Đổi việc sau tết

Lê Thanh
Lê Thanh
13/02/2019 10:26 GMT+7

Theo nhận định của một số chuyên viên làm việc trong lĩnh vực tuyển dụng, thị trường lao động sau tết luôn có nhiều biến động do người lao động thường tìm kiếm công việc khác.

Anh Lê Văn Minh, tốt nghiệp ngành điện - điện tử của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, chia sẻ: “Tôi tốt nghiệp ngành này vào khoảng gần giữa năm 2018 nhưng vào thời điểm ấy do không kiếm được việc làm nên tôi chạy xe ôm để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Trong thời gian ấy tôi đã tự tìm việc từ nhiều nguồn và nộp hồ sơ cho nhiều công ty. Đến khoảng thời điểm gần cuối năm thì cùng lúc có nhiều công ty mời phỏng vấn. Tôi đã chọn được công việc đúng với chuyên ngành học và cuối tháng 2 này sẽ bắt đầu nhận việc tại một công ty của Nhật trong Khu công nghiệp VN - Singapore ở tỉnh Bình Dương”.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Thanh Nga, làm việc tại Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn, cho biết: “Mặc dù công việc đang có mức lương khá nhưng vào khoảng cuối năm trước mình đã chủ động nộp đơn xin nghỉ. Sở dĩ mình quyết định đổi việc là vì đã tìm được một công việc khác trong môi trường giáo dục, đỡ áp lực hơn. Mặc dù đồng lương ít hơn so với công việc ở ngân hàng nhưng quan trọng là mình muốn có nhiều thời gian để học lên nữa chứ không dừng lại với tấm bằng đại học”.
Ở góc độ nhà tuyển dụng, anh Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Công ty TNHH Liên Hiệp Phát (Q.Tân Bình, TP.HCM), cho rằng: “Việc xáo trộn nhân sự đối với các công ty đầu năm mới là điều khó tránh khỏi. Vì lý do cuối năm, tâm lý người lao động nào cũng muốn được nhận thưởng của công ty, nếu nghỉ sớm thì coi như không nhận được gì sau một năm làm việc vất vả, cho nên mặc dù muốn đổi qua công ty khác nhưng họ vẫn nấn ná ráng làm hết năm, qua năm mới sẽ đổi việc khác. Một lý do nữa người lao động cũng không muốn rủi ro đổi việc trước tết là họ cần ở lại công ty cũ để có tiền về quê, sắm sửa. Ngoài ra, một bộ phận có tâm lý ăn tết xong nghỉ cho khỏe, xả hơi rồi đi tìm việc mới cũng được”.
Theo ông Liêm, tình hình thị trường, tâm lý người lao động như thế ít nhiều ảnh hưởng đến việc tuyển dụng. Một số công ty sau tết đơn hàng chưa nhiều nên việc sắp xếp lại nhân sự trong thời điểm này là bình thường. Năm mới cũng là thời điểm có kế hoạch, chiến lược kinh doanh mới, do đó nhu cầu về nhân sự cũng thay đổi.
Ông Nguyễn Văn Sang, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên TP.HCM, cho biết: “Thị trường lao động việc làm đầu năm bao giờ cũng có xáo trộn. Đó là người lao động sau một năm làm việc ở công ty cũ thấy không còn phù hợp với mình nữa nên muốn tìm một cơ hội khác tốt hơn. Cũng có thể do chế độ đãi ngộ cuối năm qua không xứng đáng với sức lao động của họ bỏ ra hoặc do họ thấy mình trình độ năng lực và kinh nghiệm của bản thân cho phép tìm kiếm một công việc khác có mức lương cao hơn”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.