Chưa thể bỏ quy hoạch điện hạt nhân?

22/09/2022 06:51 GMT+7

Bộ Công thương kiên định quan điểm giữ quy hoạch địa điểm xây dựng điện hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận bởi nếu hủy bỏ sẽ ảnh hưởng đến khả năng phát triển điện hạt nhân trong tương lai, đặc biệt ảnh hưởng đến quan hệ với các nước đối tác.

Xung quanh vấn đề này, vẫn còn rất nhiều ý kiến tranh luận.

Điện hạt nhân vẫn chiếm phần quan trọng trong an ninh năng lượng thế giới nhưng cũng gây lo ngại về an toàn, quy hoạch

Reuters

Bỏ sẽ gây lãng phí

Trả lời tỉnh Ninh Thuận về kiến nghị xem xét giải quyết những vướng mắc liên quan quy hoạch địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) Ninh Thuận 1 và 2, Bộ Công thương cho biết thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ đã lấy ý kiến của các bộ ngành liên quan và tổng hợp báo cáo gửi Thủ tướng. Trong đó, quan điểm của Bộ với việc hủy các quyết định quy hoạch địa điểm xây dựng ĐHN Ninh Thuận 1 và 2 tại thời điểm này là “chưa phù hợp” do mới chỉ có chủ trương tạm dừng thực hiện dự án mà thôi. Bộ Công thương nhấn mạnh việc hủy quy hoạch địa điểm sẽ gây lãng phí, ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao và khó khăn nếu như sau này các cấp có thẩm quyền chấp thuận việc tiếp tục thực hiện dự án ĐHN Ninh Thuận 1 và 2. Đồng thời, Bộ cũng kiến nghị Thủ tướng duy trì hiệu lực các quyết định phê duyệt quy hoạch địa điểm xây dựng các nhà máy ĐHN Ninh Thuận. Trước đó, năm 2016, dự án ĐHN Ninh Thuận đã được Quốc hội khóa 14 ban hành Nghị quyết số 31 dừng thực hiện chủ trương đầu tư.

Trong kỳ họp Quốc hội hồi tháng 5, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cũng khẳng định dự án nhà máy ĐHN chỉ mới tạm dừng chứ không phải là hủy bỏ. Vì vậy, sẽ không có cơ sở bỏ địa điểm xây dựng nhà máy ĐHN và đến nay qua nghiên cứu thì “không nơi nào phù hợp hơn Ninh Thuận”. Bên cạnh đó, nhằm ổn định sản xuất, đời sống nhân dân trong vùng dự án, Bộ cũng đề nghị Thủ tướng giao UBND tỉnh Ninh Thuận phê duyệt theo hướng không thay đổi chức năng sử dụng đất nhưng cải tạo chỉnh trang khu dân cư hiện hữu, cho phép người dân cải tạo xây mới nhà ở với các chỉ tiêu quy hoạch phù hợp các đồ án đã duyệt. Cùng với đó, cho phép cải tạo, hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật giao thông, điện, cấp thoát nước, vệ sinh đảm bảo đồng bộ, liên thông.

Tại kỳ họp Quốc hội, đại diện đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận phản ánh việc kéo dài dự án nhà máy ĐHN tại địa phương đã gây nên những bất cập ảnh hưởng tới đời sống, kinh tế, gây bức xúc cho người dân, ảnh hưởng tới thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Theo kết quả giám sát của Ủy ban Kinh tế, nhân dân trong vùng dự án phải thu hồi đất đã trải qua thời gian dài chờ đợi, bị hạn chế quyền lợi, không được thực hiện các quyền về sử dụng đất trên mảnh đất của mình.

Cần phục hồi điện hạt nhân?

