Chuẩn bị gì khi nghỉ việc?

Nguyên Trang
Nguyên Trang
22/02/2019 18:01 GMT+7

Nghỉ việc không quá đáng sợ nếu người lao động đã chuẩn bị tâm lý, lên kế hoạch trước. Hơn nữa, nó mang lại khoảng thời gian giúp bạn nghỉ ngơi, thư giãn, tái tạo năng lượng để làm việc tốt hơn.

Làm lại từ đầu

Công việc quá stress, áp lực nhiều, làm công việc không yêu thích… dần dần người lao động trở thành người vô hình nơi công sở, đi làm không có động lực, không có mục tiêu phấn đấu. Thậm chí có người chuyển sang chán công việc mình từng yêu thích.

Theo chị Lê Nguyễn Ngọc Thanh, giám đốc bộ phận tuyển dụng, Công ty Adecco Việt Nam: “Ở thời điểm nhạy cảm khi bạn đã ở trong cùng 1 vị trí từ 2 năm liên tục, công việc sẽ trở nên lặp đi lặp lại, và bạn dễ thấy chán. Bạn có thể thẳng thắn trao đổi với sếp trực tiếp để tìm kiếm thử thách mới, ví dụ như xung phong vào 1 dự án mới bên cạnh công việc hiện tại, thử sức ở một bộ phận khác. Các công ty đa quốc gia thường tổ chức các chương trình trao đổi nhân viên giữa các nước, những chương trình thế này giúp nhân viên có cơ hội “nạp năng lượng” lại, thử sức công việc trong môi trường mới, qua đó thu thập được nhiều kinh nghiệm thú vị hơn cho nghề nghiệp”.
Chị Thanh chia sẻ thêm, trước làn sóng 4.0 hiện nay, các công việc đều đòi hỏi nhiều kỹ năng mới, bạn có thể đăng ký học thêm các khóa kỹ năng để hỗ trợ công việc và nâng cao kiến thức. Ngoài ra đây là cách để bạn nâng cao khả năng cạnh tranh của mình trong công việc.
Trước khi xác định “hết duyên” với ngành hóa, Trịnh Thị Hoài Hương (thạc sĩ công nghệ hóa Trường ĐH Technology Petronas, Malaysia) cũng từng thay đổi nhiều công ty vì chán. Cuối cùng, Hương lập kế hoạch để nghỉ việc, làm lại từ đầu.
Hoài Hương chia sẻ: “Sau 8 năm đi làm, Hương chợt nhận ra mình không còn yêu thích công việc hiện tại đang làm nên chuyển qua học CNTT. Đây là ngành có nhiều hấp dẫn, năng động và cũng không có tuổi tác. Mình thấy nhiều cơ hội mới ở ngành học này. Vì thế, mình lên kế hoạch nghỉ việc, chuẩn bị khoảng tiền đủ để có thể sống trong vòng 1 năm ăn học. Dĩ nhiên, khi nghỉ việc, thu nhập ít đi, mình phải tìm vài việc làm bán thời gian, để kiếm thêm chút tiền trang trải...”.

Lên kế hoạch cụ thể

Là chuyên gia về coaching (huấn luyện, hướng dẫn), anh Trần Tuấn Anh từ Connection Coach (Q.2, TP.HCM) cho hay: Áp lực công việc xảy ra vì các lý do như làm việc mình không thích, làm việc quá sức của mình, mối quan hệ trong môi trường theo hướng tiêu cực... Lúc đó, nhiều người ta nghĩ sẽ bỏ việc, nhưng không dám bỏ bởi vì không biết mình thích gì, muốn làm cái gì cho đời và không biết khả năng thực sự của mình là gì. Vì vậy, trước khi quyết định bỏ việc thì nên làm những điều sau:
1. Xác định xem thế mạnh thực sự của mình, nội lực của mình là gì;
2. Mình thực sự muốn làm cái gì cho cuộc đời của mình;
3. Mình có thể sống với chi phí tối thiểu là bao nhiêu để duy trì được cuộc sống bình thường.
Khi chưa biết câu trả lời cho câu 1 và 2 thì vẫn phải đi làm tiếp để đảm bảo cho câu 3. Nhưng trong thời gian rỗi, mình phải nỗ lực khám phá, phát triển bản thân. Khi nào câu trả lời cho câu 1 và 2 đã rõ ràng thì hãy bỏ việc để tìm một việc khác.
Khi thực sự xác định muốn nghỉ việc, cần chuẩn bị đủ tài chính, lên một kế hoạch về việc mục đích nghỉ việc của mình là gì, mình sẽ làm gì trong lúc nghỉ việc. Chẳng hạn như ở TP.HCM, để chi tiêu 1 tháng, tối thiểu cần khoảng 2 triệu đồng nếu không thuê nhà, thuê nhà thì chắc cần thêm 1-2 triệu đồng nữa. Nếu thực sự muốn nghỉ việc thì đầu tiên bạn phải xem mình cần chi tiêu bao nhiêu trong 1 tháng là tối thiểu, và chuẩn bị tiền để có thể sống ít nhất 6 tháng mà không cần đi làm.
Tiếp theo, có thể chưa cần kiếm việc ngay (nhiều người muốn nghỉ và có 1 năm không làm việc luôn) lúc đó mình cần xem mục đích mình nghỉ để làm gì: để nghỉ ngơi, để chiêm nghiệm bản thân, để học hỏi thêm, để trải nghiệm cuộc sống...
Sau khi biết mục đích nghỉ việc là gì thì lên kế hoạch cho các hoạt động hằng tuần để đảm bảo mục đích đó. Ví dụ: Nếu mục đích là nghỉ ngơi thì lên các hoạt động giúp mình nghỉ ngơi thư giãn tốt hơn. Nghỉ việc để học hỏi thì đăng ký các khóa học, tham gia các chương trình, gặp gỡ người mới…, tức là lúc nào bạn cũng phải có một mục đích cụ thể và các hoạt động đi kèm, lúc đó, bạn sẽ thấy chuyện nghỉ việc vẫn có ý nghĩa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.