Xếp hạng trước khi mở bán, chặn chung cư 'tự phong'

24/06/2024 06:19 GMT+7

Việc xếp hạng chung cư trước khi chủ đầu tư được phép huy động vốn, mở bán cho khách hàng có thể ngăn chặn các trường hợp lừa đảo, thổi phồng giá bán.

Ngăn chặn "treo đầu dê, bán thịt chó"

Tại cuộc họp hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của luật Nhà ở 2023 mới đây, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP.HCM (HoREA), đề xuất phải có quy định bắt buộc các chủ đầu tư thực hiện đăng ký xếp hạng chung cư trước khi được phép mở bán.

Giải thích về đề xuất này, ông Châu phân tích: luật Nhà ở trước đây đều giao cho Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành quy định phân hạng chung cư thành các hạng 1, 2, 3 và 4; hiện nay là phân hạng chung cư A, B và C. Thế nhưng trên thực tế, không có chủ đầu tư hay tập thể sở hữu nhà chung cư (khách hàng) nào đề nghị phân hạng nhà chung cư cũng như không thực hiện. Còn trong luật Nhà ở 2023 sắp có hiệu lực, việc phân hạng nhà chung cư được giao cho Chính phủ ban hành. Trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của luật Nhà ở 2023, việc phân hạng chung cư chỉ được thực hiện khi dự án đã thực hiện xong. Tuy nhiên, luật Kinh doanh BĐS 2023 lại quy định chủ đầu tư được phép bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai khi đã hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật theo quy định. Trường hợp là nhà chung cư, tòa nhà hỗn hợp có nhà ở chỉ cần hoàn thành xây dựng phần móng theo quy định.

Xếp hạng trước khi mở bán, chặn chung cư 'tự phong'- Ảnh 1.

Yêu cầu chủ đầu tư đăng ký xếp hạng chung cư trước khi huy động vốn, mở bán sẽ giúp tránh tình trạng “tự phong”, “treo đầu dê bán thịt chó”

NHẬT THỊNH

"Đây là giai đoạn khách hàng dễ bị lừa khi các chủ đầu tư đã tự xếp hạng, nâng cấp chung cư của mình thành các tên gọi siêu sang, hạng nhất hay theo các tên gọi nước ngoài như High-end, Premium… để bán với giá cao ngất ngưởng. Tình trạng "treo đầu dê, bán thịt chó" diễn ra nhiều nơi. Trong khi đó, luật Quảng cáo cũng đã quy định cấm sản phẩm của doanh nghiệp (DN) tự xưng là "số một, hạng nhất". Do đó, cần phải quy định DN đăng ký xếp hạng chung cư ngay từ đầu khi dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư", ông Lê Hoàng Châu nhấn mạnh. 

Chủ tịch HoREA cũng cho rằng việc yêu cầu xếp hạng chung cư ngay từ đầu khi dự án được thực hiện không phải là hạn chế chủ đầu tư thay đổi loại hình chung cư sau đó. Trong quá trình thực hiện, chủ đầu tư có thể thông báo thay đổi lại thứ hạng nếu nâng cấp lên mức cao hơn. "Hiện nay quy định cũng khuyến khích các chủ đầu tư xây dựng công trình xanh, tiết kiệm năng lượng… 

Lợi ích khi xếp hạng chung cư trước khi mở bán

Nếu chủ đầu tư có tầm nhìn dài hạn, hướng đến việc xây dựng các dự án theo xu hướng này thì chi phí chỉ tăng thêm 2 - 3% trong khi nếu trong quá trình xây dựng mới chuyển đổi thì chi phí sẽ cao hơn rất nhiều. Bởi khách hàng hiện nay đều quan tâm không phải chỉ là chỗ ở, các chủ đầu tư không chỉ bán căn hộ mà còn bán cả không gian sống, dịch vụ tiện ích. Những dự án có nhiều cây xanh, dịch vụ tiện ích, môi trường sống hài hòa thì càng được khách hàng yêu thích và từ đó mới có thể gọi là chung cư cao cấp, hạng sang…", ông Châu dẫn chứng.