Nhận định ĐHN là yếu tố rất quan trọng để giải bài toán phát thải ròng bằng 0 mà VN đã cam kết tới năm 2050, kỹ sư Đào Nhật Đình, chuyên gia về năng lượng và môi trường, phân tích: ĐHN không hẳn là không phát thải, nhưng mức phát thải rất thấp so với năng lượng nó tạo ra. Mặt khác, các nguồn điện của VN hiện nay đều có giới hạn. Đơn cử, điện gió ngoài khơi rất tiềm năng, nhưng giả sử một tháng không có gió thì sẽ phải tìm nguồn thay thế. Điện mặt trời giới hạn thời gian phát điện, bên cạnh đó, tỷ lệ chiếm đất rất cao, trong khi đất nước ta nhỏ (mật độ dân số cao) nên nguồn lực đất đai không phải dồi dào. Điện than thì gần như không thể vay thêm tiền để phát triển; thủy điện cũng đang dần cạn kiệt. Đó là lý do vì sao hiện nhiều nước vẫn phát triển mới cũng như tiếp tục gia hạn thêm các lò ĐHN lẽ ra phải đóng cửa vì hết niên hạn. Các nước dùng điện tái tạo nhiều cũng phải dùng ĐHN để chạy nền.

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu hiện tại, giá nhiên liệu hóa thạch tăng vọt, những thách thức về năng lượng và tham vọng phát thải ròng về 0 trong hơn 25 năm nữa, tôi tin ĐHN đang có cơ hội lớn để quay trở lại, có thể với công nghệ hiện đại hơn, khác hơn hiện nay.

Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường Nguyễn Thế Chinh

Tại VN, trong báo cáo về nội dung Quy hoạch Điện 8 do Bộ Công thương gửi Thường trực Chính phủ ngày 25.7.2022, ĐHN chỉ mới dừng ở mức “xem xét, nghiên cứu khả năng phát triển trong tương lai”. Dù không đưa ĐHN vào để tính toán, song VN khó có thể nằm ngoài xu hướng phát triển ĐHN trong tương lai. “Các vị trí quy hoạch đã được chọn cho ĐHN không phải dễ gì có được nên không thể nói bỏ là bỏ dễ dàng. Nếu định hướng phát triển ĐHN thay đổi trong tương lai, quay lại tìm địa điểm mới sẽ rất khó và tốn kém thêm nguồn lực, trí lực, không đơn thuần chỉ như đi tìm vị trí cho một dự án bình thường”, ông Đình khuyến cáo.

Một chuyên gia kinh tế cho rằng phát triển ĐHN có thể là xu hướng tất yếu. GDP của VN hiện nay đã gần 300 tỉ USD, chúng ta sẽ phát triển lên tới 500 - 700 tỉ USD, đòi hỏi nguồn năng lượng điện cũng phải tăng theo nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển. Trong khi đó, các nguồn tài nguyên điện như nhiệt điện, thủy điện đã bắt đầu ở mức cảnh báo. Điện mặt trời, điện gió tính ổn định thấp. Nếu không phát triển ĐHN thì buộc phải có thêm nguồn điện tăng cường, chỉ có thể kỳ vọng vào điện than nhưng loại này lại đi ngược với mục tiêu về môi trường.

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng nhấn mạnh: “Không có chuẩn mực nào là sử dụng hay không sử dụng ĐHN. Ví dụ, Pháp sử dụng đến 70% điện từ ĐHN còn Đức lại muốn bỏ ĐHN. VN thì hiện đang tiến thoái lưỡng nan giữa lo lắng về an toàn ĐHN và yêu cầu năng lượng carbon thấp. Cũng vì chưa có định hướng rõ ràng nên quy hoạch dừng, coi như không có. Những vùng đất đã được quy hoạch phải đạt được sự đồng thuận của địa phương, nếu không thì cần để người dân được sinh sống ổn định, phát triển đời sống bình thường theo nhu cầu”.

Phối cảnh thiết kế Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1. Quy hoạch dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận bị dừng từ năm 2016

