Bác sĩ Đào Ty Tách
Thấy con gái ngày càng xanh xao, biếng ăn biếng uống và thường than đau bụng, cha mẹ đưa em từ Sóc Trăng lên bệnh viện Nhi đồng khám. Kết quả siêu âm cho thấy một dị vật bằng nắm tay chiếm gần hết dạ dày của bệnh nhi mười tuổi.
Thầy thuốc nội soi lấy ra một búi tóc to quện chặt vào nhau nên bao tử không thể tiêu hóa và thải qua ruột được. Đây là hậu quả của chứng bứt tóc xảy ra ở mọi lứa tuổi từ trẻ em đến người già. Nhiều bé suy dinh dưỡng, biếng ăn, đầy bụng do mắc chứng bứt tóc và nhai nuốt tóc của mình.
Các dấu hiệu thường gặp
Bứt tóc là thói quen xấu khiến cho người bệnh không thể cưỡng lại việc nhổ tóc, nhổ lông mày hay nhổ lông trên cơ thể mà hậu quả là nhiều đốm hói loang lổ trên đầu gây đau khổ và tạo hình ảnh không đẹp. Các dấu hiệu bao gồm liên tục nhổ tóc trên da đầu, lông mày, lông mi và các nơi trên cơ thể. Người bệnh rất căng thẳng muốn chống lại việc nhổ lông tóc nhưng lại thấy… tự sướng sau khi nhổ.
Khu vực nhổ tóc bị thưa dần gây hói đầu, thưa lông mi và lông mày. Nhiều người còn có thú vui… cắn, nhai và nuốt tóc sau khi nhổ. Đôi khi người bệnh thèm quá nên… nhổ cả lông người thân, lông thú vật như chó mèo, búp bê hay quần áo. Một số người khai rằng nhổ tóc cho bớt căng thẳng và bớt đau khổ, một số người thích nhổ tóc khi đang đọc sách báo hay xem truyền hình.
Nguyên nhân do di truyền và môi trường
Nguyên nhân gây ra chứng bứt tóc thường do yếu tố di truyền và môi trường. Nồng độ các hóa chất trung gian trong não như serotonin và dopamin cũng đóng vai trò quan trọng. Sau khi nhổ tóc, người bệnh cảm thấy xấu hổ, nhục nhã và lo lắng trầm cảm đồng thời phải đeo tóc giả che giấu hói đầu hay đeo lông mi giả. Nhổ tóc nhiều gây trầy xước và nhiễm trùng, ảnh hưởng đến tăng trưởng tự nhiên của tóc. Nhiều trẻ em còn nhai nuốt tóc tạo thành một bện tóc bên trong đường tiêu hóa gây nôn mửa, tắc ruột thậm chí tử vong.
Các phương pháp chẩn đoán
Để chẩn đoán, thầy thuốc kiểm tra số tóc rụng, loại bỏ dần các nguyên nhân gây rụng tóc thông qua xét nghiệm. Tiêu chuẩn chẩn đoán chứng bứt tóc theo hiệp hội tâm thần Hoa kỳ bao gồm:
- Người bệnh liên tục nhổ tóc dẫn đến rụng tóc và hói đầu.
- Người bệnh luôn cố gắng ngăn chặn thèm muốn nhổ tóc.
- Người bệnh đau khổ vì thói bứt tóc tại nơi làm việc và ngoài xã hội.
- Chứng rụng tóc không liên quan đến bệnh ngoài da hay bệnh mãn tính.
Liệu pháp điều trị
Phương pháp điều trị chính là tâm lý trị liệu giúp tìm các hành vi thay thế như tạo thói quen đảo ngược, khuyên người bệnh nắm chặt nắm đấm để "đóng băng" nhu cầu bứt tóc hay chuyển hướng bàn tay từ bứt tóc qua… vò đầu bứt tai. Liệu pháp nhận thức giúp người bệnh hiểu rõ nguyên nhân và hậu quả liên quan đến bứt tóc. Liệu pháp thừa nhận giúp người bệnh chấp nhận thói quen xấu bứt tóc nhưng tìm quên bằng một thú vui khác. Thầy thuốc hỗ trợ bằng thuốc chống trầm cảm như clomipramin hay thuốc N-acetylcystein là axit amin ảnh hưởng đến dẫn truyền thần kinh hoặc olanzapin là thuốc chống trầm cảm thế hệ mới. Những lợi ích của các thuốc này luôn đặt lên bàn cân so với các tác dụng phụ. Ở trẻ em, cha mẹ giúp bé tạm quên hành động bứt tóc bằng cách mang găng tay để bé không bứt tóc được và cho bé thú nhồi bông, bàn chải, gương lược hay đồ chơi để bé chơi mỗi khi ghiền bứt tóc. Cạo trọc… cũng chỉ là giải pháp tạm thời.