà.
Quý Hiên
|
Bình luận (0)