TTXVN

Kìm hãm sinh kế người dân

Trong khi đó, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường Nguyễn Thế Chinh băn khoăn vấn đề an toàn của các nhà máy ĐHN phụ thuộc vào nước làm mát. Trên thực tế, nhà máy ĐHN cung cấp khoảng 10% điện năng trên thế giới, nhưng nó cần một lượng lớn nước khổng lồ để làm mát các lò phản ứng. Do đó, vị trí của nhà máy thường nằm gần biển hoặc dọc theo nguồn nước là điều kiện tiên quyết. Bên cạnh đó, vị trí quy hoạch nhà máy phải xa dân cư… Tuy nhiên, theo ông, Quy hoạch Điện 8 chưa được phê duyệt, ĐHN cũng chỉ mới được xem xét, nghiên cứu cho “thì tương lai”, có thể 10 - 15 năm nữa mới triển khai hoặc chậm hơn, tùy vào chiến lược phát triển năng lượng quốc gia sau này. Hiện tại, nhiều nhà đầu tư vào năng lượng tái tạo, đặc biệt điện gió đổ nguồn vốn rất lớn. Nếu vậy, chúng ta để “treo” quy hoạch vùng đất này thêm 10 - 15 năm nữa, sẽ ảnh hưởng đến sinh kế của người dân địa phương. Bởi nói gì thì nói, đất nước phát triển, cuộc sống người dân tại đó phải hưởng lợi trước hết.

Thế giới hiện có 439 lò phản ứng hạt nhân trong các nhà máy điện và 55 lò đang xây dựng, bổ sung khoảng 15% công suất hiện tại. Năm 2019, thế giới sản xuất 27.044 tỉ kWh điện thì ĐHN chiếm 10,3% (2.785 tỉ kWh). Để so sánh thì tổng điện năng hạt nhân này bằng hơn 10 lần lượng điện VN tiêu thụ năm 2021 (257 tỉ kWh). Trong đó, Mỹ là nước có sản lượng ĐHN lớn nhất thế giới với 771,6 tỉ kWh năm 2021. Tiếp theo là Trung Quốc (383,2 tỉ kWh), Pháp (363,4 tỉ kWh), Nga (210 tỉ kWh), Hàn Quốc (150 tỉ kWh). Các nước phụ thuộc nhiều ĐHN như Ukraine chiếm 55%, Slovakia 52,3%, Bỉ 50,8%, Hungary 46,8%... Nhìn chung, thế giới vẫn phải phụ thuộc năng lượng ĐHN dù hiện tại chỉ chiếm khoảng 10%.

“Đề xuất của Bộ Công thương trong việc chỉnh trang hệ thống hạ tầng giao thông để bảo đảm sinh kế người dân và liên thông với các nơi là cần thiết. Bên cạnh đó, việc cho phép người dân cải tạo xây nhà mới để ở phù hợp quy hoạch đề án đã duyệt cũng nằm trong tay chính quyền địa phương. Đó là một gợi ý mở mà nếu địa phương làm tốt, sẽ giảm áp lực cho người dân, nhưng nếu “bật đèn xanh” cho làm, lại buông lỏng quản lý, hậu quả khôn lường. Chẳng hạn, chỉnh trang nhà cửa khác xây mới kiên cố… Nếu quy hoạch nhà máy ĐHN khởi động trở lại, việc đền bù, giải tỏa sẽ khó khăn hơn nhiều. Thứ hai, Ninh Thuận là một trong những lựa chọn, nhưng chưa hẳn là duy nhất. Liệu có nơi nào khác có thể thay thế không? Với tiêu chí gần biển, VN vẫn còn nhiều địa phương ven biển, đất hoang khô cằn vùng ven biển vẫn có, trong quy hoạch, có thể định hướng thêm lựa chọn 2, lựa chọn 3 cho dự án tương lai không?”, ông Nguyễn Thế Chinh gợi ý.

Ngoài ra, chuyên gia này cũng để ngỏ khả năng công nghệ sẽ thay đổi theo hướng hiện đại hơn, biết đâu sau này nhà máy ĐHN dùng một công nghệ khác, tiến bộ hơn mà tỷ lệ an toàn cao hơn. Khi đó, các tiêu chí một nhà máy ĐHN phải đặt gần nguồn nước, xa dân cư… có thể thay đổi. Thế nên, bài toán quy hoạch cực kỳ quan trọng, bảo đảm hài hòa lợi ích người dân và tầm nhìn chiến lược quốc gia. “Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu hiện tại, giá nhiên liệu hóa thạch tăng vọt, những thách thức về năng lượng và tham vọng phát thải ròng về 0 trong hơn 25 năm nữa, tôi tin ĐHN đang có cơ hội lớn để quay trở lại, có thể với công nghệ hiện đại hơn, khác hơn hiện nay”, theo ông Chinh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.