Chung cư cháy, thoát hiểm thế nào: Kiến trúc sư đưa giải pháp an toàn cho mọi người

Phạm Hữu
Phạm Hữu
30/06/2024 19:46 GMT+7

Với các căn hộ chung cư cũ hiện nay, điều kiện an toàn về PCCC vẫn còn nhiều hạn chế, do đó, cư dân cần thiết kế, bố trí một cách hợp lý để dễ dàng thoát hiểm khi không may xảy ra cháy.

Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra những vụ cháy với những căn nhà ống lẫn chung cư và để lại hậu quả vô cùng nặng nề. Đặc biệt ở Hà Nội và TP.HCM là hai đô thị lớn nhất nước, có mật độ nhà ở dày đặc, nên nguy cơ cháy luôn tiềm ẩn, đặc biệt trong mùa nắng nóng.

Cũng như các loại nhà ống, nằm mặt phố, thì với các căn hộ chung cư kín kẽ, ít lối thoát nên khi đám cháy bùng lên nạn nhân rất khó tìm đường để thoát ra ngoài. Do đó, Ths. KTS Trương Ngọc Quỳnh Châu, Giảng viên ngành kiến trúc, Khoa Kiến trúc – Mỹ thuật, Trường ĐH Công nghệ TP. HCM có một vài chia sẻ.

Căn hộ chung cư có ít lối thoát hiểm

Theo đó, KTS Quỳnh Châu dẫn lại thống kê từ báo chí vào năm 2023 của UBND TP.HCM có khoảng 1.635 chung cư trên địa bàn, trong đó có 744 chung cư xây dựng trước năm 1994 (khoảng 474 chung cư xây dựng trước năm 1975).

Các chung cư cũ có đặc điểm thấp tầng từ 2 - 5 tầng, mỗi đơn nguyên có từ 8 đến 20 căn hộ/tầng và không có tầng hầm. Hiện nay, các chung cư này đang trải qua quá trình kiểm tra, đánh giá chất lượng, niên hạn sử dụng, lập kế hoạch cải tạo hoặc xây mới để cải thiện chất lượng cuộc sống và tái thiết đô thị.

Chung cư cháy, thoát hiểm thế nào: Kiến trúc sư đưa giải pháp an toàn cho mọi người- Ảnh 1.

Chung cư cũ ở TP.HCM hiện nay

Phạm Hữu

Nhìn chung những chung cư này thiết kế theo tiêu chuẩn cũ không còn phù hợp với quy mô dân cư sinh sống như hiện nay, có giếng trời giữa các căn hộ, cầu thang bộ đặt trong nhà để hở.

Còn các chung cư mới hiện nay đa số là chung cư cao tầng, có tầng hầm để xe, hệ thống kỹ thuật công trình phức tạp hơn và tích hợp nhiều tiện ích trong một tòa nhà. Công năng theo phương đứng cơ bản gồm hầm để xe, khối đế thương mại dịch vụ, khối cao tầng là căn hộ.

Theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư có các quy định về kiến trúc như: Căn hộ phải có tối thiểu một phòng ở và một khu vệ sinh, diện tích sử dụng tối thiểu của căn hộ không nhỏ hơn 25 m². Đối với dự án nhà ở thương mại, tỷ lệ căn hộ chung cư có diện tích nhỏ hơn 45 m² không vượt quá 25% tổng số căn hộ chung cư của dự án. Căn hộ phải được chiếu sáng tự nhiên, căn hộ từ 2 phòng ngủ trở lên cho phép một phòng không có chiếu sáng tự nhiên. Phòng ngủ phải có diện tích sử dụng không nhỏ hơn 9 m². Đối với căn hộ không có ban công hoặc lô gia, phải bố trí tối thiểu 1 cửa sổ ở tường mặt ngoài có kích thước lỗ cửa thông thủy không nhỏ hơn 600x800mm phục vụ cứu nạn, cứu hộ. Bên cạnh đó, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình, khi thiết kế chung cư cũng có các quy chuẩn đáp ứng các yêu cầu cơ bản.

Với lối thiết kế, bài trí nội thất cơi nới xây thêm lồng sắt phía ban công có làm hạn chế gì đến việc thoát nạn khi có cháy không. KTS Châu nói rằng đối với chung cư cũ, vật liệu nội thất và hệ thống điện đã xuống cấp, không còn phù hợp với các thiết bị chịu tải lớn (bếp điện, máy nước nóng/lạnh, tủ lạnh…) điều này dễ sinh ra chập điện, cháy nổ.

    1. Bình tĩnh và đánh giá tình hình để tìm lối thoát gần nhất.
    2. Sử dụng lối thoát hiểm chính vì thang máy có thể bị hỏng hoặc ngắt điện khi có cháy.
    3. Lánh nạn ở ban công hoặc lô gia, đóng cửa để ngăn khói và chờ đợi cứu hộ.
    4. Gọi cứu hộ 114 để thông báo vị trí và tình hình.
    5. Dùng mặt nạ chống khói để bảo vệ hô hấp trong khi tìm lối thoát.
    6. Làm ướt khăn che mặt để tránh hít phải khói độc nếu không có mặt nạ chống độc.
    7. Di chuyển thấp qua khu vực có khói hoặc bò sát sàn để tránh khói độc.
    8. Không dùng thang máy vì có thể bị ngắt điện hoặc bị kẹt trong lúc cháy.
    9. Tháo dỡ lồng sắt ở ban công và nên có cửa mở được để dễ dàng thoát hiểm.
    10 Chuẩn bị sẵn kế hoạch thoát hiểm cùng các thành viên trong gia đình.

