Đến hôm qua, đã có 18 người tử vong và hơn 2.000 người nhiễm vi khuẩn E.coli enterrohemorragic (EHEC). Các trường hợp nhiễm EHEC đã lan khắp châu u và vào hôm 2.6, Mỹ cũng ghi nhận 3 ca đầu tiên. EHEC là một dòng của khuẩn E.coli có thể dẫn đến hội chứng tán huyết - tăng urê máu (HUS) gây suy giảm chức năng thận và xuất huyết đường tiêu hóa. Đáng lo ngại hơn, tờ Le Figaro dẫn báo cáo của Viện Gien Bắc Kinh (BGI) và Đại học Hambourg - Eppendorf (Đức) cho biết khuẩn EHEC đang hoành hành tại châu u là một chủng mới có độc tính rất mạnh.
Kết quả giải mã một phần bản đồ gien của vi khuẩn này cho thấy chúng được lai giữa 2 chủng O104 và EAEC 55989 đều rất hiếm và nguy hiểm. Chủng O104 trước đây chỉ được ghi nhận một lần duy nhất tại Hàn Quốc vào năm 2005, còn chủng EAEC 55989 từng xuất hiện ở Cộng hòa Trung Phi. Việc kết hợp giữa 2 chủng này có thể là nguyên nhân chính khiến dịch bệnh lan nhanh và gây nên những triệu chứng nghiêm trọng hơn thông thường.
Tại Hamburg, “trung tâm” của dịch bệnh, một số bệnh viện không đủ máy lọc máu cho bệnh nhân suy thận do hội chứng HUS. Reuters dẫn lời chuyên gia Robert Tauxe thuộc Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ nhận định: “Chúng tôi chưa hiểu vì sao chúng lại “lì lợm” đến thế”. Rất nhiều loại thuốc kháng sinh đã vô hiệu trước chủng khuẩn mới này. Phát ngôn viên Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Gregory Hartl tuyên bố “loại vi khuẩn đang lây lan tại châu u chưa từng xuất hiện trong trận dịch nào trước đây”. Các nhà khoa học hy vọng việc khám phá ra “gia phả” của chủng khuẩn mới sẽ giúp hiểu được cơ chế hoạt động của chúng và điều chế thuốc kháng sinh thích hợp.
Mò kim đáy bể
Dưa chuột Tây Ban Nha đã được xác nhận không phải nguồn gây bệnh, khiến các nhà nghiên cứu phải nỗ lực lại từ đầu để tìm ra nguồn lây lan khuẩn EHEC. Tuy nhiên, việc thực hiện sẽ cực kỳ khó khăn, thậm chí như “mò kim đáy bể” vì thị trường thực phẩm tươi tại châu u quá đa dạng.
Vi khuẩn EHEC có thể lây lan qua 3 đường chính: dùng thịt, đặc biệt là thịt bò hoặc rau củ chưa nấu chín; uống nước, sữa nhiễm khuẩn; tiếp xúc với gia súc hoặc bệnh nhân nhiễm khuẩn. Giới chức y tế châu u đang nỗ lực lấy mẫu nông sản đi xét nghiệm nhưng đến nay, nguồn bệnh vẫn còn là một ẩn số. Mặt khác, do đây là chủng khuẩn mới, các phòng thí nghiệm phải có các công cụ xét nghiệm hóa sinh đặc biệt để phát hiện chính xác.
Trong khi chờ đợi kết quả, vi khuẩn EHEC đang khiến nông dân châu u điêu đứng và gây ra một số căng thẳng về ngoại giao. Hôm 2.6, Nga chính thức ra lệnh ngưng nhập khẩu rau củ từ EU. Doanh số rau củ của châu u nhập khẩu vào nước này hằng năm khoảng 600 triệu euro. Moscow khẳng định chỉ dỡ bỏ lệnh cấm khi xác nhận được nguồn gốc chính xác của dịch bệnh. Đáp lại, EU cho rằng quyết định này không hợp lý và vi phạm luật của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Ngành nông nghiệp Tây Ban Nha hiện bị ảnh hưởng nặng nề nhất với doanh số giảm khoảng 200 triệu euro/tuần và 70.000 người có thể mất việc. Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm qua cho biết đang xem xét những giải pháp bồi thường cho nông dân Tây Ban Nha sau khi dưa chuột của họ bị Berlin nghi oan là nguồn lây bệnh.
Tình hình tại các nước châu u khác cũng không sáng sủa hơn khi rất nhiều người tiêu dùng đã gạch bỏ rau củ ra khỏi thực đơn hằng ngày. Dưa chuột, dù đã được “giải oan”, vẫn giảm doanh số 80-90% trong khi nhiều loại rau củ khác cũng sụt giá 20-30%.
Những yếu tố khiến thực phẩm nhiễm E.Coli Ông Nguyễn Đông Hải - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Viet Farm (Đà Lạt, Lâm Đồng), đơn vị chuyên sản xuất rau củ quả tham gia chuỗi thực phẩm an toàn, cho hay: “Vi khuẩn E.coli nhiễm vào các loại rau củ quả tươi, nhất là rau quả dùng ăn sống, qua nguồn nước tưới, môi trường đất trồng trọt ô nhiễm, sử dụng phân hữu cơ (phân bò, trâu, heo, hay phân người) không đúng, việc vận chuyển, bảo quản, chế biến thực phẩm không đạt vệ sinh...”. Ngay việc không dùng xe chuyên dụng mà sử dụng một chiếc xe để chuyên chở nhiều loại hàng hóa như vừa chở rau củ quả, vừa chở phân bón, dụng cụ trồng trọt... cũng là yếu tố khiến rau quả tươi sống nhiễm E.coli. Theo bác sĩ Trần Văn Ký thuộc Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm VN, biểu hiện thường gặp của nhiễm E.coli là rối loạn tiêu hóa, trường hợp nặng sẽ nhiễm trùng tiêu hóa, nhiễm độc, tiêu chảy cấp như tả, có trường hợp tiêu chảy ồ ạt gây mất nước nhanh dễ dẫn đến sốc, trụy tim mạch và tử vong nếu không được xử trí kịp thời. Ông Ký cho hay khuẩn E.coli dễ bị tiêu diệt ở nhiệt độ nóng (chỉ cần nấu sôi từ 70 độ C trở lên là diệt được). Tuy nhiên, phần lớn E.coli nhiễm trên rau quả, vốn thường được ăn sống. Để phòng bệnh do nhiễm E.coli cần giữ vệ sinh cá nhân, giữ bàn tay sạch, nhất là sau khi đi vệ sinh. Cần ăn chín, uống sôi và không ăn thức ăn ôi thiu. “Việc ngâm rau sống trong nước muối nhạt trước khi ăn không phải là điều kiện diệt E.coli hiệu quả”, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh. Thanh Tùng - Liên Châu |
Nguyễn Ngọc Lan Chi
Bình luận (0)