Sứ mệnh của “vệ tinh tình dục” nhằm nghiên cứu quy trình sinh sản trên quỹ đạo đã chấm dứt với cái chết hàng loạt của tắc kè, nhưng vi khuẩn chịu nhiệt bằng cách nào đó vẫn sống sót và sinh sôi.
Các “phi hành gia” tắc kè đã chết sạch và Nga đang điều tra nguyên nhân - Ảnh: Roscosmos |
Cơ quan Không gian Liên bang Nga (Roscosmos) hồi tháng 7 đã gửi một lô hàng đặc biệt theo vệ tinh Foton-M lên quỹ đạo địa cầu hồi tháng 7, mang theo tắc kè đực lẫn cái, ruồi và vi khuẩn. Mục tiêu của sứ mệnh này là nhằm quan sát hành vi sinh sản trong điều kiện vi trọng lực, nên được đặt biệt danh là “vệ tinh tình dục”. Bên cạnh đó, sứ mệnh này cũng nghiên cứu mức độ ảnh hưởng của bức xạ vũ trụ đối với giống và trứng sâu bướm. Hồi tháng trước, Phó thủ tướng Nga Dmitry Rogozin hồ hởi thông báo trên Twitter: “Vệ tinh Foton-M và phi hành đoàn của nó đã quay về trái đất”, nhưng thông tin chính xác về số phận của chúng chỉ mới được chính thức công bố trong tuần qua.
Sau gần 6 tuần chu du ở độ cao 563 km và quá trình ma sát nảy lửa khi quay lại tầng khí quyển, một chủng vi khuẩn chịu nhiệt vẫn bám trụ dù được đặt bên ngoài vệ tinh, trong khi toàn bộ các “hành khách” khác ở bên trong một phòng thí nghiệm nhỏ đều thiệt mạng. “Chúng tôi đã có thể chứng minh được rằng một trong những chủng vi khuẩn chịu nhiệt có thể sống sót trên bề mặt của một thiên thạch trong chặng đường xuyên khí quyển trái đất”, theo Thông tấn xã Tass ngày 18.10 dẫn lời chuyên gia Alexander Slobodkin của Viện Y sinh thuộc Học viện Khoa học Nga. Theo Slobodkin, một vài chủng khác cũng thuộc dòng vi khuẩn chịu nhiệt và bào tử đã không thể sống nổi, và số tế bào còn sống không đến 100. Tuy nhiên, một khi tồn tại được, những cá thể hết sức kiên cường này đã bắt đầu sinh sôi trong dung dịch dinh dưỡng.
Vào tháng 10, Roscosmos tuyên bố các phi hành gia đã tìm thấy vi khuẩn và ADN của phiêu sinh vật chỉ có ở biển Barents trên bề mặt của Trạm không gian quốc tế (ISS), xác nhận giả thuyết cho rằng các sinh vật siêu vi có thể sống sót trong điều kiện vi trọng lực. Trên thực tế, các vi khuẩn vẫn sống sót sau chuyến hành trình xuyên khí quyển khi bám vào thành vệ tinh Bion-M1 của Nga đã cung cấp nền tảng cho cuộc thí nghiệm trên Foton-M4. “Một chủng vi khuẩn chịu nhiệt đã tìm cách quay lại bề mặt địa cầu, do vậy chúng tôi đã nắm trong tay chứng cứ rõ ràng về giả thuyết tha sinh”, theo nhà nghiên cứu Vladimir Sychyov của Học viện Khoa học Nga. Giả thuyết tha sinh cho rằng sự sống được phân phát khắp vũ trụ nhờ vào các vi khuẩn trên đá vũ trụ.
Bình luận (0)