Một số chung cư cũ không có ban quản trị, ban quản lý nên chủ nhà tự ý cơi nới ban công và che chắn kín lại bằng khung sắt, không bố trí ô cửa sắt mở được, dẫn đến không có lối thoát hiểm. Ngoài ra, một số căn hộ tầng 1 lấn chiếm không gian phía trước để buôn bán cũng gây khó khăn cho lực lượng cứu hỏa tiếp cận công trình.

Chung cư cháy, thoát hiểm thế nào: Kiến trúc sư đưa giải pháp an toàn cho mọi người- Ảnh 2.

Theo KTS hầu hết các căn hộ chung cư chỉ có 2 lối dẫn ra ngoài là cửa chính và ban công

Phạm Hữu

Cũng theo KTS Châu một căn hộ cơ bản hiện nay được thiết kế gồm 1 cửa chính, 1 ban công/lô gia chính thường gắn với phòng khách hoặc phòng ngủ (trừ căn hộ góc) và 1 lô gia phục vụ (dùng để phơi đồ và bố trí cục nóng máy lạnh). Lô gia phục vụ thường lùi sâu vào trong công trình do đó không là ưu tiên nghĩ đến khi thoát hiểm mà chỉ có thể thoát hiểm bằng lối cửa chính hoặc từ ban công/lô gia chính.

Nếu có sự cố cháy nổ gần cầu thang thoát hiểm và không thể thoát hiểm được từ cửa chính thì ban công/lô gia là nơi có thể lánh nạn và báo hiệu cho bên ngoài vị trí để cứu hộ. Khó có thể thay đổi đặc điểm thiết kế này của căn hộ chung cư. Chúng ta chỉ có thể bổ sung, hướng dẫn chi tiết hơn các yêu cầu trong tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng cháy chữa cháy, kiểm tra và xử lý các công trình vi phạm quy định về cháy nổ.

Cần tháo dỡ các không gian cơi nới…

KTS Châu chia sẻ đối với những chung cư chưa đảm bảo yêu cầu PCCC thì cần cải tạo lại nhằm đảm bảo đủ điều kiện an toàn cho người sinh sống. Giải pháp đó là tháo dỡ các không gian cơi nới của các căn hộ như vị trí ban công, giếng trời chung, khe thông gió cho hành lang…

Chung cư cháy, thoát hiểm thế nào: Kiến trúc sư đưa giải pháp an toàn cho mọi người- Ảnh 3.

Nhiều hộ ở chung cư lắp đặt lồng sắt bao quanh ban công và cửa sổ

Phạm Hữu

Cần bố trí thêm lối thoát hiểm như lắp thêm cầu thang sắt ở bên ngoài, hành lang, cửa thoát hiểm thay mới bằng vật liệu chống cháy, kiểm tra/bố trí thêm họng nước cứu hỏa, thiết bị PCCC tại vị trí các tầng. Đối với các chung cư thấp tầng hoặc căn hộ ở tầng thấp nên khuyến nghị các hộ dân trang bị thêm thang dây.

Các chung cư không có lối thoát hiểm đảm bảo an toàn theo quy định thì bố trí thêm không gian lánh nạn khẩn cấp, trong đó trang bị các thiết bị y tế, mặt nạ chống khí độc, bình chữa cháy. Lắp đặt hệ thống báo cháy, sơ đồ thoát hiểm, kiểm tra, thay mới hệ thống điện trong căn hộ. Dùng vách đặc ngăn cháy loại 1, ngăn chia phần buồng thang từ tầng hầm lên với buồng thang từ các tầng trên xuống.

Trong căn hộ chung cư cháy nổ thường xảy ra nhất từ sự cố chập điện từ thiết bị điện như: bếp điện, lò vi sóng, tủ lạnh, tivi, điện thoại, thiết bị sạc, bình nóng lạnh… Ngoài ra còn có bếp gas, bình ắc quy hay từ việc thờ cúng. Từ đây, lửa sẽ lan ra theo các vật dụng nội thất như tủ, giường, bàn ghế, nệm, rèm cửa…

Chung cư cháy, thoát hiểm thế nào: Kiến trúc sư đưa giải pháp an toàn cho mọi người- Ảnh 4.

Cần thiết kế, cải tạo lại nội thất đảm bảo đủ khoảng cách nhất định giữa nội thất dễ cháy với các thiết bị điện sinh nhiệt cao

Phạm Hữu

Do đó, cần thiết kế, cải tạo lại nội thất đảm bảo đủ khoảng cách nhất định giữa nội thất dễ cháy với các thiết bị điện sinh nhiệt cao. Cụ thể hơn là không để vật dụng dễ cháy gần bộ phận tản nhiệt của bếp, kệ gỗ không kê sát tủ lạnh, cần tạo khoảng hở theo quy định nhà sản xuất... Với những nhà chung cư nếu lắp lồng sắt an ninh ở ban công, nên tháo dỡ hoặc tạo cửa để dễ dàng thoát hiểm khi có cháy xảy ra.

Sử dụng vật liệu chống cháy như: vách ngăn, cửa, sàn gỗ, tấm thạch cao, sơn chống cháy… Lối đi lại giữa không gian trong căn hộ cần thông thoáng, không bố trí đồ nội thất chắn ngang. Đồng thời, dọc các lối đi nên bố trí bình chữa cháy, mặt nạ lọc khí độc. Tại ban công/lô gia chủ nhà thường bố trí cây xanh, bể cá, bàn ghế ngồi thư giãn nhưng lưu ý nên chừa khoảng trống thông thoáng đủ để các thành viên trong gia đình lánh nạn, dễ dàng thoát hiểm, cũng như thuận lợi cho việc cứu hộ từ bên ngoài vào.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.