Sau vụ hung thủ đột nhập vào trường mầm non bắt cóc trẻ em tại Q.Tân Bình, lãnh đạo nhiều trường mầm non trên địa bàn TP.HCM cho biết đang khẩn trương tìm biện pháp đối phó với trường hợp tương tự.
|
Trở lại Trường mầm non 10A một ngày sau vụ hung thủ đột nhập, bắt cóc 2 bé trai làm con tin gây chấn động dư luận, chúng tôi thấy trường vẫn hoạt động bình thường. Cổng trường khóa chặt. Nhà trường hạn chế tiếp xúc với người lạ. Một cô giáo cho biết: “Hôm nay các cháu vẫn đến trường như mọi hôm và mọi sinh hoạt không có gì thay đổi”.
Cần có thêm bảo vệ
|
Tuy nhiên, theo quan sát của PV thì nhiều phụ huynh vẫn chưa hết lo lắng, cứ cách hơn 30 phút lại có phụ huynh ghé ngang trường xem con sinh hoạt ra sao rồi lại chạy đi làm. Chị Võ Thị Nhàn, mẹ cháu Bùi Quang Khôi (1 trong 2 cháu bị bắt cóc - PV), lo lắng: “Hôm nay phải để cháu ở nhà. Sáng ra cháu không chịu đi học vì còn hoảng sợ. Tôi thấy trường có một bảo vệ mà người này thường phụ đẩy xe cơm hoặc trông giữ xe. Nhà trường cần có thêm bảo vệ canh gác thường xuyên để mấy đứa nhỏ được an toàn”.
Một vòng qua nhiều trường học ở quận 10, 11, Tân Bình… (TP.HCM), chúng tôi nhận thấy công tác bảo vệ vẫn chưa được xem trọng. Mặc dù cổng trường đóng nhưng bảo vệ thường vắng mặt. Lực lượng bảo vệ ở trường còn rất mỏng, chỉ từ 1 đến 3 người (trực theo ca hay phiên nhau) nên việc vừa canh cổng vừa tuần tra kiểm soát thường xuyên là rất khó.
Phối hợp với công an, dân phòng
Trong khi đó, trao đổi với PV Thanh Niên, lãnh đạo nhiều trường mầm non trên địa bàn TP.HCM cho biết, đang khẩn trương tìm biện pháp đối phó kẻ gian đột nhập vào trường với hành vi xấu.
Bà Lê Thị Lệ Vân, Hiệu trưởng Trường mầm non Họa Mi 3 (Q.5) cho biết: “Tôi rất bàng hoàng trước vụ việc bắt cóc trẻ hôm qua. Chúng tôi ngay lập tức làm việc với 3 bảo vệ của trường để nâng cao cảnh giác trong việc bảo vệ trẻ”. Hơn thế, bà Vân cũng cho biết, trường đã làm việc với toàn bộ giáo viên và yêu cầu các cô phải cẩn trọng việc giao trẻ, đề cao cảnh giác việc người lạ trà trộn vào trường nhằm có ý đồ xấu.
Bà Võ Ngọc Thu, Trưởng phòng Giáo dục Q.5 nói: “Hiện chúng tôi đã phối hợp với công an địa phương, dân phòng để nhờ họ trực, bảo vệ an ninh trước cổng trường vào giờ trẻ đến lớp, hoặc ra về”.
Một vấn đề khó đặt ra hiện nay là bảo vệ các trường mầm non phụ trách gác cổng là chính, thường không có biện pháp nghiệp vụ ứng phó với tình huống xấu. Chính vì lý do đó, nhiều trường cũng đề xuất với công an địa phương, nhờ bồi dưỡng nghiệp vụ cho bảo vệ.
Ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng Công tác học sinh - sinh viên (Sở GD- ĐT TP.HCM) nói: “Qua sự việc này, Sở cũng sẽ rút kinh nghiệm để công tác bảo đảm an toàn cho trẻ được tốt hơn. Sắp tới, ngành giáo dục tổng kết công tác học sinh, sinh viên, sẽ tập trung phương hướng và lồng ghép sự việc này vào để các đơn vị trường học thảo luận, bàn bạc, để các trường đề cao cảnh giác”.
