Tại Phố Wall (Mỹ), chỉ số thị trường S&P 500 giảm mạnh 2,7%, chốt phiên cuối tuần ở mức 1.154,23 điểm. Dow Jones Industrial bị đánh tuột khỏi mốc 11.000 điểm khi nhận tới 303,68 điểm trừ, tương đương giảm 2,7% so với phiên trước đó, chốt phiên ở mức 10.992,1 điểm. Nasdaq Composite dành cho các công ty công nghệ giảm 2,4%, xuống còn 2.467,99 điểm.
Trong tuần này, với 4 phiên giảm và 1 phiên tăng, S&P 500 đã giảm tổng cộng 1,7%, đây là tuần thứ 2 liên tiếp chỉ số đại diện cho sức mạnh của thị trường chứng khoán Mỹ mất điểm.
Hiện S&P 500 đang giữ mức chốt phiên thấp nhất kể từ 22.8 tới nay. Dow Jones Industrial, chỉ số một thời là thước đo của thị trường Mỹ, cũng giảm tổng cộng 2,2% trong tuần vừa qua.
Chính phủ Đức cho biết đang chuẩn bị kế hoạch giúp các ngân hàng trụ vững phòng trường hợp Hy Lạp, quốc gia châu u đầu tiên rơi vào khủng hoảng nợ công, sẽ thực sự vỡ nợ.
Thông tin này không được giới đầu tư chào đón nồng nhiệt mà thay vào đó đã gây nên một phần tâm lý bi quan trong những người này.
Theo nhận định của chuyên gia kinh tế Jason Hsu, Trưởng bộ phận đầu tư của Research Affiliates (trụ sở tại California, Mỹ), thị trường chứng khoán thế giới hiện ở vào tình trạng rất dễ dao động. Một tin tức kinh tế khả quan có thể kéo thị trường tăng tốc nhanh chóng nhưng ngay sau đó, bất cứ một phản hồi bi quan nào về đà phục hồi kinh tế thế giới cũng có thể đẩy thị trường lao dốc.
Trong phiên này, cổ phiếu của các công ty tài chính giảm mạnh nhất trong các nhóm ngành đóng góp vào S&P 500, giảm 2,6%. Nhóm cổ phiếu của các công ty sản xuất nguyên vật liệu thô giảm 2,4%, đứng thứ 2.
Cổ phiếu của JPMorgan Chase giảm mạnh 7,4% trong phiên này, cổ phiếu Bank of America giảm 3,7%. Cổ phiếu Alcoa giảm 3,8%.
* Tại châu u, chỉ số STXE 600 chung cho toàn khu vực giảm 2,55% trong phiên cuối tuần. Tổng kết tuần này, STXE 600 giảm tổng cộng 3,7%, xuống còn 224,59 điểm. Đây là tuần đầu tiên trong vòng 3 tuần qua, chỉ số này để mất điểm mạnh như vậy.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, việc quan chức các nước châu u gần như “bất lực” trong việc ngăn chặn, khống chế sự lan rộng của khủng hoảng nợ công cũng như những tác động tiêu cực của nó tới đà phục hồi kinh tế thế giới là nguyên nhân chính khiến thị trường chứng khoán mất điểm. Giới đầu tư giữ tâm lý bi quan với các cổ phiếu đang nắm giữ.
Toàn bộ các thị trường thành viên đều giảm mạnh trong phiên cuối tuần và buộc phải ghi nhận tuần giảm điểm.
* Tại châu Á, sau hai tuần tăng điểm, chỉ số MSCI Asia Pacific đã giảm mạnh 2,7% trong tuần này khi kinh tế Mỹ, nền kinh tế số 1 thế giới bị dự đoán có nguy cơ cao rơi trở lại suy thoái, trong khi đó, giới chức châu u có thể thất bại trong việc ngăn chặn khủng hoảng nợ công.
Thu Hạnh
(Theo Bloomberg, Reuters)
Bình luận (0)