Trao đổi với PV Thanh Niên, bác sĩ Chuyên khoa 2 Lâm Tứ Trung, Giám đốc Bệnh viện tâm thần TP.Đà Nẵng, chia sẻ: Bệnh mất ngủ có nhiều dạng, xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Thứ nhất có thể do thói quen, khi thời gian dành cho việc ngủ bị giảm dần đều và đến một lúc, người ta có thể thích nghi với việc không ngủ mà cơ thể vẫn khỏe mạnh bình thường. Trường hợp thứ 2, bệnh mất ngủ xuất phát từ nguyên nhân của một bệnh lý khác kèm theo. Trầm cảm cũng là một nguyên nhân gây mất ngủ, nhưng thường không kéo dài. Người bị bệnh tâm thần phân liệt cũng có tình trạng mất ngủ.
Bệnh rối loạn giấc ngủ không thực tổn cũng có xảy ra và việc tìm nguyên nhân thường khó được xác định rõ ràng. Trong y khoa ghi nhận rất hiếm trường hợp bị mất ngủ hoàn toàn mà thường chỉ xuất hiện trong một thời gian và được điều trị. Đối với những trường hợp Báo Thanh Niên nêu, cần trải qua việc thăm khám, theo dõi kỹ càng thì mới kết luận và tìm ra nguyên nhân chính xác được. Nhưng theo những gì ghi nhận, đơn cử như trường hợp bà Ánh bị bệnh sản hậu rồi sau đó mất ngủ kéo dài đến nay, theo bác sĩ Trung, có thể bệnh nhân đã trải qua những khủng hoảng tâm lý, gây ra sang chấn, dẫn đến rối loạn sau sang chấn nên gây mất ngủ.
|
Trường hợp ông Thái Ngọc, đã từng được đoàn làm phim nước ngoài đưa xuống Bệnh viện tâm thần Đà Nẵng kiểm tra sức khỏe thần kinh nhưng kết quả bình thường. Ông cũng đã thử uống thuốc ngủ nhưng vẫn không thể ngủ được. Theo đánh giá của bác sĩ Trung, việc mất ngủ có thể đã thành thói quen.
Một điều đáng lưu tâm, trong thời gian gần đây, Bệnh viện tâm thần Đà Nẵng tiếp nhận điều trị mất ngủ tăng đột biến. Cách đây 2-3 năm, trung bình một ngày khám chữa cho 30-40 trường hợp thì 2 năm trở lại đây, mỗi ngày trung bình 200 trường hợp trở lên. Phần lớn các bệnh nhân đến khám tập trung chủ yếu ở hai giới: sinh viên và người kinh doanh.
Nếu bệnh mất ngủ không chữa trị kịp thời, người bệnh sẽ luôn căng thẳng, cáu gắt, lo lắng, cuộc sống càng thêm nặng nề. Y văn thế giới từng ghi nhận có trường hợp tử vong do mất ngủ kéo dài. Bác sĩ Trung cũng báo động trường hợp nhiều người "mượn" rượu, bia để... tìm giấc ngủ. Tuy nhiên, đây là biện pháp thiếu khoa học. Về lâu dài, nếu người bệnh lạm dụng rượu bia để ngủ, không những không chữa được chứng bệnh trên mà còn phát sinh thêm nhiều bệnh khác ở gan, dạ dày... hay chứng nghiện rượu bia.
Tiếp xúc với các bác sĩ có kinh nghiệm sản khoa miền Trung, chúng tôi đều ghi nhận ý kiến chung cho rằng trong y khoa, biến chứng sau sinh có nhiều trường hợp. Biến chứng sớm có thể gây băng huyết, dẫn đến tử vong; biến chứng muộn gây suy tuyến yên khiến người gầy đét, vô sinh. Còn nếu xuất phát từ biến chứng hậu sản mà gây mất ngủ thì chưa có tiền lệ.
Vũ Phương Thảo
Bình luận (0)