Đóng cửa sớm nhất, chứng khoán khu vực châu Á ghi nhận tuần giảm điểm thứ 2 trong tháng 7 của chỉ số MSCI Asia Pacific. Chỉ số này giảm thêm 1,6% trong phiên cuối tuần 29.7. Tuy nhiên, tổng kết tháng 7, MSCI Asia Pacific vẫn đạt mức tăng khả quan 2,6%.
Nguyên nhân chính khiến chứng khoán thế giới tiếp tục mất điểm trong phiên cuối tuần này là do thông tin từ Trung Quốc sẽ thắt chặt hơn các quy định cho vay tài chính đối với các chính quyền địa phương.
Trong khi đó, nội bộ chính phủ Mỹ vẫn đang “rối như mớ bòng bong” vì chưa thể đạt được bất kỳ thỏa thuận nào về việc tăng trần nợ công cho nước này.
Thông tin này đã khiến một bộ phận lớn các nhà đầu tư lo ngại nước Mỹ sẽ rơi vào cảnh “nợ nần” khi hạn chót ngày 2.8 qua đi.
Chứng khoán thế giới đỏ sàn trong phiên cuối tháng - Ảnh: Bloomberg |
Tại Nhật Bản, sau khi để mất mốc 10.000 điểm trong phiên 28.7, chỉ số Nikkei 225 tiếp tục giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp trong tuần này do các công ty công bố kết quả kinh doanh không được như mong đợi. Chỉ số Nikkei 225 giảm thêm 0,69% trong phiên 29.7, chốt phiên ở mức 9.833,03 điểm.
HSI của Hồng Kông trong phiên cuối tuần này cũng để mất thêm 130,49 điểm, tương đương giảm 0,58% so với phiên trước đó, chốt phiên ở mức 22.440,2 điểm. S&P/ASX 200 của Úc giảm 0,88% trong phiên cùng ngày.
Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite và CSI 300 lần lượt giảm nhẹ 0,26% và 0,3%. KOSPI của Hàn Quốc giảm 1,05%.
Tổng kết tuần cuối cùng của tháng 7, Nikkei 225 giảm mạnh tới 3%; KOSPI để mất tổng cộng 1,8% tổng số điểm; Shanghai Composite giảm 2,5%; S&P/ASX 200 giảm 3,9%. Riêng HSI của Hồng Kông không có biến động lớn trong tuần.
* Tại châu u, các chỉ số chứng khoán cũng đồng loạt giảm mạnh do tác động từ các thông tin từ Mỹ. Chỉ số STXE 600 chung cho toàn khu vực giảm 0,69% trong phiên 29.7 này.
Chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 0,99%, xuống chốt phiên ở mức 5.815,19 điểm; CAC 40 của Pháp giảm 1,07%, chốt phiên cuối tháng ở mức 3.672,77 điểm; DAX của Đức giảm 0,44%, xuống còn 7.158,77 điểm.
Chỉ số IBEX 35 của Tây Ban Nha giảm 0,27%; FTSE MIB của Ý giảm 0,67%; PSI General của Bồ Đào Nha giảm 0,11%; ISEQ của Ireland giảm 0,14%.
* Khép lại phiên giao dịch cuối tuần của chứng khoán thế giới, Phố Wall (Mỹ) cũng ghi nhận sắc đỏ ngập tràn trên bảng điện tử. Chỉ số thị trường S&P 500 giảm 0,7% trong phiên này, chốt phiên ở mức 1.292,28 điểm.
Trong tuần này, S&P 500 đã giảm tổng cộng 3,9%, góp phần đẩy chỉ số này giảm điểm tháng thứ 3 liên tiếp. Đây là chuỗi giảm tháng dài nhất đối với S&P 500 ghi nhận kể từ năm 2008.
Chỉ số Dow Jones Industrial mất 96,87 điểm, tương đương giảm 0,8%, xuống còn 12.143,24 điểm. Nasdaq Composite giảm 0,36%, xuống còn 2.756,38 điểm.
Liên tiếp những nỗ lực của Tổng thống Mỹ Barack Obama nhằm đạt được thỏa thuận tăng trần nợ công giữa các đảng phái nước này đều lần lượt thất bại là nguyên nhân chính khiến chứng khoán Mỹ liên tục đi xuống.
Cùng với đó, Bộ Thương mại Mỹ công bố tăng trưởng GDP của Mỹ trong quý 2 vừa qua đạt mức trung bình 1,3%. Con số đưa ra này thấp hơn mức kỳ vọng của các chuyên gia (1,8%) cũng phần nào gây thêm áp lực giảm điểm trên thị trường chứng khoán.
Viện Quản lý nguồn cung Mỹ (trụ sở tại Chicago) công bố chỉ số đầu tư kinh doanh tháng 7 của Mỹ giảm xuống còn 58,8 điểm, so với mức 61,1 điểm hồi tháng 6, đồng thời thấp hơn mức dự đoán của các chuyên gia (theo khảo sát của Bloomberg News).
Trong tuần này, nhiều nhà đầu tư Mỹ đã lo ngại nước Mỹ sẽ không vượt qua được trở ngại nợ công nên đã rút vốn ra khỏi các quỹ đầu tư trên thị trường tiền tệ, trong đó, phần lớn là rút vốn khỏi các quỹ đầu tư vào trái phiếu chính phủ Mỹ.
Cổ phiếu năng lượng và cổ phiếu của các công ty sản xuất nguyên vật liệu thô giảm mạnh nhất trong các nhóm ngành đóng góp vào S&P 500 phiên này. Nhóm cổ phiếu năng lượng giảm 1,2%. Cổ phiếu của Exxon Mobil giảm 2,1%; cổ phiếu của Southwestern Energy, nhà sản xuất khí tự nhiên lớn nhất tại Arkansas, đã giảm mạnh tới 6,1%, giảm mạnh thứ 2 trong số 500 mã niêm yết thuộc S&P 500.
Cổ phiếu của Newmont Mining, hãng khai thác và chế biến vàng lớn nhất nước Mỹ, đã giảm 3,7% sau khi công bố kết quả kinh doanh quý 2.2011 không đạt kỳ vọng của các chuyên gia.
Thu Hạnh
(Theo Bloomberg, Reuters)
Bình luận (0)