Xu hướng tăng chậm lại của CPI do nhiều nguyên nhân như thị trường vàng, thị trường ngoại tệ ổn định trở lại, góp phần làm giảm áp lực tâm lý lạm phát; Tăng trưởng tín dụng còn thấp (tính đến ngày 14.6, dư nợ tín dụng tăng 7,05%, thấp so với định hướng 20% của cả năm); Tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán 2,33%, thấp xa với định hướng tăng 15-16% của cả năm.
Bên cạnh đó, các tỉnh miền Bắc, miền Trung đã qua thời kỳ giáp hạt đang bước vào thu hoạch lúa đông xuân có triển vọng được mùa lớn cả về diện tích, về năng suất; nhà nước chủ trương thu mua 1 triệu tấn gạo dự trữ xuất khẩu. Ngoài ra, tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên GDP giảm (năm 2010 là 41,9%, quý 1/2011 giảm xuống còn 38,8%, khả năng 6 tháng còn thấp hơn nữa). Tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng nếu trừ yếu tố giá cũng giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước (6% so với 16,5%)…
Tuy nhiên, vẫn chưa thể xem nhẹ lạm phát. Sau 6 tháng, CPI đã tăng 13,29%, cao thứ 2 tính từ năm 1993 đến nay. Để thực hiện mục tiêu đã được điều chỉnh (cả năm 2011 tăng 15%), 6 tháng còn lại chỉ được tăng 1,51%, trong khi số liệu thống kê lịch sử từ 2004 đến nay cho thấy, CPI 6 tháng cuối các năm này đều cao hơn con số đó (trừ 6 tháng cuối năm 2008 tăng 1,22%). Hơn nữa, từ nay đến cuối năm vẫn có nhiều yếu tố làm tăng CPI. Việc thực hiện lộ trình giá thị trường đối với điện có thể chỉ tạm hoãn, khó giữ đến hết năm; đối với xăng dầu phụ thuộc vào giá thế giới: Tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán tăng thấp vào đầu năm thường cao hơn vào cuối năm. Lạm phát của Trung Quốc đang cao, thương nhân Trung Quốc vào Việt Nam mua hàng hóa, đặc biệt là thực phẩm, góp phần đẩy CPI của Việt Nam tăng lên. Việt Nam đang bước vào mùa mưa bão, thiên tai có thể diễn biến phức tạp, khó lường…
Vì vậy, cần phải kiên trì và nhất quán thực hiện kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô theo tinh thần Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 5 của Chính phủ và Chỉ thị định hướng xây dựng kế hoạch 2012 của Thủ tướng Chính phủ. Chính sách thì vẫn phải thắt chặt, thận trọng, nhưng về điều hành cần có sự linh hoạt cho phù hợp với diễn biến của tình hình.
Ngọc Minh
Bình luận (0)