Chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1

07/08/2012 03:10 GMT+7

Chỉ cần cha mẹ cùng tập làm quen chữ viết với con và chuẩn bị tâm lý chu đáo là trẻ đủ tự tin khi vào học lớp 1.

Nên học trước hay không ?

Dù cho nhiều giáo viên hay các nhà nghiên cứu khuyên không nên cho trẻ vào lớp 1 học trước nhưng không phải phụ huynh nào cũng can đảm thực hiện điều này.

Anh Trần Đức Long - có con học lớp 1 Trường tiểu học Trần Quốc Thảo (Q.3, TP.HCM), kể : “Học xong mầm non cháu đã nhận dạng được bảng chữ cái và 10 con số nên thời gian trước khi vào lớp 1, ở nhà ba mẹ có kèm thêm theo kiểu nắm chắc chữ và ôn lại các nét hồi lớp lá đã được tập tô chứ không cho đi học thêm một cách bài bản. Nói thật, vì không biết cô giáo nào trong trường nên không dám cho học thêm bên ngoài”.

Chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1 
Giờ làm quen với chữ viết của học sinh lớp lá ở Trường mầm non Bến Thành (Q.1) - Ảnh: B.Thanh     

Dù không ủng hộ việc cho con học trước nhưng phần lớn phụ huynh đều thực hiện điều này. Anh Lưu Đức Bảo Quốc (chung cư Nam Long, Q.8, TP.HCM), tâm sự: “Thấy phụ huynh nào cũng cho con em đi học chữ trước nên tôi cũng phải cho cháu theo luôn. Chứ nếu chỉ với những kiến thức cơ bản đã được học ở mầm non thôi thì sợ đến lúc vào học cháu không theo kịp các bạn. Tuy nhiên, bản thân tôi không ủng hộ chuyện học trước này nên dù cho đi học thêm nhưng tôi cũng dặn cô giáo không cần thiết phải dạy cháu biết nhiều”.

Chị Nguyễn Thị Thơm - phụ huynh học sinh Trường tiểu học Huỳnh Kiến Hoa (Q.5, T.HCM), cho biết : “Trước khi vào lớp 1, gia đình cũng muốn cho cháu đi chơi thoải mái để bước sang một giai đoạn mới, ít được vui chơi mà phải chuyên tâm học hành. Nhưng cuối cùng khi học hỏi kinh nghiệm bạn bè thì thấy ai cũng cho con học trước nên tôi không dám làm ngược lại”.

Đồng hành với con

Thời điểm bắt đầu vào lớp 1 là một giai đoạn chuyển biến rất lớn từ môi trường vui chơi là chính sang giai đoạn học là chính. Thay bằng việc chạy nhảy tự do trong lớp thì giờ đây trẻ sẽ phải ngồi học nghiêm túc trên bàn trong khoảng 35 phút/tiết với 7 tiết/ngày. Sự thay đổi này dễ tác động đến tâm lý, nếu không chuẩn bị chu đáo rất dễ tạo cho bé cảm giác chán nản, lo sợ ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài cho cả quá trình tiếp nhận kiến thức về sau.

Theo bà Nguyễn Thị Kim n - Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Bình Trọng (Q.5, TP.HCM), thì: “Cha mẹ hãy tập cho trẻ tính tự lập, tập ngồi bàn học đúng tư thế… Ở bậc mầm non trẻ đã nhận biết được bảng chữ cái, đã biết cách sử dụng bút, biết viết các nét chữ cơ bản do vậy trẻ thật sự không cần phải đi học thêm”. Trên cơ sở này, bà Võ Thành Tuyết Hạnh - giáo viên Trường tiểu học Hòa Bình (Q.1, TP.HCM), khuyên: “Điều cần thiết nhất là sự đồng hành của cha mẹ khi cùng tập viết với con. Qua những nét cơ bản đã được học, ba mẹ tìm hiểu và sưu tầm những cuốn vở tập tô hiện đang có bán trên thị trường để tập tô lại cùng con. Chỉ cần bé vững các nét như vậy là đủ tự tin vào học lớp 1 mà không gặp trở ngại gì hết”. Bà Trương Thị Tuyết Nga - giáo viên Trường tiểu học Phan Văn Trị (Q.1), cũng khuyên: “Dù không học trước, trẻ nên được làm quen với các đường nét cơ bản như nét cong, nét móc, nét thắt… sẽ tránh được nhiều bỡ ngỡ. Bên cạnh đó, sau khi học trên lớp, về nhà, gia đình phải thường xuyên kèm cặp” .

Bà Nguyễn Thị Kim Dung - Trưởng phòng GD Mầm non Sở GD- ĐT TP.HCM, khuyên: “Dưới 6 tuổi, khả năng phối hợp giữa mắt và tay của trẻ chưa nhịp nhàng, nhanh nhẹn. Ngoài ra, các cơ nhỏ của bàn tay phục vụ cho họat động tinh chưa phát triển nên nếu cho các em viết trên giấy ô ly lúc này sẽ không tốt, dễ dẫn đến các bệnh học đường… Đó cũng chính là lý do tại sao trường tiểu học quy định trẻ vào học lớp 1 lúc 6 tuổi”.

Nội dung giáo dục theo độ tuổi từ 5- 6 tuổi

Giáo dục phát triển ngôn ngữ: Làm quen với việc đọc, viết trong đó có hướng dẫn cách sử dụng sách, bút; làm quen với một số ký hiệu thông thường trong cuộc sống, với chữ viết, việc đọc sách.

Giáo dục phát triển nhận thức: Làm quen với một số khái niệm sơ đẳng vể toán: Tập hợp, số lượng, số thứ tự và đếm; xếp tương ứng: so sánh, sắp xếp theo quy tắc; đo lường, hình dạng; định hướng trong không gian và định hướng thời gian

(Theo Chương trình giáo dục mầm non mới - Bộ GD- ĐT)

Chuẩn kiến thức của học kỳ 1 lớp 1

Môn tiếng Việt: Đọc được các vần, từ ngữ, câu ứng dụng theo yêu cầu cần đạt về mức độ kiến thức, kỹ năng. Viết được các vần, từ ngữ ứng dụng theo yêu cầu cần đạt về mức độ kiến thức, kỹ năng.

Môn toán: Đọc, viết, so sánh các số trong phạm vi 10; cộng, trừ trong phạm vi 10, nhận dạng các hình đã học, viết phép tính thích hợp với hình vẽ.

 

Bích Thanh

>> Đơn giản hóa việc trẻ vào lớp 1
>> Vì sao học lớp 1... khổ?
>> Chuẩn bị tâm lý cho trẻ sắp có em

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.