Loạn xếp hạng chung cư cao cấp

Đây không phải lần đầu tiên HoREA đề xuất phải công bố xếp hạng chung cư trước khi mở bán. Từ năm 2018 đơn vị này đã có văn bản nêu thực trạng loạn danh xưng chung cư cao cấp trên thị trường nhà ở. Thời điểm đó, giới buôn căn hộ luôn tùy tiện sử dụng các thuật ngữ "cao cấp", "hạng sang" để câu khách. Trong khi thực tế, rất ít dự án BĐS đạt chuẩn cao cấp, đảm bảo chất lượng và đẳng cấp về quy hoạch, thiết kế, các tiện ích, dịch vụ. Nhiều công trình được chủ đầu tư tự phong dự án cao cấp nhưng chưa hề được Sở Xây dựng hoặc đơn vị đánh giá độc lập công nhận. Điều này cũng dẫn đến không ít tình huống "dở khóc dở cười" khi cư dân mua phải chung cư được mệnh danh cao cấp nhưng chất lượng kém.

Đơn cử, trên website của công ty, chung cư The Art (TP.Thủ Đức, TP.HCM) được giới thiệu là dự án căn hộ đột phá khi lần đầu tiên thực hiện ý tưởng xây dựng khu căn hộ sang trọng dành riêng cho trí thức trẻ; nằm trong khu dân cư cao cấp Gia Hòa Art Village rộng gần 28,5 ha với rất nhiều tiện ích công cộng phục vụ cho cộng đồng khu dân cư. Giá bán căn hộ ở đây khá cao, dao động từ 35,4 - 42,7 triệu đồng/m². Thế nhưng, trong năm 2023, tại chung cư này liên tục diễn ra tình trạng cư dân tụ tập, treo băng rôn phản đối nhiều bất cập về hạ tầng, dịch vụ như thang máy bị rò rỉ, nước chảy vào như thác mỗi khi mưa; hộp PCCC trống rỗng, không có thiết bị. Tại hầm để xe, hai trong số 4 đường ra bị rào chắn khiến cư dân lo lắng không có lối thoát khi có sự cố, hỏa hoạn… 

Đáng nói, ban quản trị đang quản lý 60 tỉ đồng tiền quỹ bảo trì chung cư nên cư dân cho rằng ban quản trị đã không làm tròn nhiệm vụ, quản lý quỹ bảo trì thiếu hiệu quả, khiến chung cư ngày càng xuống cấp. Hơn 900 cư dân đã đồng loạt ký vào đơn phản ánh hàng loạt bức xúc tại chung cư này và yêu cầu ban quản trị từ nhiệm. Phải tới cuối tháng 7.2023, khi chính quyền địa phương tổ chức hội nghị nhà chung cư bất thường để bầu lại ban quản trị, toàn bộ ban quản trị cũ từ nhiệm thì bức xúc của người dân mới tạm "hạ hỏa".

Tương tự, khi tìm hiểu mua căn hộ tại chung cư Topaz Home 2 (TP.Thủ Đức), anh Minh Mẫn (ngụ Q.8, TP.HCM) bị thu hút bởi rất nhiều mỹ từ như: "điểm sáng" giữa lòng TP khu Đông, nằm giữa khu đô thị hiện đại phát triển, dự án có đầy đủ tiện ích phù hợp với loại hình căn hộ không chỉ cao cấp mà còn hiện đại. Đáng nói, đây chỉ là dự án nhà ở xã hội. Khi tới tận nơi thực địa, anh Mẫn "ngã ngửa" khi thấy rất nhiều tấm băng rôn được treo ở cửa các căn hộ để phản đối chủ đầu tư liên quan đến tình trạng mất an toàn PCCC, chỗ đậu xe, hệ thống thang máy… xuống cấp, hư hỏng, mất an toàn, quỹ bảo trì và rất nhiều vấn đề khác.

Xếp hạng trước khi mở bán, chặn chung cư 'tự phong'- Ảnh 2.

Đề xuất xếp hạng chung cư trước khi chủ đầu tư huy động vốn, mở bán cho khách hàng

Nhật Thịnh

Tại Hà Nội, chung cư Artemis (số 3 Lê Trọng Tấn, Q.Thanh Xuân) dù được quảng cáo là chung cư cao cấp, nhưng cư dân nhiều lần bức xúc, căng băng rôn phản đối khi chủ đầu tư tự ý tăng phí gửi xe, chây ì thành lập ban quản trị; không đảm bảo PCCC… Đỉnh điểm là ồn ào khóa bánh phương tiện cá nhân gây tranh cãi hồi cuối năm ngoái. Đáng nói, vì được gắn mác chung cư cao cấp nên giá căn hộ tại đây cũng cao ngất ngưởng, từ 50,2 - gần 70 triệu đồng/m².

