Trong 12 lần góp mặt ở đấu trường Euro, có đến 6 lần đội Đức lọt vào chung kết (3 lần vô địch). Tương tự là 8 lần đá trận chung kết (4 lần vô địch) chỉ trong 16 lần tham dự World Cup (không tính nước Đức thời Hitler, đội tuyển CHLB Đức chỉ dự World Cup lần đầu tiên vào năm 1954).
Đấy hẳn nhiên là cường quốc bóng đá số 1 thế giới? Cũng tùy quan điểm, nhưng chắc chắn chỉ có Brazil may ra so đọ được với Đức. Và chi tiết duy nhất giúp Brazil cạnh tranh được với Đức về mặt thành tích là kỷ lục 5 lần vô địch World Cup.
tin liên quan
Hạ Nigeria, Đức gặp Brazil ở chung kết bóng đá nam Olympic 2016Lạ thay, cả hai nền bóng đá nổi tiếng nhất thế giới đều chưa bao giờ có HCV bóng đá nam ở đấu trường Olympic. Càng lạ hơn, khi nguyên nhân khiến Brazil và Đức đều chưa bao giờ vô địch Olympic chẳng phải là một sự tương đồng - mà là tương phản.
Brazil luôn khát khao săn lùng chiếc HCV bóng đá nam ở trận địa Olympic, vì đó là danh hiệu duy nhất mà nền bóng đá samba còn thiếu. Trong kỷ nguyên hiện đại, Brazil bao giờ cũng là ứng cử viên vô địch số 1 - vượt rất xa tất cả các đội còn lại trên sân chơi Olympic, nếu đánh giá trên thực lực. Tại Olympic Seoul 1988, Brazil có Bebeto, Romario, Jorginho, Ricardo Gomes, Mazinho, Claudio Taffarel!
Thời ấy chưa có quy định "U-23 + 3" cho đấu trường Olympic. Người ta chỉ cấm các cầu thủ chuyên nghiệp dự giải. Bóng đá Brazil (cũng như các nước Đông Âu) trong thập niên 1980 thật ra là "chuyên nghiệp trá hình", nên họ dễ dàng đưa các ngôi sao đến Olympic.
|
Nhưng Brazil vẫn không vô địch, và đấy là một bí ẩn. Đến khi đã có quy định "U-23 + 3" thì Brazil luôn là nước tuyển chọn đội hình kỹ nhất cho Olympic. Họ buộc Neymar phải hy sinh cả Copa America lẫn khúc dạo đầu mùa bóng 2016-2017 để dự giải Olympic năm nay, như mọi người đã biết. Hồi năm 1996, đội hình Brazil dự Olympic thậm chí có thể tranh ngôi vô địch World Cup! Đó là Dida, Aldair, Roberto Carlos, Juninho, Rivaldo, Bebeto, Ronaldo... Rút cuộc, cũng vẫn trắng tay!
Đức thì ngược lại. Họ đương nhiên không có hy vọng tranh tài trong thời kỳ Olympic chỉ dành cho cầu thủ nghiệp dư. Từ năm 1992, IOC quy định bóng đá Olympic là giải đấu của lứa tuổi U-23, cho phép mỗi đội có thêm 3 cầu thủ quá tuổi. Đức chẳng có hy vọng gì vì trong suốt hàng chục năm, nước Đức không hề ưu tiên phát triển bóng đá trẻ.
Một thời, các đội tuyển trẻ của Đức không hề tồn tại. Nếu có đội trẻ thì cũng chẳng có HLV trưởng! Thất bại liên tiếp của Mannschaft tại các kỳ Euro 2000, 2004, với đặc điểm rõ rệt nhất là sự già nua của đội tuyển, khiến giới quan sát trong làng bóng Đức phải kéo còi báo động.
|
Từ đó nước Đức mới chịu phát triển bóng đá trẻ, và gặt hái thành quả khi Mario Gotze và đồng đội vô địch World Cup 2014. Bất quá, đấy chỉ là sự chuyển mình trong vài năm nay. Cũng nhờ đã chịu khó phát triển bóng đá trẻ mà đây là lần đầu tiên đội Đức vượt qua vòng loại Olympic trong kỷ nguyên "U-23 + 3".
Đức không màng đến danh hiệu trong khi Brazil khao khát mãi vẫn chẳng có danh hiệu ở sân chơi Olympic! Bây giờ, lịch sử sẽ thay đổi khi Brazil và Đức gặp nhau trong trận chung kết Olympic Rio 2016. Thoạt nhìn, đây là kỳ Olympic "của Brazil". Nhưng đừng vội tiên đoán thành công cho Neymar và đồng đội. Như đã nêu trên: Đức mới là nền bóng đá số 1 thế giới về hiệu quả. Một khi họ đã góp mặt thì...
Bình luận (0)