Làm rõ động cơ bắt cóc con tin ở trường mầm non Hôm qua, cơ quan công an vẫn đang tiếp tục lấy lời khai của Cao Quốc Huy, để làm rõ động cơ đột nhập vào trường, bắt cóc con tin tại Trường mầm non 10A, P.10, Q.Tân Bình, TP.HCM. Trao đổi với Thanh Niên, đại tá Lê Văn Thúc, Trưởng công an Q.Tân Bình cho biết, đến thời điểm hiện tại công an quận vẫn chưa nhận được bất kỳ giấy tờ gì chứng minh bệnh tâm thần liên quan đến Huy. Trong khi đó, thông tin từ gia đình hung thủ này cho biết, từ khi được Bệnh viện Tâm thần (TP.Biên Hòa, Đồng Nai) cho về đến nay, Huy sống lầm lũi một mình, không giao du bạn bè; thường hay nói, cười một mình. Huy cũng không phụ giúp bất cứ công việc gì cho gia đình. Huy có thói quen đọc truyện kiếm hiệp, xem phim các hiệp sĩ thời Trung cổ. Biết Huy vẫn còn bị bệnh, mẹ Huy thường hay trộn các loại thuốc an thần vào cơm và nước để ép Huy ăn, uống. Ban ngày, Huy phóng xe gắn máy đi đâu không rõ, tới trưa về nhà ăn cơm; chiều lại đi tiếp đến tối mới về nhà. Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều người hàng xóm nơi Huy ở đều xác nhận Huy có nhiều biểu hiện không giống người bình thường. Đàm Huy - Công Nguyên |
Ngăn ngừa tội phạm trong trường học các nước
Cách đây 2 năm, các phụ huynh Trung Quốc luôn hồi hộp mỗi khi đưa con em đến trường. Tổng cộng có ít nhất 21 người chết và khoảng 90 người bị thương trong các vụ tấn công trường học chỉ tính riêng trong tháng 3 năm đó. Theo China Daily, vào ngày 23.3.2010, Trịnh Dân Sinh, 41 tuổi dùng dao chém chết 8 học sinh tiểu học ở thành phố Nam Bình, tỉnh Phúc Kiến. Và cuộc tấn công đẫm máu này được cho là đã khai mào một loạt các vụ tương tự sau đó khi các hung thủ đột nhập các trường mầm non, tiểu học để bắt cóc, sát hại học sinh hoặc tấn công ngay trước cổng trường. Chỉ vài giờ sau khi Trịnh Dân Sinh bị tử hình vào ngày 28.4.2010, một kẻ tên Trần Khang Bính dùng dao tấn công học sinh tiểu học ở thành phố Lôi Châu, tỉnh Quảng Đông, khiến 16 học sinh phải nhập viện. Sau đó 1 ngày, cảnh tượng đẫm máu trên đã lập lại ở Trường mầm non thành phố Thái Hưng, tỉnh Giang Tô với hầu hết trong số 28 nạn nhân chỉ mới 4 tuổi. Đến ngày 30.4, một số trẻ em tại Trường mầm non thành phố Duy Phường, tỉnh Sơn Đông, bị một kẻ dùng búa tấn công và hung thủ đã tự thiêu sau khi gây án. Trong tháng 5, báo đài Trung Quốc tường thuật thêm 2 vụ, trong đó nặng nhất là vụ diễn ra ngày 12.5, khi 7 trẻ bị sát hại bằng dao tại nhà trẻ ở tỉnh Thiểm Tây. Đến tháng 8 cùng năm, hung thủ họ Phương điên cuồng dùng dao đâm chém ít nhất 20 trẻ và 1 giáo viên ở Sơn Đông, khiến 3 trẻ thiệt mạng. Ở các nước phương Tây, vụ thảm sát trẻ em gây chấn động tại Bỉ được cho là có liên quan đến một kẻ cuồng sát đóng giả nhân vật Joker trong loạt phim Batman. Theo hãng thông tấn Belga, vào ngày 23.1.2009, hung thủ Kim De Gelder lẻn vào nhà trẻ Fabeltjesland ở thành phố Dendermonde và tấn công khi các em nhỏ đang ngủ trưa. Tổng cộng có 2 bé cùng một bảo mẫu thiệt mạng và 10 em khác bị thương. Còn trong vụ thảm sát ở Rio de Janeiro (Brazil) vào ngày 7.4.2011, tên Wellington Menezes de Oliveira, 23 tuổi, đã xả súng vào đám đông học sinh và nhân viên ở Trường tiểu học Escola Municipal Tasso da Silveira khiến 12 người chết và 12 người bị thương. Hung thủ cũng tự sát tại hiện trường, theo Fox News. Trước tình trạng ngày càng có nhiều kẻ thủ ác nhằm vào trường học, đặc biệt là trường mầm non, nhà chức trách các nước đã tăng cường các biện pháp ngăn ngừa và bảo vệ. Tại Trung Quốc, chính quyền các địa phương thành lập ủy ban chuyên trách, đồng thời tiến hành những buổi tập huấn cho giới bảo vệ trường học. Những người chịu trách nhiệm an ninh nhà trẻ, trường học cũng được cung cấp thêm các vũ khí phòng vệ như chĩa ba, dùi cui, bình xịt tiêu, theo Tân Hoa xã. Ở châu Âu và Mỹ, các trường học được trang bị hệ thống máy quay an ninh kỹ thuật cao, khu vực lớp học và sân chơi được xây cách biệt so với cổng, và chỉ có các nhân viên với thẻ đặc biệt mới có thể ra vào. Thụy Miên |
T.Thùy - B.Thanh - M.Luân
>> Bắt cóc học sinh đòi chuộc hơn 1 tỉ đồng
>> Bắt cóc con để đòi nợ mẹ
>> Bắt cóc trẻ 8 tuổi đòi chuộc 1 tỉ đồng
>> Giải cứu bé trai bị bắt cóc, giam trong rừng
Bình luận (0)