Lạc hậu
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, hằng năm nhà trường phải rà soát, điều chỉnh CĐR cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn, sự phát triển của khoa học công nghệ và đặc biệt là đáp ứng nhu cầu xã hội… Tuy nhiên, từ thời điểm các trường công bố đến nay, CĐR của nhiều trường vẫn như cũ.
Chẳng hạn trong năm 2010, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường phải thay đổi tên ngành, chương trình đào tạo cho phù hợp với mã ngành nhưng trong CĐR nhiều trường vẫn giữ nguyên. Website của trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) công bố rất chi tiết CĐR của từng chương trình đào tạo. Theo đó, ngành kỹ thuật hóa học chỉ có CĐR của 3 chương trình đào tạo gồm: khoa học và công nghệ thực phẩm, kỹ thuật hóa học, công nghệ sinh học. Thế nhưng trong cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2011, ngành này được đổi thành nhóm ngành công nghệ hóa - thực phẩm - sinh học, với 5 chương trình đào tạo: kỹ thuật hóa, công nghệ chế biến dầu khí, quá trình và thiết bị, công nghệ thực phẩm, công nghệ sinh học. Nhiều ngành khác của trường cũng tương tự.
|
Lẫn lộn kỹ năng cứng, kỹ năng mềm
Hầu hết các trường đều xảy ra tình trạng nhầm lẫn khái niệm trong CĐR. Có những tiêu chí ở phần kỹ năng lại được công bố ở phần thái độ. Ví dụ, trường ĐH Công nghiệp Hà Nội đề cập đến chuẩn thái độ của người tốt nghiệp ngành công nghệ kỹ thuật cơ điện tử là: “Có khả năng làm việc độc lập, làm việc sáng tạo, có kỹ năng làm việc tập thể!”. Đây là những tiêu chí hoàn toàn thuộc về phần kỹ năng. Trong khi đó, cũng đối với ngành học này, phần kỹ năng lại nêu: “Có kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, phát hiện và giải quyết vấn đề”. Một sinh viên nhận xét: “Em không hiểu kỹ năng làm việc tập thể và kỹ năng làm việc nhóm khác nhau như thế nào mà lúc thì yêu cầu ở thái độ, lúc thì yêu cầu ở kỹ năng”.
Đáng lưu ý, trong phần công bố về chuẩn kỹ năng lại có những nhầm lẫn nguy hiểm. Chẳng hạn có những tiêu chí thuộc kỹ năng cơ bản (như khả năng sử dụng ngoại ngữ, tin học) thì một số trường “nhét” tất vào kỹ năng chuyên ngành; có những kỹ năng mềm thì được đưa vào phần kỹ năng cứng và ngược lại. Tìm hiểu, chúng tôi phát hiện tại văn bản hướng dẫn xây dựng và công bố CĐR ngành đào tạo, do Bộ GD-ĐT ban hành tháng 4.2010, yêu cầu về kỹ năng đã được quy định không đúng. Theo đó, kỹ năng cứng được quy định bao gồm: kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng giải quyết vấn đề. Còn kỹ năng mềm thì bao gồm cả kỹ năng sử dụng ngoại ngữ, tin học. Một chuyên gia giáo dục phân tích: “Đây là sự nhầm lẫn nghiêm trọng, bởi kỹ năng xử lý tình huống, giải quyết vấn đề là kỹ năng mềm, còn kỹ năng sử dụng ngoại ngữ, tin học là một kỹ năng cứng. Lỗi này thuộc về hệ thống nên có khi trường hiểu đúng cũng phải công bố sai”.
''Việc công bố chuẩn đầu ra của các trường như hiện nay, thực chất chỉ là hình thức và hoàn toàn vô ích'' - Tiến sĩ VŨ THỊ PHƯƠNG ANH, Phó giám đốc Trung tâm bồi dưỡng và hỗ trợ chất lượng giáo dục của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập |
Không ai kiểm chứng
Năm 2008, kết luận tại hội nghị chất lượng giáo dục ĐH toàn quốc, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân (lúc đó kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT) đã yêu cầu: “Phấn đấu đến tháng 12.2008, tất cả các trường ĐH phải công bố CĐR của quá trình đào tạo, nếu không thì phải có chế tài về tuyển sinh”. Tuy nhiên, đến tận tháng 9.2010, mới có 183 trường (đạt tỷ lệ 58,8%) xây dựng và công bố CĐR. Nhưng trong thời gian đó, cũng không có trường nào bị chế tài về tuyển sinh. Vào tháng 4.2010, sau khi Bộ ban hành hướng dẫn về xây dựng và công bố CĐR, quyết liệt yêu cầu các trường phải công bố ở học kỳ II năm học 2009-2010 thì đến nay đã có thêm nhiều trường công bố. Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, hầu như các trường mới chỉ làm để đối phó nên không đảm bảo chất lượng.
Nói về thực trạng này, lãnh đạo một trường ĐH thừa nhận: “Sở dĩ trường công bố sơ sài là do Bộ yêu cầu quá gấp. Theo quy trình, việc xây dựng CĐR phải tuân theo nhiều bước như: tổ chức xây dựng dự thảo CĐR, hội thảo để lấy ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, nhà khoa học, giảng viên, nhà tuyển dụng lao động, cựu sinh viên… Sau đó, phải công bố dự thảo CĐR trên trang web của trường để lấy ý kiến. Để làm được như vậy sẽ phải mất rất nhiều thời gian, trong khi Bộ chỉ cho từ 1-2 năm thì không làm được”.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), cũng cho rằng việc công bố CĐR là rất cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay yêu cầu của Bộ GD-ĐT mới chỉ mang tính chất hô hào, không đi vào thực chất. Thế nên, các trường cũng chỉ “ca bài ca chung chung” chứ không phải CĐR cho từng trường. Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh - Phó giám đốc Trung tâm bồi dưỡng và hỗ trợ chất lượng giáo dục của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, kết luận: “Việc công bố CĐR của các trường như hiện nay, thực chất chỉ là hình thức và hoàn toàn vô ích. Các trường công bố CĐR chỉ là những phát biểu do chính nhà trường đưa ra, và không ai biết chắc những tiêu chuẩn đó có thể đạt được hay không”. Để thực sự đúng nghĩa CĐR, cô Phương Anh đề nghị: “Cần phải có các tổ chức chuyên nghiệp để đo năng lực người học, đó là những đơn vị thứ 3”.
Hà Ánh - Vũ Thơ
Bình luận (0)