Tại Phố Wall (Mỹ), chỉ số S&P 500 tăng liên tiếp 4 phiên với mức tăng lớn nhất kể từ tháng 9.2010 (4,1%). Chốt phiên 30.6, chỉ số này đạt 1.320,64 điểm, tăng 1% so với phiên trước đó. So với đầu năm nay, S&P 500 hiện tăng 5%.
Dow Jones Industrial được cộng thêm 152,92 điểm, lên thành 12.414,3 điểm, tăng 1,3% so với phiên trước đó. Nasdaq Composite tăng 1,2%, lên mức 2.773,52 điểm. Trong tháng 6 này, Dow Jones đã giảm tổng cộng 1,2%. Chỉ số này hiện vẫn tăng 7,2% so với đầu năm nay.
Cổ phiếu nhóm ngành năng lượng, công nghệ và công nghiệp tăng tối thiểu 1,4%, dẫn đầu S&P 500 về mức tăng nhóm trong phiên cuối tháng này.
Theo nhiều nhà phân tích, việc chứng khoán Mỹ nói riêng, chứng khoán thế giới nói chung liên tiếp hồi phục không phải là điều quá bất ngờ khi vấn đề về Hy Lạp đang được giải quyết thuận lợi. Theo dự đoán của trưởng bộ phận đầu tư của quỹ UBS Wealth Management Americas (tại New York) Mike Ryan thì thị trường chứng khoán thế giới trong nửa cuối năm nay sẽ phát triển tốt.
Sau khi kế hoạch cắt giảm chi tiêu công và bán bớt tài sản quốc gia trị giá 78 tỉ euro của Thủ tướng George Papandreou được Quốc hội Hy Lạp thông qua thì quốc gia này gần như đã tràn trề hi vọng sẽ có thêm những sự trợ giúp tài chính từ quốc tế. Nguy cơ vỡ nợ đối với Hy Lạp tạm thời lắng xuống.
Cùng với đó, một vài thông tin khả quan về kinh tế Mỹ được công bố đã giúp chứng khoán tăng điểm thuận lợi hơn. Viện Quản lý nguồn cung (Chicago, Mỹ) cho biết chỉ số đo hoạt động sản xuất kinh doanh Mỹ trong tháng 6 đã tăng lên 61,1 điểm, so với mức 56,6 điểm đạt được hồi tháng 5. Con số này cao hơn nhiều mức kỳ vọng 54 điểm của các chuyên gia. Chỉ số niềm tin tiêu dùng tăng lên mức cao nhất trong 10 tuần qua.
* Tại châu u, chỉ số STXE 600 chung cho toàn khu vực tăng nhẹ 1,1% trong phiên cuối cùng của tháng. Tổng kết trong tháng 6, STXE 600 đã giảm tới 2,9% và giảm tổng cộng 1,1% trong quý 2 này. So với đầu năm 2011, chỉ số này hiện đã giảm 1,1%.
Toàn bộ các thị trường chứng khoán cấp quốc gia trong khu vực đều tăng điểm trong phiên này, mức tăng đồng đều. Cụ thể: chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 1,53%, lên thành 5.945,71 điểm; CAC 40 của Pháp tăng 1,48%, chốt phiên ở mức 3.982,21 điểm; DAX của Đức tăng 1,13%, lên thành 7.376,24 điểm.
Chỉ số IBEX 35 của Tây Ban Nha tăng 2,13%; FTSE MIB của Ý tăng 1,62%; PSI General của Bồ Đào Nha tăng 2,98%; Athex Composite của Hy Lạp tăng 1,12%; ISEQ của Ireland tăng nhẹ 0,38%.
Cổ phiếu các ngân hàng châu u tăng mạnh trong phiên này. Điển hình như cổ phiếu của ngân hàng lớn nhất nước Anh Lloyds Banking Group tăng 9,7%.
* Tại châu Á, chỉ số MSCI Asia Pacific tăng thêm 1,4% trong phiên cuối tháng 6 (kết thúc chiều qua, 30.6, giờ VN) lên mức cao nhất trong vòng 1 tháng qua. So với đầu năm nay, chỉ số này hiện giảm tới 5,4%.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng - tài chính trong khu vực cũng tăng mạnh mẽ trong phiên này. Có thể kể như: cổ phiếu của HSBC Holding, ngân hàng có giá trị thị trường lớn nhất châu u đã tăng 1,5% tại Hồng Kông. Cổ phiếu của Standard Chartered, ngân hàng lớn thứ ba nước Anh về giá trị thị trường, tăng 1,3%; cổ phiếu của Commonwealth Bank of Australia tăng 1,8%; cổ phiếu của ngân hàng lớn nhất nước Nhật Mitsubishi UFI Financial Group tăng 2,1%, trong khi cổ phiếu của Sumitomo Mitsui Financial Group tăng 1,3%.
Tổng kết phiên cuối tháng, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng nhẹ 0,19%, chốt phiên ở mức 9.816,09 điểm; HSI của Hồng Kông giành thêm tới 336,92 điểm, tương đương tăng 1,53% so với phiên trước đó, chốt phiên cuối tháng ở mức 22.398,1 điểm.
Chỉ số Shanghai Composite và CSI 300 của Trung Quốc lần lượt tăng 1,23% và 1,46%. KOSPI của Hàn Quốc tăng 0,3%. S&P/ASX 200 của Úc tăng 1,73%. Straits Times của Singapore tăng 1,32%.
Thu Hạnh
(Theo Bloomberg, Reuters)
Bình luận (0)