Chung kết Champions League: Trận cầu đỉnh cao hay show diễn hoành tráng?

Tây Nguyên
Tây Nguyên
17/05/2019 13:30 GMT+7

Người hâm mộ bóng đá nổi tiếng với sự sáng tạo và cuồng nhiệt, họ chuyển thể những ca khúc làng nhàng thành những giai điệu không thể thiếu trong sân vận động, và khiến những sân cỏ buồn tẻ nhất cũng phải bừng sáng với cờ phướng, băng rôn… Trận chung kết Champions League cũng theo trào lưu này nhưng giờ lại là một câu chuyện khác.

Thật vậy, trên thực tế, những trận cầu đinh như chung kết Champions League, các trận đấu ở World Cup, ở EURO gần đây, sự cuồng nhiệt của người hâm mộ thường bị nhấn chìm nghỉm trong tiếng nhạc ầm ĩ và những thông báo cứ thỉnh thoảng rít lên chói tai, do những nhà tổ chức nắm thao túng bầu không khí trước trận đấu. Thế nên, việc UEFA mời ban nhạc tên tuổi biểu diễn trong phần ‘nghi lễ’ ngày càng hoành tráng trước trận chung kết Champions League năm nay đã gặp phải những phản ứng trái chiều.
Phần trình diễn của ban nhạc Black Eyed Peas 2 năm trước đã gây nên làn sóng chỉ trích trên mạng xã hội cũng như những nỗi lo ngại không biết những tiết mục ăn theo các trận đấu bóng đá quan trọng sẽ còn đi xa tới đâu. Nó khác xa với cái không khí của những ngày xa xưa, khi sân vận động im ắng sẽ dần dần ồn ào lên khi người hâm mộ tiến vào sân, và đỉnh điểm là cả sân như gầm lên để cổ vũ cho đường phát bóng đầu tiên.
Ca sĩ Dua Lipa thu hút sự quan tâm của người hâm mộ với màn biểu diễn trước trận chung kết Liverpool - Real Madrid ở Champions League năm ngoái REUTERS
Thế thì suy nghĩ phía sau việc mời ban nhạc tên tuổi là gì? Giám đốc tiếp thị của UEFA Guy-Laurent Epstein nói rằng, đối với trận chung kết Champions League, ý tưởng là thu hút một số lượng khán giả đông đảo hơn là lượng người xem một trận đấu bình thường. “Ranh giới giữa giải trí và bóng đá đã trở nên rất mờ nhạt, đặc biệt là khi nói về một trận chung kết không chỉ thu hút CĐV của các CLB mà cả người hâm mộ bóng đá nói chung, và thậm chí là cả những đối tượng khán giả rộng rãi hơn”, ông Epstein trả lời phỏng vấn của Reuters.
“Không thể so sánh trận chung kết Champions League với trận đấu của bất kỳ giải vô địch quốc gia nào; đối tượng khán giả rất đa dạng vì trận đấu diễn ra trên sân trung lập, sẽ có khán giả trung lập, CĐV của cả hai CLB với số lượng tương đương, thế nên bầu không khí sẽ khác”, quan chức này nói thêm. Giám đốc tiếp thị của UEFA nói rằng màn biểu diễn của ca sĩ Dua Lipa trong trận chung kết ở Kiev (Ukraine) hồi năm ngoái chính là nội dung trên mạng xã hội của UEFA được nhiều người xem nhất từ trước đến nay của UEFA.
Năm nay, ban nhạc đoạt giải Grammy là Imagine Dragons sẽ biểu diễn trước trận Liverpool - Tottenham trên sân Wanda Metropolitano ở Madrid (Tây Ban Nha), trong một chương trình mà UEFA hứa hẹn “sẽ có những tiết mục chưa từng có trước đây trong một trận chung kết UEFA Champions League”.
CĐV đang háo hức chờ đợi trận chung kết Champions League năm nay giữa Liverpool - Tottenham AFP
“Không chỉ dành cho hai đội đấu trận chung kết và người hâm mộ có mặt trên sân, mà còn dành cho khán giả trên toàn thế giới”, Epstein nói. Quan chức này nói rằng thể thao và giải trí đang ngày càng gần nhau hơn và “cạnh tranh để giành cùng một thời gian lên sóng”. “Điều đó sẽ đa dạng hóa đối tượng khán giả, làm cho ngày càng có nhiều phụ nữ xem bóng đá. Nỗ lực thu hút một lượng lớn khán giả không thuộc các CLB người hâm mộ… đó thật sự là mục tiêu”.
Mark Kirkham, phụ trách marketing khu vực Tây Âu của Pepsi, chỉ ra rằng màn biểu diễn của Dua Lipa trước trận chung kết Liverpool-Real Madrid hồi năm ngoái rất phổ biến đối với CĐV của đội bóng Anh. “Nếu xem lại màn trình diễn hồi năm ngoái, sẽ thấy các cổ động viên cùng hát theo - một khoảnh khắc rất văn hóa. Chúng ta mới bắt đầu được 4 năm. Tôi cho rằng điều đó đang bắt đầu mang đến một lượng khán giả mới, đồng thời cũng mở rộng đối tượng khán giả và lan truyền niềm đam mê bóng đá”, Kirkham nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.