Tình trạng "mạnh ai nấy làm" trong xếp hạng chung cư diễn ra khắp nơi. Trang web chuyên giao dịch BĐS Batdongsan.com.vn cho biết đơn vị này dùng giá bán để phân loại chung cư, tuy nhiên mức giá sẽ khác nhau tùy từng thị trường. Chẳng hạn ở Hà Nội, chung cư bình dân có giá bán sơ cấp ở mức dưới 30 triệu đồng/m²; chung cư trung cấp giá 30 - 50 triệu đồng/m² và chung cư cao cấp trên 50 triệu đồng/m². Ở TP.HCM, căn hộ bình dân giá dưới 35 triệu đồng/m²; căn hộ trung cấp từ 35 - 55 triệu đồng/m²; căn hộ cao cấp vượt 55 triệu đồng/m². 

Trong khi đó, Công ty CBRE lại đưa ra những mức giá cao hơn để phân loại chung cư. Kể từ quý 1/2024, CBRE áp dụng tiêu chí phân hạng căn hộ mới như căn hộ được định danh siêu sang là các dự án với giá sơ cấp trung bình trên 300 triệu đồng/m²; hạng sang là dự án với giá sơ cấp trung bình từ 120 - 300 triệu đồng/m²; căn hộ cao cấp có giá sơ cấp trung bình từ 60 - 120 triệu đồng/m²; dự án trung cấp có giá bán sơ cấp trung bình từ 35 - 60 triệu đồng/m²; hạng bình dân có giá sơ cấp trung bình dưới 35 triệu đồng/m²…

Xếp hạng chung cư theo quy chuẩn là cần thiết

Theo chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang, trên thế giới không cần quy định bắt buộc chủ đầu tư đăng ký và công bố xếp hạng chung cư bởi thị trường BĐS công khai, minh bạch, tính bảo vệ người tiêu dùng rất cao. Thị trường BĐS tại VN hiện nay chưa được như vậy. Thực tế chủ đầu tư xây dựng dự án thế nào, chất lượng ra sao, khách hàng tiếp cận thông tin như thế nào… chủ yếu thông qua tin tức, hình ảnh từ các đơn vị môi giới, chứ không qua chất lượng xây dựng công trình. Do đó, việc xếp hạng chung cư, đánh giá chất lượng dự án theo quy chuẩn là rất cần thiết. Người tiêu dùng cần được tiếp cận thông tin một cách chính xác, rõ ràng, chung cư cao cấp thì yêu cầu đáp ứng những điều kiện gì, diện tích ra sao, diện tích phục vụ công cộng nhiều hơn các hạng chung cư trung cấp, bình dân thế nào... Việc đánh giá cũng nên chọn đơn vị độc lập thực hiện để đảm bảo tính khách quan, phù hợp.

Đại diện một DN BĐS thừa nhận với luật Nhà ở có hiệu lực vào ngày 1.8 tới, quy định xếp hạng nhà chung cư do Chính phủ quy định sẽ khắc chế tình trạng chủ đầu tư tự phong hạng cho công trình của mình cũng như các công ty tư vấn, môi giới tùy tiện xếp hạng theo giá hiện nay. "Không xếp hạng thì ông nào cũng phong mình hạng nhất để nâng giá, để bán hàng cho dễ. Việc này không chỉ gây nhầm lẫn, thiệt hại cho người mua mà ngay cả các chủ đầu tư làm ăn đàng hoàng cũng bị ảnh hưởng. Thị trường cần được sắp xếp lại theo đúng trật tự của nó bằng cách luật hóa", vị này nhấn mạnh.

Phân hạng nhà chung cư

Nhà chung cư được phân thành 3 hạng: hạng A, hạng B và hạng C. Sự phân hạng này dựa trên 4 nhóm tiêu chí cụ thể, gồm: Quy hoạch - kiến trúc; hệ thống thiết bị kỹ thuật; dịch vụ, hạ tầng xã hội; và chất lượng, quản lý, vận hành. Trong đó, hạng A là nhà chung cư đáp ứng đầy đủ các yêu cầu để được phân hạng và phải đạt tối thiểu 18 trên tổng số 20 tiêu chí theo quy định tại phụ lục số 01; hạng B là nhà chung cư phải đạt tối thiểu 18 trên tổng số 20 tiêu chí theo hướng dẫn tại phụ lục số 02; hạng C là nhà chung cư đáp ứng đầy đủ các yêu cầu để được phân hạng nhưng không đạt đủ tiêu chí để công nhận hạng A và hạng B theo quy định.

Thông tư số 31/2016 của Bộ Xây dựng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.