Chưa xác định được danh tính 4 thuyền viên VN trốn khỏi tàu cá Đài Loan

12/08/2013 16:40 GMT+7

(TNO) Sau khi các phương tiện truyền thông đăng tải thông tin 4 thuyền viên Việt Nam trốn thoát khỏi tàu cá Hsieh Ta của Đài Loan (Trung Quốc) ngày 8.8 do bị ngược đãi như nô lệ, trao đổi với Thanh Niên Online , bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Quản lý lao động tại Đài Loan, cho biết vẫn chưa xác định danh tính của các thuyền viên.

>> Cứu 3 thuyền viên trên sà lan trôi dạt
>> Người nhà 18 thuyền viên mắc kẹt ở Trung Quốc kêu cứu
>> Hai thuyền viên mất tích trên biển
>> Cháy tàu cá ở Nam Phi, một thuyền viên Việt Nam thiệt mạng
>> Thuyền viên tàu New Horizon tiếp tục kêu cứu

“Thông thường, các thuyền viên làm việc trên tàu cá, không nhập cảnh vào Đài Loan mà nhập cảnh vào một nước thứ 3. Hơn nữa, chủ tàu lại không thuộc hiệp hội nghề cá nên việc truy tìm tên tuổi, quê quán các thuyền viên gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi đang liên hệ cơ quan chức năng phía Đài Loan, nhưng vẫn chưa có kết quả”, bà Nhung nói.

Cùng ngày, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) đã yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu lao động trong nước được cấp phép đưa lao động đi làm việc trên các tàu cá Đài Loan như: Imasco, TTLC, LOD… kiểm tra thông tin về 4 thuyền viên này.      

“Do thông tin đưa ra không có tên, tuổi các thuyền viên nên chúng tôi cần có thêm thời gian để tìm hiểu từ phía đối tác, và chủ tàu Đài Loan”, ông Lê Nhật Tân, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Nguồn nhân lực LOD cho biết.

Trước đó, theo người phiên dịch cho các thủy thủ tại Tahiti, suốt 2 năm trời, 4 thuyền viên Việt Nam chỉ được lên bờ đúng một lần. Họ phải làm việc 7 ngày/tuần, 18 giờ/ngày và thường xuyên bị đánh đập.

Nhân cơ hội tàu Hsieh Ta đang kéo một chiếc tàu khác ở gần đảo Tahiti, cách bờ biển chừng 800 mét, bốn thuyền viên Việt Nam đã nhảy xuống biển mang theo các đồ cá nhân. Theo thông tin, ngày 11.8, các thuyền viên làm thủ tục về nước.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, Đài Loan là thị trường xuất khẩu lao động lớn nhất của Việt Nam với khoảng 35.000 người/năm, chiếm 35%-45% tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài hằng năm. Lao động Việt Nam chủ yếu trong các lĩnh vực: Sản xuất chế tạo chiếm; phục vụ xã hội và cá nhân; xây dựng và nông-lâm-ngư nghiệp.

Ngoài ra, còn khoảng gần 2.500 lao động là thuyền viên tàu đánh cá xa bờ, thuỷ thủ tàu vận tải làm việc trên các tàu đánh cá và tàu vận tải.

T.Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.