Chỉ số MSCI Asia Pacific của khu vực châu Á - Thái Bình Dương tăng mạnh 2% so với mức chốt phiên cuối tuần trước (đạt 132,24 điểm), nhờ đó, chuỗi giảm tuần dài nhất từ năm 2004 đã được tạm ngắt.
Chứng khoán châu Á khởi sắc phiên cuối tuần - Ảnh: Bloomberg |
Nguyên nhân chính giúp chứng khoán khu vực châu Á tăng điểm phiên này là việc các lãnh đạo Liên minh châu u (EU) cam kết sẽ làm mọi biện pháp có thể để ổn định kinh tế khu vực đồng euro và ngăn chặn nguy cơ vỡ nợ của Hy Lạp. Cùng với đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho biết sẵn sàng trợ giúp sâu hơn nếu cần thiết để thúc đẩy kinh tế Mỹ phát triển, thông tin này càng khiến các nhà đầu tư thêm lạc quan.
Các cổ phiếu tại châu Á đều tăng khá mạnh trong phiên cuối tuần, điển hình như: cổ phiếu của Toyota tăng 3,5%; cổ phiếu của Samsung Electronics tăng 4%; cổ phiếu của Cosco Pacific tăng 4,8%; cổ phiếu của Commonwealth Bank (Úc) tăng 3,3%; cổ phiếu của Mitsubishi Financial tăng 3,9%.
Tại châu Á trong tuần này có sự kiện M&A nổi bật là việc hãng bia Foster (Úc) từ chối lời đề nghị mua lại của SABMiller, hãng bia lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, SABMiller tuyên bố sẽ kiên trì theo đuổi thương vụ này. Giới chuyên gia dự đoán SABMiller sẽ tăng giá đề nghị lên thêm 8,2%, ở mức 5,3 dollar Úc/CP. Giá trị cổ phiếu của Foster sau thông tin này đã tăng mạnh 13% lên mức 5,21 dollar Úc/CP.
Tổng kết phiên cuối tuần 24.6, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 0,85%, chốt phiên ở mức 9.678,71 điểm; HSI của Hồng Kông giành thêm 412,81 điểm cộng, tương đương tăng 1,9% so với phiên trước đó, đạt mức 22.171,9 điểm.
Chỉ số Shanghai Composite và CSI 300 của Trung Quốc lần lượt tăng 2,16% và 2,36%. KOSPI của Hàn Quốc tăng 1,7%.
Trong tuần này, Nikkei 225 đã tăng mạnh 3,5%; KOSPI tăng 2,9%; HSI tăng 2,2%; Shanghai Composite tăng mạnh 3,9%.
* Tại châu u, chỉ số STXE 600 chung cho toàn khu vực giảm nhẹ 0,12% trong phiên cuối tuần này. Đây cũng là tuần thứ 8 liên tiếp chứng khoán khu vực này ghi nhận sự đi xuống, là chuỗi giảm tuần dài nhất kể từ năm 1998. Cổ phiếu ngành ngân hàng giảm mạnh đã kéo toàn thị trường đi xuống.
Tổng kết phiên cuối tuần, chỉ số FTSE 100 của Anh tăng nhẹ 0,41%, lên thành 5.697,72 điểm. Đây cũng là một trong số rất ít các chỉ số tăng điểm phiên này. CAC 40 của Pháp giảm nhẹ 0,08%, chốt phiên ở mức 3.784,8 điểm; DAX của Đức giảm 0,39%, xuống còn 7.121,38 điểm.
Chỉ số IBEX 35 của Tây Ban Nha giảm 1,31%; FTSE MIB của Ý giảm 1,61%; PSI General của Bồ Đào Nha giảm 0,48%; ISEQ của Ireland tăng nhẹ 0,29%.
* Đóng cửa muộn nhất, Phố Wall (Mỹ) khép lại phiên giao dịch chứng khoán cuối tuần bằng bảng điện tử rực sắc đỏ. Chỉ số thị trường S&P 500 giảm 1,2%, chốt phiên cuối tuần ở mức 1.268,45 điểm. Đây là phiên giảm thứ ba liên tiếp trong tuần này của S&P 500 do tác động của những lo ngại về khủng hoảng nợ công châu u. So với phiên cuối tháng 5, chỉ số này hiện đã giảm 5,7%.
Chỉ số Dow Jones Industrial để mất 115,42 điểm, tương đương giảm 1% so với phiên trước đó, chốt phiên ở mức 11.934,58 điểm.
Cổ phiếu nhóm ngành công nghệ và ngân hàng giảm nhiều nhất trong phiên này. Nhóm cổ phiếu công nghệ đóng góp vào S&P 500 giảm 1,8%. Điển hình: cổ phiếu của Oracle, hãng sản xuất phần mềm cơ sở dữ liệu lớn nhất nước Mỹ, giảm mạnh 4,1%; cổ phiếu của Micron Technology giảm 14%.
Chỉ số KBW Bank hội tụ 24 ngân hàng lớn nhất nước Mỹ giảm 1% trong phiên này. Cổ phiếu Bank of America, hãng cho vay có tài sản lớn nhất nước Mỹ, giảm 1,8%; cổ phiếu của JPMorgan Chase giảm 1,5%.
Thu Hạnh
(Theo Bloomberg, Reuters)
Bình luận (0)