Chứng khoán không phải là "phong trào"

10/05/2006 00:06 GMT+7

Hôm qua 9/5, giá của tất cả các loại chứng khoán trên thị trường chứng khoán Việt Nam đều giảm kịch sàn. Đây là phiên thứ 3 liên tiếp giá giảm rất mạnh, chỉ số VNIndex giảm tới 27,85 điểm (4,85%) - mức giảm lớn nhất trong nhiều tháng gần đây.

Trong nhiều tháng gần đây, lượng cầu về cổ phiếu vốn vượt cung nhiều lần, song tại phiên giao dịch ngày 9/5, các nhà đầu tư lại chứng kiến một cú "lội ngược dòng" ngoạn mục: cung về cổ phiếu và chứng chỉ quỹ lớn gấp 7,7 lần so với nhu cầu. Màn hình giá trên bảng điện tử của tất cả các công ty chứng khoán đều "đỏ lòe" (biểu hiện của giá tụt dốc) mà theo như bình luận của một nhà đầu tư có thâm niên tại Công ty chứng khoán Thăng Long: "Một màu đỏ tang tóc, một cú sốc lớn đối với những nhà đầu tư mới gia nhập thị trường".

Trong số các chứng khoán giảm giá, phiên giao dịch ngày 9/5 có thể coi là một "cuộc tháo chạy" của các nhà đầu tư đối với chứng chỉ quỹ VF1. Lượng chào bán với giá sàn của VF1 lên tới 1,27 triệu đơn vị - mức kỷ lục kể từ khi VF1 được đưa vào giao dịch, song lượng mua VF1 chỉ khoảng 1/10.

Theo đánh giá của các chuyên gia về chứng khoán, việc giá của tất cả các loại chứng khoán bất kể tốt xấu đều giảm kịch sàn với lượng bán ra tăng đột biến là biểu hiện của tình trạng "tâm lý xấu, lan truyền nhanh" giữa các nhà đầu tư: trước đây là mua cho bằng được còn bây giờ là bán cho bằng được. Một chuyên gia về phân tích chứng khoán tại Hà Nội nhận xét, TTCK đang chuyển từ "sốt nóng" (cầu lớn hơn nhiều lần cung) sang "sốt lạnh" (cung lớn hơn nhiều lần cầu). Ông này gọi đây là sự mở màn của một cuộc tháo chạy đối với những nhà đầu tư non nớt, mới gia nhập TTCK.

Bình luận về hiện tượng tháo chạy khỏi chứng khoán trong phiên giao dịch 9/5, giám đốc một công ty chứng khoán tại Hà Nội nhận xét: "Khi giá cổ phiếu lên, không một chuyên gia chứng khoán nào có thể đưa ra một phân tích chính thống hợp lý thì khi giá xuống cũng vậy. Thị trường bị điều khiển bởi yếu tố tâm lý nên ngày đẹp trời thì giá lên, ngày xấu trời thì giá xuống. Giá vẫn có thể tiếp tục giảm trong những phiên tới nếu vẫn là ngày xấu trời". Định nghĩa "ngày xấu trời" là ngày tâm lý của nhà đầu tư bất ổn, ông này đưa ra lời khuyên: "Nếu bạn tiếp tục đầu tư  chứng khoán theo kiểu "tôi mua do thấy những người khác cũng mua" thì có ngày bạn sẽ lãnh hậu quả nặng nề. Đầu tư chứng khoán đòi hỏi sự nghiên cứu và quyết định chín chắn chứ không đơn thuần là một quyết định theo kiểu phong trào".

Hoàng Ly

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.