Chưa thống nhất được quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp

28/11/2014 06:00 GMT+7

Hôm qua (27.11), với 274 ĐB tán thành (chiếm tỷ lệ 55,13%), QH đã thông qua luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi).

 
Ngành kỹ thuật điện - điện tử trước đây cùng bậc CĐ nhưng có hai chương trình đào tạo khác nhau, nay được thống nhất thành một chương trình - Ảnh: Mỹ Quyên

Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật của Ủy ban Thường vụ QH, đa số ý kiến ĐB tán thành sự cần thiết phải thống nhất một cơ quan đầu mối thay mặt Chính phủ thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước đối với giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, việc phân công trách nhiệm này cho cơ quan cụ thể nào của Chính phủ thì ý kiến ĐB còn khác nhau và đề nghị có sự nghiên cứu, cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng trước khi quyết định.

Vì vậy, Ủy ban Thường vụ QH đã chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục cân nhắc thận trọng, toàn diện cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, đồng thời chỉ đạo đoàn thư ký kỳ họp gửi phiếu xin ý kiến ĐB về vấn đề này. Kết quả, có 114/336 phiếu thu về (chiếm tỷ lệ 34%) nhất trí giao cho Bộ LĐ-TB-XH làm đầu mối quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp; 99/336 phiếu (29,4%) đề nghị giao cho Bộ GD-ĐT; 96/336 phiếu (28,6%) đồng ý giao Chính phủ phân công cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn của từng giai đoạn và 27/336 phiếu (8%) có những ý kiến khác.

Kết quả trên cho thấy ý kiến ĐB về vấn đề này còn chưa tập trung, không phương án nào được trên 50% ĐB nhất trí. Lãnh đạo QH và lãnh đạo Chính phủ đã trao đổi và thấy rằng vấn đề này chưa đủ chín muồi để xem xét sửa đổi trong thời điểm này. Ủy ban Thường vụ QH đề nghị cho giữ nguyên quy định về vấn đề này như trong luật Dạy nghề hiện hành, đó là: giao cho Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp và phân công cụ thể cơ quan thay mặt Chính phủ chịu trách nhiệm làm đầu mối thực hiện quản lý nhà nước về lĩnh vực này cho phù hợp với yêu cầu điều hành của Chính phủ trong từng thời kỳ. Đồng thời, cần tăng cường vai trò của Bộ quản lý ngành và cơ quan chủ quản đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Mặc dù chưa thống nhất được cơ quan quản lý về giáo dục nghề nghiệp nhưng QH cũng đã thông qua việc mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh của luật và sắp xếp lại hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng hợp nhất các trình độ đào tạo trung cấp chuyên nghiệp với trung cấp nghề, cao đẳng với cao đẳng nghề.

Tuệ Nguyễn

>> Thống nhất giáo dục nghề nghiệp, người học được gì ?
>> Điều chỉnh khung học phí giáo dục nghề nghiệp và đại học
>> Phải thống nhất một hệ thống giáo dục nghề nghiệp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.