Chưa xong một kỳ thi

05/07/2015 05:51 GMT+7

Cuối cùng kỳ thi THPT quốc gia lần đầu tiên tổ chức nhằm 2 mục đích vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển vào ĐH, CĐ cũng kết thúc sau 4 ngày thi liên tiếp. Kết thúc mà chưa xong vì vẫn còn nhiều băn khoăn, những quan tâm về các bước tiếp theo cũng như hiệu quả của kỳ thi này.

Cuối cùng kỳ thi THPT quốc gia lần đầu tiên tổ chức nhằm 2 mục đích vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển vào ĐH, CĐ cũng kết thúc sau 4 ngày thi liên tiếp. Kết thúc mà chưa xong vì vẫn còn nhiều băn khoăn, những quan tâm về các bước tiếp theo cũng như hiệu quả của kỳ thi này.

Mối bận tâm lớn của giáo viên, phụ huynh, học sinh trước kỳ thi là đề thi sẽ như thế nào để đảm bảo cả 2 mục tiêu. So với đề thi minh họa trước đó, đề chính thức trong 4 ngày vừa qua cho thấy Bộ GD-ĐT đã rất chiều lòng dư luận, giải quyết khéo léo sự phân hóa trong từng môn thi, giảm thiểu tình trạng học thuộc lòng. Tất nhiên khó có sự hoàn hảo trong một đề thi có 2 mục đích nhưng nhìn chung mọi đối tượng thí sinh (TS) đều cảm thấy hài lòng.
Cho đến thời điểm này, có thể lãnh đạo các cấp tham gia tổ chức kỳ thi phần nào nhẹ nhõm vì chưa xảy ra sự cố nào cho thấy có tiêu cực ở các cụm thi địa phương. Còn phải chờ thời gian mới có thể khẳng định có hay không sự nghiêm túc ở các cụm thi địa phương cũng như hiệu quả của lực lượng giám sát trường ĐH cử về các cụm thi này. Vì thế dư luận có quyền hoài nghi khi phần lớn những vi phạm của TS trong kỳ thi này chỉ được phát hiện ở cụm thi do trường ĐH chủ trì? Sự thiếu tin tưởng này càng có cơ sở vì báo cáo sau mỗi ngày thi của Bộ về số liệu TS và giám thị vi phạm quy chế không thấy có giám thị nào sai phạm. Vậy giải thích sao đây trường hợp giám thị tại cụm thi Trường ĐH Đà Lạt ký nhầm vào ô giáo viên chấm thi trên giấy thi của TS trong môn thi đầu tiên dẫn đến việc TS phải thi lại môn toán trong ngày thi cuối cùng?
Hiệu quả xã hội của “một kỳ thi” đã được khẳng định khi từ nhiều kỳ thi nay chỉ còn một, giảm áp lực đi lại của TS ở các thành phố lớn. Sẽ còn nhiều ý kiến về cách tổ chức kỳ thi nhưng có điều đáng tiếc là sự thiếu dứt khoát, quá “chiều chuộng” dư luận của lãnh đạo kỳ thi dẫn đến có những quyết định vào giờ cuối khiến các trường lúng túng khi thực hiện. Có lẽ vì cứ bám vào “phương châm” tạo mọi điều kiện để TS dự thi nên có những cách giải quyết thiếu chuyên nghiệp khiến TS có thể xem thường quy định và cao hơn là thiếu tính chủ động, tự giác, ý thức tôn trọng những quy tắc, luật lệ. Việc Bộ chủ trương các hội đồng thi cho phép TS chỉ để xét tốt nghiệp “quên” thi được dự thi buổi thi sau là một ví dụ. Bộ lý giải việc làm này mang tính nhân văn. Giải thích như thế không hợp lý. Cách giải quyết của Bộ vừa không chuyên nghiệp, thiếu nghiêm minh vừa không công bằng với các TS còn lại.
Những chuyện quan tâm còn lại là làm sao khâu chấm thi phải hoàn toàn nghiêm túc để đảm bảo công bằng cho mọi TS, độ tin cậy cho các trường ĐH dùng kết quả này để xét tuyển. Nhiều người băn khoăn rằng kỳ thi này có giá trị gì khi toàn xã hội dồn toàn tâm sức vào đó nhưng có thể sẽ không tồn tại theo mục tiêu như hiện nay khi các trường ĐH dùng phương án tuyển sinh riêng - không dựa vào kết quả của kỳ thi này?
Bộ GD-ĐT một lần nữa đứng trước thử thách mới, nhất là khi xã hội đang thiếu niềm tin.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.