Chưa thống nhất được mức tăng lương tối thiểu

25/08/2015 12:19 GMT+7

(TNO) Sáng nay 25.8, Hội đồng tiền lương quốc gia đã tái họp. Đến 12 giờ trưa, các bên vẫn chưa chốt được mức tăng lương tối thiểu năm 2016. Phương án giữa chủ sử dụng lao động và người lao động vẫn vênh nhau 10%.

(TNO) Sáng nay 25.8, Hội đồng tiền lương quốc gia đã tái họp lần 2. Đến 12 giờ trưa, các bên vẫn chưa chốt được mức tăng lương tối thiểu năm 2016. Phương án giữa chủ sử dụng lao động và người lao động vẫn vênh nhau 10%.

luong-toi-thieuLương tối thiểu hiện vẫn chưa đáp ứng được đời sống của người lao động - Ảnh: T.Hằng
Mặc dù đã có thêm thời gian để tính toán và nghiên cứu phương án, nhưng trong phiên họp lần 2, cả đại diện giới chủ sử dụng và người lao động vẫn kiên quyết bảo vệ phương án tăng lương mà trước đó các bên đã đưa ra tại phiên họp ngày 5.8.
Ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐ) bày tỏ: “Phương án của chúng tôi vẫn là tăng 350.000 - 550.000 đồng, tương ứng với mức tăng 16%. Tình hình kinh tế sáng sủa hơn, GDP tăng. Trong khi theo khảo sát của Tổng LĐLĐ trong năm 2015, lương tối thiểu đang thấp hơn mức sống tối thiểu gần 1 triệu đồng. Có tới 62% người lao động không có tiền tiết kiệm; gần 20% người lao động cho biết thu nhập không đủ sống; 31,3% phải chi tiêu tằn tiện và rất tiết kiệm”.
Cũng theo ông Chính, kết quả khảo sát cho thấy mức lương của người lao động thực nhận cao hơn tiền lương ghi trong hợp đồng từ 10 - 14%. Vì vậy, đây là căn cứ để Tổng LĐLĐ đưa ra đề xuất mức tăng 16% mà không ảnh hưởng tới doanh nghiệp.
Là bên chủ động xin dừng đàm phán ở phiên họp lần 1 để tính toán thêm, tuy nhiên, Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng, không thể tăng ở mức 16%, bởi giá thành của doanh nghiệp sẽ đội thêm 5%, ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh và việc làm. “Giữa mong muốn và khả năng vẫn còn một khoảng cách khá xa. Các bên cần có nhân nhượng nhất định để tiến tới lợi ích chung”, ông Lộc nói. Đại diện cho giới chủ sử dụng lao động bảo lưu quan điểm chỉ tăng lương tối thiểu ở mức 10%.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Minh Huân, tại phiên họp thứ 2, phía chủ sử dụng đã phân tích các khía cạnh khó khăn, thách thức trong hội nhập cạnh tranh phát triển. Đại diện người lao động phân tích khía cạnh khó khăn đời sống. Khoảng cách lương giữa hai bên không thay đổi, vẫn vênh nhau. Vì vậy, đại diện của người lao động xin dừng. “Tôi rất mong muốn hai bên hội ý đưa ra phương án hài hòa. Cuộc họp lần thứ 2 kết thúc mà chưa mang lại kết quả như mong muốn. Hội đồng sẽ họp lại ngày 3.9. Theo quy chế, lần thứ 3 thương lượng hai bên vẫn có khoảng cách không thống nhất, Hội đồng sẽ trình phương án tư vấn cho Thủ tướng”, ông Huân cho biết.

Tăng khoảng 10 - 12% là hợp lý
Dự báo tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2015 dưới 5%, với mức tăng năng suất lao động bình quân khoảng 3,7% thì cần phải có mức điều chỉnh tiền lương hợp lý để khuyến khích người lao động gắn bó với doanh nghiệp, tránh tình trạng lao động nhảy việc do tiền lương thấp.
Tôi cho rằng mức tiền lương tối thiểu theo 4 vùng năm 2016 tăng khoảng 10 - 12% là hợp lý, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên và lợi ích của nhà nước
(Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.