Chứng bệnh không nhận ra gương mặt người khác

Lê Cầm
Lê Cầm
09/07/2022 15:07 GMT+7

Diễn viên người Mỹ, Brad Pitt, 59 tuổi cho biết anh có thể mắc chứng bệnh prosopagnosia - mất nhận thức khuôn mặt, ảnh hưởng đến khả năng nhận biết những người xung quanh.

Theo New York Times, trong một cuộc phỏng vấn gần đây, nam diễn viên Brad Pitt cho biết anh mắc chứng bệnh rối loạn thần kinh thực vật hiếm gặp thường được gọi là "mù mặt". Anh cho biết, trong nhiều năm anh gặp nhiều khó khăn để nhận ra khuôn mặt của mọi người.

Năm 2013, tình trạng bệnh nghiêm trọng đến mức anh thường muốn tự cô lập mình. “Đó là lý do tại sao tôi ở nhà,” Brad Pitt nói.

Các triệu chứng của "mù mặt" là gì?

Theo Viện Rối loạn Thần kinh và Đột quỵ Quốc gia Mỹ, tình trạng này không liên quan đến mất trí nhớ, suy giảm thị lực hoặc mất khả năng học tập.

Tiến sĩ Borna Bonakdarpour, nhà thần kinh học hành vi tại Northwestern Medicine (Mỹ), cho biết prosopagnosia chỉ là "mù mặt" chứ không phải mù màu hay suy giảm thị lực toàn bộ. Nó không giống với chứng hay quên hoặc gặp khó khăn khi diễn đạt ngôn ngữ.

Hội chứng mù mặt có nhiều mức độ khác nhau; một số người mắc tình trạng này có thể gặp khó khăn khi nhận ra một khuôn mặt quen thuộc, chẳng hạn như bạn bè hoặc thành viên trong gia đình, trong khi những người khác thậm chí có thể không xác định được khuôn mặt của chính họ trong gương.

Cũng có bằng chứng cho thấy những người mắc chứng bệnh này có thể trở nên lo lắng hoặc trầm cảm kinh niên vì cảm giác sợ hãi và tự cô lập mình. Việc điều hướng các tương tác xã hội cơ bản khi mắc chứng mù mặt có thể trở nên khó khăn. Một số người tránh tiếp xúc với các thành viên trong gia đình và những người thân yêu khác vì sợ rằng họ sẽ không thể nhận ra hoặc ứng xử không đúng.

Brad Pitt là một diễn viên và nhà sản xuất phim người Mỹ

REUTERS

Nguyên nhân nào gây ra chứng "mù mặt"

Những người mắc chứng prosopagnosia thường được chia thành hai loại: bẩm sinh và người mắc bệnh khi lớn lên trong quá trình sống.

Tuy nhiên nghiên cứu cho thấy tỷ lệ mắc bẩm sinh ít phổ biến hơn, mặc dù các ước tính cho thấy cứ 50 người thì có 1 người phải vật lộn với một số dạng bệnh lý này suốt đời.

Tiến sĩ Andrey Stojic, Giám đốc Khoa thần kinh tổng quát tại Cleveland Clinic, cho biết: “Dường như không có bất kỳ bất thường cấu trúc rõ ràng nào trong não đối với những người sinh ra bị mù mặt. Ngược lại, những người mắc chứng bệnh này trong quá trình sống có thể có các tổn thương trong não do chấn thương đầu hoặc chấn thương".

Tiến sĩ Bonakdarpour cho biết mọi người cũng có thể mắc phải tình trạng này sau khi đột quỵ hoặc khi họ phát triển bệnh Alzheimer.

Có phương pháp điều trị không?

Tiến sĩ Bonakdarpour cho biết hiện không có phương pháp điều trị cho hội chứng này, nhưng có nhiều cách để kiểm soát nó. Những người mắc chứng mù mặt thường tập trung vào các đặc điểm như màu tóc, phong cách đi bộ hoặc giọng nói để phân biệt mọi người.

Các nhà thần kinh học thường chẩn đoán chứng "mù mặt" thông qua một loạt các bài kiểm tra để đánh giá khả năng ghi nhớ và nhận dạng khuôn mặt của một người. Đây có thể là một quá trình kéo dài, vì các bác sĩ thường cố gắng đảm bảo rằng bệnh nhân bị mù mặt không phải là một triệu chứng của tình trạng thoái hóa thần kinh.

Nhiều người mắc chứng bệnh này thường không có một chẩn đoán chính thức. Tiến sĩ Stojic cho biết: “Những khó khăn mà Brad Pitt mô tả, những vấn đề mà anh ấy gặp phải, không phải là điển hình".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.