Chúng con muốn...

07/11/2013 03:05 GMT+7

Ngạc nhiên và có dịp nhìn lại chính mình là cảm xúc của các giáo viên khi nghe những cảm nhận từ học sinh .

Chúng con muốn...
Trao đổi, lắng nghe học sinh, giáo viên sẽ hiểu hơn những mong muốn của học trò - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Lòng khoan dung, đủ kiên nhẫn...

Với học sinh, có khi không cần lời nói mà chỉ là cử chỉ, ánh mắt  cũng đủ thấy háo hức mỗi ngày đến trường và ngược lại. Đã có không ít giáo viên vì muốn làm tốt công tác giảng dạy mà quá gắt gao, khuôn mẫu, thiếu lắng nghe “tiếng lòng” của học sinh.

Tại diễn đàn “Học sinh nào cũng có quyền có giáo viên tốt”, một học sinh lớp 7 Trường THCS Lý Phong (Q.5, TP.HCM) cho rằng: “Giáo viên cần có lòng khoan dung, đủ để lắng nghe, tha thứ, đủ kiên nhẫn răn dạy trò yếu, ngỗ nghịch”. Học sinh này cho biết về giáo viên của mình: “Trong vai trò chủ nhiệm, cô rất dễ nhưng đôi lúc chưa lắng nghe hết ý kiến và cảm nhận của chúng em. Vào giờ học toán, chúng em thường phải làm theo khuôn mẫu, ít sáng tạo như các môn khác. Cho nên đôi khi trở nên nhàm chán khiến chúng em cảm thấy mệt mỏi. Nếu như cô có chút thay đổi thì tiết học sẽ tốt hơn”.

Hay đơn giản như câu nói của một học sinh lớp 1 Trường tiểu học Lê Ngọc Hân (Q.1, TP.HCM) chứa đựng so sánh và mong ước sự thay đổi về phương pháp giảng dạy mà lứa tuổi này chưa biết gọi tên: “Con muốn ở nhóm A vì cô giáo của các bạn vừa dạy tiếng Anh vừa cho tập vẽ”. Tương tự, Trần Bạch Trâm Anh, học sinh THCS tại Q.5 đưa ra một dẫn chứng: “Em thường gặp khó khăn khi vượt qua những cấu trúc ngữ pháp của môn tiếng Anh. Thế nhưng từ khi cô K.N dạy, bên cạnh việc giải thích, giảng nghĩa cô còn kể cho chúng em nghe những điều lý thú của cuộc sống xung quanh bằng tiếng Anh, điều này đã giúp chúng em hiểu bài hơn. Từ đó em thấy yêu thích, thoải mái, có tinh thần học tập và phát huy khả năng sáng tạo”.

Tâm tư của một học sinh tiểu học tại Q.Tân Bình về thái độ của giáo viên trong giờ học mỹ thuật đáng để giáo viên suy nghĩ: “Sao cô không nhẹ nhàng chỉ ra chỗ sai, hướng dẫn những màu sắc phù hợp mà cứ thẳng thừng chê “xấu quá, xấu quá, vẽ lại” làm cho tụi em không còn hứng thú”.

Từ 4 năm nay, Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1, TP.HCM) có hộp thư “Điều em muốn nói”. Ngoài những tâm tư, suy nghĩ về áp lực học tập, ứng xử, nhiều học sinh đã có những mong ước thật giản dị: “Cô ơi, con thấy phòng vệ sinh trên lầu, dãy phía sau, không có giấy vệ sinh, vòi nước lại bị hư, cửa bị bể. Nếu được, cô có thể kêu gọi ba mẹ của tụi con cùng chung tay làm sạch nhà vệ sinh cho con, thay mấy vòi rửa vệ sinh nha cô”. 

Giúp học sinh có niềm tin

Qua mong muốn của học sinh, nhiều giáo viên đã giật mình. Giáo viên Trịnh Thị Kim Chi, Trường THCS Lý Phong (Q.5, TP.HCM), nhìn nhận: “Đôi lúc giáo viên không đủ bình tĩnh và kiên nhẫn trong cách ứng xử. Đã lấy quyền của người lớn áp đặt học sinh, giao và yêu cầu phải làm hết bài tập về nhà mà quên rằng các em còn phải học nhiều môn khác”.

Để tạo cơ hội cho giáo viên có nhiều dịp nhìn lại, mỗi lớp học của Trường tiểu học Hiệp Tân (Q.Tân Phú, TP.HCM) đều có hộp thư để hằng ngày học sinh gửi gắm tâm tư. Bà Mai Thị Kim Phượng, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Học sinh tiểu học còn nhiều e dè, nhút nhát, nhiều khi không dám thổ lộ trực tiếp với cô giáo. Với hộp thư này, các em có thể thoải mái gửi đến cô của mình những mong muốn về trường, về lớp, về bài giảng...”. Đánh giá về việc làm này, bà Lâm Hồng Lãm Thúy, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Thái Học (Q.1, TP.HCM) nói: “Thông qua tâm sự của học sinh, giáo viên sẽ nhìn lại mình. Nếu những việc làm, hành động, lời nói của mình được học sinh yêu thích thì có đà phát huy, sáng tạo thêm. Ngược lại, nếu còn làm trò buồn, chưa tạo động lực học tập thì phải kịp thời điều chỉnh”.

Môi trường học đường không chỉ để đến lĩnh hội tri thức mà còn là nơi nuôi dưỡng và phát triển nhận thức, tâm hồn và tình cảm của học sinh. Vì vậy, bên cạnh việc truyền đạt kiến thức, giáo viên và học sinh phải hiểu nhau, tạo một môi trường thân thiện. Làm thế nào để mong muốn sau đây của một học sinh Trường THCS Lê Văn Tám (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) không chỉ là hy vọng viển vông. Học sinh này viết: “Trong dạy học, giáo viên chăm lo dạy dỗ tận tâm là điều mà chúng em cần, nhưng quan trọng là thầy cô hãy suy nghĩ, dành thời gian quan tâm đến những ưu khuyết điểm để học sinh có niềm tin trước mỗi sự thay đổi”.

Bích Thanh

>> Giáo viên 'bảo' học sinh nhảy lầu vì không chép phạt?
>> 3.966 mũ bảo hiểm cho học sinh và giáo viên
>> Khi giáo viên giữ lời hứa
>> Giáo viên không được làm thay học sinh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.