(TNO) Phận đàn bà như tôi chỉ thích vào ngày 10.6 U.23 Việt Nam thắng Thái cho ‘bõ tức’, nhưng dưới góc độ của một người làm nghề thì HLV đội U.19 quốc gia Hoàng Anh Tuấn lại đặt câu hỏi: Thắng Thái để làm gì?
HLV Miura muốn U.23 Việt Nam đá với U.23 Thái Lan như thế nào đang là dấu hỏi - Ảnh: Khả Hòa
|
“Thì để dư luận khỏi mè nheo là Việt Nam lại chẳng thể vượt qua nổi đối thủ truyền kiếp là Thái Lan chứ còn để làm gì!”.
Ông Tuấn không đồng tình với ý kiến “nhỏ mọn” trên đây và phản biện: “Từ trước tới nay, HLV Miura chưa bao giờ làm việc gì đó chỉ nhằm lấy lòng hay xoa dịu dư luận mà làm những thứ mà ông cho là cần và tốt cho các đội bóng mà ông ấy nắm giữ.
Trận với Thái Lan, lại càng không có chuyện ông muốn làm hài lòng dư luận nên nhăm nhăm thắng bằng mọi giá. Tôi cho rằng, trận cuối cùng ở bảng B này, Việt Nam sẽ đá theo cách để chọn đối thủ ở bán kết, chứ không phải đưa ra mục đích tối thượng hay mục đích duy nhất là đá để thắng Thái Lan”.
Diễn tiến của bảng A môn bóng đá nam SEA Games 28 cũng khá phức tạp và kịch tính. Ngoài ngôi đầu bảng đã thuộc về Myanmar thì vị trí còn lại đang là sự tranh chấp giữa Singapore và Indoensia.
Ngọc Thắng và các đồng đội đã chắc chắn lọt vào bán kết sau trận thắng U.23 Đông Timor - Ảnh: Khả Hòa
|
Và những phân tích của ông Tuấn dưới đây về cục diện bảng A, bảng B không phải không có lý: “Nếu hòa Thái, U.23 Việt Nam vẫn đứng đầu bảng do hơn hiệu số bàn thắng thua. Nếu thua, Việt Nam sẽ nhì bảng và phải đối đầu Myanmar ở bán kết.
Tôi thừa nhận với những gì đã thể hiện ở vòng bảng, Myanmar đã bộc lộ một sức mạnh tiềm tàng. Thế nhưng, trong bóng đá không phải cứ tính toán một cách “cơ học” là họ mạnh nhất bảng kia thì ta nên tránh.
Đây là thời điểm mà HLV Miura cùng các cộng sự của mình phải cực kỳ nhạy bén và khôn ngoan. Phải tự thu thập và thống kê càng đầy đủ, càng chính xác càng tốt một loạt những số liệu chuyên môn liên quan đến Myanmar và hai đội còn lại. Phải có những đánh giá thực chất nhất về tương quan lực lượng giữa chúng ta và ba đội của bảng A (bao gồm cả hai đội đang tranh vé nhì bảng)".
HLV Miura từ chối bình luận về việc cất Công Phượng ở trận gặp U.23 Đông Timor - Ảnh: Khả Hòa
|
Để từ đó làm bảng “hoạch định”: “Nếu Việt Nam gặp Myanmar thì tỷ lệ thắng sẽ là bao nhiêu, hòa là bao nhiêu và thua là bao nhiêu (thống kê tương tự với đội Indonesia, Singapore).
Sau khi “dự trù” tỷ lệ phần trăm xong rồi thì mới tính tiếp với từng loại đối thủ thì sẽ đá thế nào, ai đá (chẳng hạn như nếu xác định gặp Myanmar có lối đá nhỏ thì Việt Nam lại phải chọn một cách chơi phù hợp. Còn nếu xác định gặp Singapore chơi hơi giống châu Âu là bóng dài, tạt bổng thì Việt Nam cũng cần có một lối chơi khác).
Do vậy, ngay lúc này, chúng ta chưa thể biết, chưa thể kết luận vội vã là ông Miura sẽ nhất định phải thắng Thái bằng mọi giá hay không? Ông đang tính toán một cách cẩn thận là nên gặp ai ở bán kết thì khả năng chiến thắng của Việt Nam sẽ cao hơn”
Cũng theo quan điểm của HLV Hoàng Anh Tuấn, HLV Miura có thể sẽ không tung ra lực lượng mạnh nhất khi tiếp đón Thái Lan bởi: “Ông sẽ giữ những quân cờ tốt nhất cho bán kết. Vì dù sao, sai số khi gặp Thái Lan cũng không nghiêm trọng. Sai số ở bán kết mới là mất hết. Việc bảo toàn lực lượng để chuẩn bị cho giai đoạn quan trọng nhất của một giải đấu chính là việc mà ông Miura cần làm và chắc chắn sẽ làm”.
Ông Miura có kiểu bố trí người rất “lạ”
Trong những lời nhận xét của ông Hoàng Anh Tuấn về đồng nghiệp người Nhật luôn chứa đựng cả sự khen ngợi (ở mức chừng mực), sự ngạc nhiên (ở mức vừa phải) và đôi khi kèm cả sự nghi ngại (ở mức bình thường). Ví dụ, như ông Tuấn nói trong số 4 trận toàn thắng của U.23 Việt Nam ở vòng bảng SEA Games 28, có những trận đá rất kém nhưng “vẫn nằm trong tầm kiểm soát và đều là dự liệu từ ban đầu của HLV Miura. Đây là con người của sự an toàn, chắc chắn và cẩn trọng”. HLV Hoàng Anh Tuấn dẫn chứng: “Có trận đấu, ông Miura không bố trí một hậu vệ biên nào mà hàng thủ tập trung cả 4 trung vệ. Nhiệm vụ của hậu vệ biên là tham gia tấn công và đòi hỏi phải có tốc độ tốt, quả tạt bóng tốt. Nhưng vì không có sự hỗ trợ tấn công từ hậu vệ biên nên nhiều người chê U.23 Việt Nam rất yếu ở cánh. Tuy nhiên, ông Miura đặt tính an toàn lên trên hết nên đã sử dụng nhóm trung vệ cao to để bảo vệ phần sân nhà. Thế nhưng, các bạn nên quan sát kỹ cách đào tạo và xử lý các “quân bài” của ông Miura. Có trận, ông đẩy trung vệ Quế Ngọc Hải ra biên. Đây là kiểu bố trí rất “lạ” nhưng mang mục đích về chiều sâu rất rõ ràng: Muốn trung vệ có thể đá được nhiều vị trí, tạo ra tính “đa di năng” cho cầu thủ. Bóng đá Việt Nam hiện đang rất hiếm cầu thủ “đa di năng”. Vì thế, phương pháp huấn luyện của ông Miura có ích lợi nhiều đấy chứ!”. |
Bình luận (0)