Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) cùng nhiều nghệ sĩ lên tiếng về cách làm việc thiếu công khai, minh bạch của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN (VCPMC).
Biểu giá chưa hợp lý
NSND Trần Bình - Giám đốc Nhà hát ca múa nhạc nhẹ VN, cho biết do không thể thỏa thuận với VCPMC nên từ lâu nhà hát đã trả tiền tác quyền trực tiếp. Theo ông, biểu giá mà VCPMC đưa ra không dựa trên cơ sở nào để tính toán, nên rất bất hợp lý. “Có chương trình từ thiện diễn ra ở vùng sâu, vùng xa, nghệ sĩ, diễn viên không nhận thù lao, chỉ được lo ăn ở. Vậy mà VCPMC vẫn đòi tiền tác quyền, ép chúng tôi trả tới 700.000 đồng/ca khúc cho chương trình đó” - NSND Trần Bình bày tỏ.
Một điểm không hợp lý nữa, theo NSND Trần Bình, là giữa ca khúc phổ biến từ cách đây vài chục năm so với ca khúc mới đều được tính theo giá như nhau. Đặc biệt, ông nhấn mạnh đến tiền tác quyền của tác phẩm lần đầu công bố phải khác với cũng tác phẩm ấy nếu đã được sử dụng hàng trăm, nghìn lần. Hiện nay, cần thành lập nhiều VCPMC để các nhạc sĩ có cơ hội “chọn mặt gửi vàng”, tránh tình trạng độc quyền trong việc thu tác quyền âm nhạc.
Không minh bạch tiền thu tác quyền
Liên quan đến đơn kiến nghị của VCPMC, Cục NTBD cho rằng, các nghệ sĩ đã ký hợp đồng ủy thác cho VCPMC bảo vệ quyền lợi cho họ (chủ yếu là thuê để thu tiền bản quyền), trong trường hợp VCPMC không bảo vệ được thì phải chịu trách nhiệm bồi thường, giải quyết theo quy định của pháp luật. VCPMC có quyền khởi kiện ra tòa các đối tác sử dụng tác phẩm của khách hàng không chấp hành luật Sở hữu trí tuệ, chứ không phải “đổ vấy” cho cơ quan quản lý.
Cũng theo Cục NTBD thì trong điều 24 của bản Điều lệ hoạt động VCPMC ghi cụ thể: “Mọi khoản thu, chi tài chính đều được báo cáo công khai bằng văn bản”, nhưng hiện nay VCPMC rất mập mờ, thậm chí có biểu hiện sai phạm về thu tài chính. Cục NTBD dẫn lời nhạc sĩ Phú Quang: “Việc thu tiền tác quyền và trả cho tác giả của VCPMC rất tùy tiện. Có những chương trình họ thu 2 - 4 triệu đồng/ca khúc nhưng chỉ trả cho tác giả cao nhất 300.000 đồng/ca khúc. Hỏi thì họ bảo trừ 25% phí phải nộp cho trung tâm, rồi tiền thuế, tiền phần trăm cho các tác giả ca từ (nhà thơ). Đơn cử như một chương trình tổ chức tại Hải Phòng, đơn vị tổ chức biểu diễn trả tác quyền cho các ca khúc của tôi là 20 triệu đồng nhưng tôi chỉ được nhận 10 triệu. Hay chương trình mới nhất tôi tổ chức tại Hà Nội, VCPMC đặt giá thu 3,6 triệu đồng/ca khúc. Tôi tuyên bố không trả tác quyền những ca khúc do tôi sáng tác hát trong chương trình, vì từ nhiều năm qua tôi đã thông qua VCPMC trả tiền cho các nhà thơ có tác phẩm tôi đã sử dụng làm ca từ nhưng VCPMC không hề trả số tiền này cho họ. Tôi tự nhận là người được lãnh nhiều tiền tác quyền nhất tại VCPMC cũng chỉ khoảng trên 100 triệu/năm. Còn nhiều người khác chỉ từ 5 đến 10 triệu. Chưa khi nào chúng tôi được tiếp cận với văn bản thể hiện sự thu chi cụ thể từng khoản, mục của VCPMC”.
NSND Trần Bình bày tỏ: “Hoạt động của VCPMC bộc lộ nhiều khiếm khuyết như thiếu chuyên nghiệp, thiếu trách nhiệm và không minh bạch nguồn thu, chi”. Theo ông Bình, cần phải có thanh tra tài chính với VCPMC.
Phản hồi của VCPMC Ngày 24.2, VCPMC đã phản hồi về những thông tin do Cục NTBD, các nhạc sĩ, nghệ sĩ đưa ra. Theo đó, trong năm 2011, VCPMC thu 41 tỉ đồng, giữ 10 tỉ đồng, nhạc sĩ Phó Đức Phương - Giám đốc VCPMC cho biết: “Làm phép tính đơn giản ai cũng có thể thấy câu nói trên không có căn cứ khi xem biểu phí trích lại được đăng công khai trên website: http://www.vcpmc.org. Mức giữ lại từ 5%, 10%, 15%, 20% cho đến 25%. Theo lý thuyết, tỷ lệ bình quân là 19%. Trong công tác chi trả mỗi nhạc sĩ nhận tiền đều có bản kê, tiền được nhận từ đơn vị nào trả, số tiền bao nhiêu, chi tiết đến hàng nghìn đồng. Công tác tài chính của VCPMC luôn được kiểm toán bởi công ty kiểm toán của Anh là Grant Thornton”. Liên quan đến thông tin VCPMC chỉ khai thác mà không bảo vệ khách hành, đại diện VCPMC cho rằng việc tác phẩm và sản phẩm âm nhạc bị nhái, bị “cướp”, bị “cắp”... là chuyện của thanh tra, công an... |
Ngọc An
Bình luận (0)