Sáng 16.11, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho ý kiến một số nội dung lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý và phương án thông qua dự thảo luật Đất đai sửa đổi. Theo chương trình, luật Đất đai sửa đổi sẽ được Quốc hội thông qua vào ngày bế mạc kỳ họp 6 (29.11).
Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, qua thảo luận tại kỳ họp 6, ý kiến đại biểu Quốc hội về nhiều nội dung chính sách lớn hoặc cách thiết kế chính sách còn chưa tập trung, khó xác định xu hướng, chưa thống nhất về nhiều vấn đề phức tạp. Một số chính sách quan trọng chưa thiết kế được phương án tối ưu.
Tổng hợp ý kiến đại biểu thảo luận tại hội trường cho thấy, có 5/22 ý kiến đề nghị thông qua dự án luật tại kỳ họp thứ 6. Trong khi đó, 6/22 ý kiến nhận định cần sớm thông qua dự thảo luật nhưng phải bảo đảm chất lượng.
11/22 ý kiến đề nghị rà soát kỹ lưỡng, dành thêm thời gian tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật một cách thấu đáo nhất, cân nhắc cẩn trọng việc thông qua dự án luật khi còn quá nhiều ý kiến khác trong dự thảo. Do đó đề nghị chưa thông qua dự án luật tại kỳ họp này.
Ông Thanh cho biết, việc thông qua dự thảo luật được kỳ vọng sẽ tạo cơ sở pháp lý để phát huy có hiệu quả hơn nguồn lực đất đai, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn.
Mặc dù vậy, quá trình rà soát, hoàn thiện các phương án chính sách quan trọng, tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến tham gia và toàn bộ dự thảo luật còn cần thêm thời gian để bảo đảm chất lượng tốt nhất có thể của dự án luật.
"Với vai trò hết sức quan trọng của luật Đất đai, chất lượng của dự án luật phải được đặt lên hàng đầu, tránh trường hợp luật sau khi ban hành nếu có bất cập sẽ gây nhiều tác động và hệ lụy đối với các hoạt động kinh tế - xã hội và đời sống của người dân", ông Thanh nói.
Ngoài ra, các dự thảo nghị định và văn bản hướng dẫn luật cũng cần thêm thời gian để hoàn thiện đồng bộ, bảo đảm có hiệu lực cùng lúc với hiệu lực thi hành của luật sau khi được ban hành, nhất là một số nội dung mới về giá đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất... cần có quy định chi tiết để chính sách của luật đi vào cuộc sống.
Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho biết, nội dung này đã được báo cáo cơ quan có thẩm quyền cho ý kiến, ưu tiên chất lượng của dự thảo luật. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, báo cáo Quốc hội xem xét chưa thông qua tại kỳ họp 6.
Sau kỳ họp 6, sẽ báo cáo một số nội dung của dự thảo luật xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền để có định hướng tiếp tục hoàn thiện các nội dung chính sách lớn, phức tạp cũng như tổng thể dự thảo luật, đề nghị Chính phủ cho ý kiến chính thức về dự thảo luật sau khi được hoàn thiện, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bảo đảm chất lượng trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Vẫn còn một số nội dung 2 phương án
Điều hành phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, về thời điểm thông qua luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đồng tình và Quốc hội nhất trí chuyển sang kỳ họp gần nhất, chưa thông qua tại kỳ họp 6 lần này.
Về những vấn đề còn ý kiến khác nhau, Chủ tịch Quốc hội cho biết, tới nay vẫn còn một số nội dung có hai phương án, Ủy ban Kinh tế đến nay vẫn chưa trình quan điểm, vẫn xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
"Nhưng lần này ta sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm sao đó để thu hẹp tối đa, làm sao còn một phương án, và trình Quốc hội một phương án này thôi", Chủ tịch Quốc hội nói và nhấn mạnh những gì còn khác nhau thì cần tập trung làm sáng tỏ, đề xuất cụ thể là chọn phương án nào.
Liên quan đến quyền của người Việt Nam định cư ở nước ngoài trong dự thảo luật Đất đai sửa đổi, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ Đảng đoàn Quốc hội đã thống nhất với Chính phủ chọn phương án 1. Cụ thể, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở được mua, thuê mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở, nhận quyền sử dụng đất ở trong dự án phát triển nhà ở… Tuy nhiên cần viết lại cho phù hợp.
Về trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, Chủ tịch Quốc hội cho biết các đại biểu cơ bản đồng tình với các quy định tại nội dung này, phù hợp với Nghị quyết 18 của T.Ư Đảng, tuy nhiên cần đặt vấn đề đảm bảo tái định cư cho người dân.
Bình luận (0)