Chưa thể bỏ quy hoạch điện hạt nhân?: Thận trọng trước nguy cơ 'ế'

22/09/2022 06:55 GMT+7

Điện hạt nhân (ĐHN) hiện đóng góp 50% sản lượng điện trong các nguồn điện sạch tại châu Âu. Không chỉ sạch, các nghiên cứu cho thấy giá ĐHN hiện tại rất đắt, nhưng trong tương lai cũng rẻ hơn các nguồn điện khác.

Nghiên cứu của Viện Kinh tế Ifo của Đức cho biết giá điện ở Đức sẽ giảm 4% vào năm 2023 nếu 3 nhà máy ĐHN được phép tiếp tục hoạt động. Theo kế hoạch hiện nay của Chính phủ Đức, nhà máy ĐHN tại Emsland, tây bắc nước này, sẽ phải ngừng hoạt động vào cuối năm nay, trong khi 2 nhà máy còn lại là Neckarwestheim 2 và Isar 2 ở miền nam sẽ được dự phòng cho trường hợp khẩn cấp đến giữa tháng 4.2023. Chuyên gia về điện của Ifo, ông Mathias Mier cho biết ĐHN không phải là sự thay thế 1 đổi 1 cho khí đốt tự nhiên nhưng trong ngắn hạn sẽ thay thế than đá. Việc kéo dài tuổi thọ của nhà máy sẽ giúp giảm tỷ trọng của khí tự nhiên trong sản xuất điện từ 8,3% xuống còn 7,6%. Ifo cũng cho biết chưa rõ nhu cầu tiêu thụ, khả năng cung cấp khí tự nhiên trong mùa đông tới, thế nên có thể để ngỏ lựa chọn ĐHN.

Phối cảnh thiết kế Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1. Quy hoạch dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận bị dừng từ năm 2016

TTXVN

Trở về với Việt Nam, dự báo, trong giai đoạn 2021 - 2030, tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện của chúng ta vẫn ở mức cao từ trên 8% hàng năm. Trong đó, điện thương phẩm năm 2025 dự kiến đạt khoảng 337,5 tỉ kWh và năm 2030 đạt khoảng 478,1 tỉ kWh. Bộ Công thương tính toán quy mô hệ thống điện Việt Nam tuy lớn nhất nhì Đông Nam Á nhưng tính ổn định bền vững chưa cao. Các nghiên cứu đã chỉ ra do các yêu cầu khắt khe về an toàn nên suất đầu tư ban đầu cho nhà máy ĐHN thường rất cao. Tuy nhiên, lợi thế của ĐHN là có công suất lớn và ổn định, nhiên liệu giá rẻ, hệ số phụ tải cao (chiếm gần 90%), thời gian vận hành rất dài (50 - 60 năm, có thể gia hạn thêm), chiếm ít đất... Ngoài ra, nếu tính cho cả vòng đời dự án, giá thành ĐHN vẫn có sức cạnh tranh với nhiệt điện than nhập, nhiệt điện khí hóa lỏng.

Liên quan đến giá ĐHN, TS Ngô Đức Lâm, nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng Việt Nam, cho biết nếu phát triển ở thời điểm này, giá ĐHN rất đắt. Tính toán trong quy hoạch tổng sơ đồ điện suốt nhiều năm của Việt Nam chỉ đưa vào giá thành đầu tư của nhà máy, chưa tính chi phí xử lý chất thải của ĐHN. Đây mới là phần quan trọng. Những thanh phóng xạ sau khi dùng hết, riêng tiền chôn lấp cũng gần ngang với vốn đầu tư xây dựng nhà máy. Thanh phóng xạ phải đem chôn ở những vị trí đảm bảo đủ tiêu chuẩn để không phóng xạ được tới nhà dân, tính thời gian chôn cất từ 500 - 1.000 năm. Phương án trả lại nhà cung cấp thì quá trình vận chuyển cũng tốn kém không khác gì các phương án khác. Tất cả những chi phí này đều phải tính vào giá thành. Trong khi đó, khoảng 3 - 4 năm nữa, thị trường điện lực Việt Nam sẽ hình thành với cơ chế giá cạnh tranh. Xây dựng nhà máy mà thị trường những nguồn điện khác rẻ hơn, ĐHN “ế” thì vô cùng lãng phí.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.