Khuôn mẫu và mơ hồ
Trong phần thái độ của người học, nhiều trường công bố như sau: “Có phẩm chất đạo đức tốt, có tinh thần yêu nước, yêu đồng bào và tinh thần phục vụ cộng đồng tốt. Có đạo đức nghề nghiệp, động cơ học tập đúng đắn, để làm chủ kiến thức phục vụ đất nước và cộng đồng...”.
|
Kiến thức trang bị cho sinh viên (SV) trong quá trình học đến khi tốt nghiệp là rất quan trọng, nhưng thông tin này ở nhiều trường rất trừu tượng. Chẳng hạn trường ĐH Công nghiệp Hà Nội đưa chuẩn kiến thức chung của các ngành như sau: “Có kiến thức cơ bản về chủ nghĩa Mác - Lê nin, đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, Tư tưởng Hồ Chí Minh. Hiểu biết về đường lối chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, những vấn đề cấp bách của thời đại. Có kiến thức cơ bản trong lĩnh vực khoa học cơ bản, khoa học tự nhiên và xã hội phù hợp với chuyên ngành”.
Hiện tại các trường công bố CĐR chỉ để đáp ứng hành chính, làm theo phong trào, thực hiện cho có chứ không phải theo cách chịu trách nhiệm về những điều mình đã công bố
|
|
Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng phòng đào tạo trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM |
Theo nguyên tắc, CĐR phải được xây dựng cho từng chương trình đào tạo. Thế nhưng có trường như ĐH Đà Nẵng chỉ có một chuẩn cho SV các ngành. Ngay cả kiến thức chuyên ngành đáng ra phải cụ thể nhất thì nhiều trường vẫn công bố rất chung.
CĐR ngành quản trị kinh doanh trường ĐH Công nghệ thông tin Gia Định như sau: “Nắm vững những kiến thức cơ bản về kinh tế - xã hội, quản trị kinh doanh, kiến thức về hoạch định chính sách kinh doanh, chiến lược, kế hoạch kinh doanh, kiến thức về tổ chức hoạt động kinh doanh và tạo lập doanh nghiệp. Nắm được những kiến thức về quá trình hội nhập kinh tế thế giới của nước ta và vai trò của doanh nghiệp và doanh nhân trong quá trình đó...”. CĐR ngành kiến trúc công trình trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cũng rất ngắn gọn: “Sau khi học xong chương trình và tốt nghiệp, người học có kiến thức cơ bản vững chắc, kiến thức chuyên môn sâu rộng, tiên tiến ngang tầm khu vực và tiến tới hội nhập quốc tế...”.
Xa rời thực tế
Có rất nhiều trường công bố CĐR không sát với thực tế. Ví dụ, CĐR ngoại ngữ của ĐH Đà Nẵng như sau: “Đọc tài liệu bằng tiếng nước ngoài thành thạo; viết báo cáo chuyên môn, văn bản giao dịch bằng tiếng nước ngoài chuẩn mực; giao tiếp, trình bày tham luận trôi chảy bằng tiếng nước ngoài thông dụng; biết hai ngoại ngữ, trong đó có tiếng Anh”. Trường áp dụng chuẩn này cho SV bắt đầu từ khóa 2010. Một SV năm thứ 2 của trường cho biết: “Chương trình học ngoại ngữ hiện nay ở trường không nhiều, SV chủ yếu tự học là chính, nhưng nếu đạt đến trình độ là đọc tài liệu, viết báo cáo chuyên môn bằng tiếng nước ngoài... thì chịu, SV không thể đáp ứng được”. SV này cũng cho biết, trong lớp hiện có 2/3 SV đến từ những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đa số không có kiến thức về ngoại ngữ. Khi bước vào giảng đường ĐH, các bạn hầu như phải học lại từ đầu, nên tiêu chí đặt ra là không tưởng!
Trả lời PV Thanh Niên, PGS-TS Nguyễn Ngọc Vũ - Phó giám đốc ĐH Đà Nẵng, lý giải: “CĐR mà ĐH Đà Nẵng đăng tải trên mạng thực chất chỉ có tính chất định hướng cho các trường thành viên, dựa vào đó mà các trường sẽ xây dựng một CĐR phù hợp cho từng trường của mình”. Ông Vũ khẳng định: “Việc yêu cầu SV có thể viết báo cáo bằng tiếng nước ngoài thực chất là không thể. Hiện đó chỉ mới là “thang bậc” mà ĐH Đà Nẵng hướng đến, và khả năng 2020 mới có thể đạt được”.
Ở một số trường khác, khi công bố CĐR cũng yêu cầu rất cao nhưng trên thực tế không có cơ sở đảm bảo. Ví dụ, trường ĐH Kinh tế kỹ thuật công nghiệp Hà Nội là đơn vị có điều kiện dạy và học ở mức rất thấp (năm 2009 trường này chỉ có 5 tiến sĩ/491 giảng viên và không có SV nào có đề tài nghiên cứu khoa học...), nhưng trong CĐR về vị trí làm việc của người học sau khi tốt nghiệp bậc ĐH thì SV đều trở thành giảng viên, nghiên cứu tại các trường ĐH và các viện!
TS Vũ Thị Phương Anh - Phó giám đốc Trung tâm bồi dưỡng và hỗ trợ chất lượng giáo dục của Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ ngoài công lập, đánh giá: “Các trường công bố CĐR nhưng không hiểu từ này có nghĩa gì nên công bố hoặc rất sơ sài, chủ quan hoặc không có gì khác biệt so với nội dung tổng quát của chương trình đào tạo. Do vậy CĐR mà các trường công bố thực ra chỉ là những phát biểu về năng lực đầu ra dự kiến”. Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng phòng đào tạo trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho rằng: “Chúng ta đang thực hiện theo quy trình ngược: công bố CĐR sau khi đã có chương trình đào tạo. Đúng ra CĐR cần được xây dựng trước mới đảm bảo các trường dạy cái người học cần, chứ không phải dạy theo cái nhà trường và giáo viên có”. Cũng theo tiến sĩ Dũng: “Hiện tại các trường công bố CĐR chỉ để đáp ứng hành chính, làm theo phong trào, thực hiện cho có chứ không phải theo cách chịu trách nhiệm về những điều mình đã công bố”.
Không phải là mục tiêu đào tạo Theo Bộ GD-ĐT, CĐR là quy định về nội dung kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành, khả năng nhận thức công nghệ và giải quyết vấn đề, công việc mà người học có thể đảm nhận sau khi tốt nghiệp và yêu cầu đặc thù khác đối với từng trình độ, ngành đào tạo. Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) cho biết, hiện nay đa số các trường công bố CĐR giống với mục tiêu đào tạo. Ông Khuyến nói: “Mục tiêu đào tạo và CĐR hoàn toàn khác nhau. Mục tiêu đào tạo là cái nhà trường yêu cầu người học cần đạt được sau khi tốt nghiệp, mục tiêu này có thể công bố chung chung, còn CĐR là cam kết của nhà trường về những kiến thức, kỹ năng, thái độ mà người học sẽ có được sau khi tốt nghiệp. Vì vậy, CĐR phải thật cụ thể, nếu nhà trường không thực hiện được thì người học có thể kiện”. |
Vũ Thơ - Hà Ánh - Diệu Hiền
Bình luận (0)