(TNO) Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần (rạng sáng 7.7, giờ VN), đồng thời khép lại tuần giao dịch đầu tiên của tháng 7.2012, thị trường chứng khoán thế giới ghi nhận sự giảm điểm của hầu hết chỉ số lớn khắp từ châu Á, châu u sang tới Mỹ. Nguyên nhân là thông tin việc làm cộng với những nỗ lực giải quyết khủng hoảng nợ công liên tiếp đã làm giới đầu tư thất vọng.
Tổng kết phiên cuối tuần, chỉ số S&P 500 giảm 0,9%, xuống còn 1.354,68 điểm. Như vậy, trong tuần này, chỉ số S&P 500 đã để mất 0,6% tổng số điểm, khiến cho mức tăng từ đầu năm nay giảm xuống còn 7,7%.
Tuần trước, S&P 500 đã gây ấn tượng bởi thành tích tăng 2% trong cả tuần.
|
Chỉ số Dow Jones Industrial khép lại tuần giao dịch đầu tiên của tháng 7.2012 với 12.772,47 điểm, giảm 1% trong phiên cuối tuần. Trong tuần, chỉ số này để giảm tổng cộng 0,8% số điểm.
Chỉ số Nasdaq Composite giảm 1,3% trong phiên này, xuống còn 2.937,33 điểm.
Nguyên nhân chính khiến thị trường chứng khoán Mỹ nói riêng, chứng khoán thế giới nói chung mất điểm trong phiên này là những thông tin về việc làm. Trong khi cam kết của G20 là sẽ hành động ưu tiên tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm chưa được hiện thực hóa thì báo cáo của Bộ Lao động Mỹ công bố tối qua (6.7, giờ VN) lại khiến giới đầu tư thất vọng.
Nhóm cổ phiếu công nghiệp và tài chính giảm mạnh nhất trong số các nhóm ngành đóng góp vào S&P 500 trong tuần này, với mức giảm hơn 1,2%.
Các mã blue-chip như cổ phiếu của JPMorgan Chase (JPM), cổ phiếu của Bank of America (BAC), cổ phiếu General Electric (GE) đều đứng đầu nhóm giảm trong phiên này.
* Tại châu u, chỉ số STXE 600 chung cho toàn khu vực giảm thêm 1% trong phiên cuối tuần và là phiên giảm điểm thứ ba liên tiếp.
Tổng cộng trong tuần, STXE 600 vẫn duy trì được mức tăng 1,3% và là tuần tăng điểm thứ 5 liên tiếp.
Tổng kết các thị trường thành viên trong phiên cuối tuần, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 0,53%, xuống còn 5.662,63 điểm; chỉ số CAC 40 của Pháp giảm 1,88%, chốt phiên ở mức 3.168,79 điểm; chỉ số DAX của Đức giảm 125,45 điểm, tương đương mức giảm 1,92%, xuống còn 6.738,9 điểm.
Chỉ số IBEX 35 của Tây Ban Nha giảm 3,1%; chỉ số FTSE MIB của Ý giảm 2,53%.
* Tại châu Á, chỉ số MSCI Asia Pacific giảm 0,5% trong phiên cuối tuần, ghi nhận phiên giảm thứ hai liên tiếp. Tổng kết tuần, chỉ số này vẫn duy trì mức tăng 1,1%.
Tổng kết các thị trường thành viên, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 0,65% xuống còn 9.020,75 điểm; HSI của Hồng Kông giảm 0,04%, xuống còn 19.800,64 điểm.
Chỉ số S&P/ASX 200 của Úc giảm 0,27%; chỉ số KOSPI của Hàn Quốc giảm 0,92%. Trong khi đó, chỉ số Shanghai Composite và CSI 300 của Trung Quốc lần lượt tăng 1,01% và 1,74%.
Tính từ đầu năm tới nay, chỉ số MSCI Asia Pacific đã tăng 4,5%; trong khi đó chỉ số STXE 600 của châu u đã tăng 5,1% và dẫn đầu là S&P 500 của Mỹ với mức tăng 8,8%.
Thu Hạnh
>> Giá dầu thô tăng gần 10%
>> Giá dầu thô tăng mạnh
>> Chứng khoán trái chiều phiên cuối tuần
>> Chứng khoán "xanh" trở lại
>> Giá vàng giảm còn 41,97 triệu đồng/lượng
Bình luận (0)