Trước hết, đó là lối chơi phòng ngự phản công được tổ chức rất khoa học. Họ luôn đặt mình ở thế cửa dưới so với bất cứ đối thủ nào từ Thái Lan, Singapore, Việt Nam, Myanmar và chủ động đá thấp, tận dụng cách chơi vây ráp đối thủ để tranh chấp giành giật từng đường bóng rồi triển khai nhanh để phản công.
Cách chơi này đòi hỏi thể lực mạnh mẽ, chấp nhận đeo bám đối phương để phá sức rồi tập trung đẩy cao đội hình khi cần thiết nhằm dồn ép ngược lại. Các trận vừa qua, U.22 Indonesia tuyệt đối trung thành với cách chơi này, bao giờ cũng đá với đội hình 4-1-4-1 và chỉ tận dụng thời cơ khi đối thủ mắc sai lầm.
|
Bàn mở tỷ số sớm trước Thái Lan, bàn thắng từ pha lóng ngóng của thủ môn Việt Nam Bùi Tiến Dũng hay các bàn trừng phạt Myanmar ở bán kết đều chung một kịch bản mà U.22 Indonesia tạo ra: phản công tốc độ, mạnh dạn xuyên phá, xử lý nhanh nhẹn và chớp thời cơ nhanh.
Để làm được như vậy, chất lượng đội hình phải cực tốt. U.22 Indonesia cho thấy họ có nhiều cầu thủ rất khỏe, dẻo dai, bước chạy luôn nhanh hơn đối phương. Chính sự năng động và đồng đều đó đã giúp U.22 Indonesia càng đá càng tự tin, đưa đối thủ vào áp lực và nôn nóng khi không thể áp đặt được lối chơi với họ. Như ở trận họ thua Việt Nam 1-2, dù cả hiệp 2 bị chúng ta vây ép nhưng U.22 Indonesia không hề bị hoảng loạn, không bị gãy kết cấu đội hình. Họ chỉ thua do cái đầu quá nhạy của Thành Trung và cú sút xuất thần của Hoàng Đức.
|
Nhưng từ thất bại đó cũng như 2 bàn bị Myanmar gỡ hòa liên tiếp gần cuối hiệp 2 trận bán kết, cho thấy Indonesia chưa tạo cho mình sự vững vàng một cách ổn định. Sự tỉnh táo trong lối chơi của Indonesia vẫn cần phải trui rèn vì cảm giác hưng phấn quá mức mà không có sự tiết chế phù hợp dễ dẫn đến phạm sai lầm cá nhân. Thủ môn Indonesia vốn gây thiện cảm bởi khả năng làm chủ khu 16 m 50 trước đó bao nhiêu thì 2 bàn thua chóng vánh ở bán kết cũng gây ra dấu hỏi lớn bấy nhiêu.
Bình luận (0)