Chứng khoán thế giới tăng nhẹ

13/08/2011 08:25 GMT+7

* Giá dầu giảm nhẹ (TNO) Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần (vào rạng sáng nay, 13.8, giờ VN), thị trường chứng khoán thế giới ghi nhận phiên tăng điểm thứ 2 liên tiếp của các chỉ số chứng khoán khu vực châu u, Mỹ, chứng khoán châu Á cũng đã tăng điểm trở lại.

Tại Phố Wall (Mỹ), chỉ số thị trường S&P 500 tăng nhẹ 0,5%, chốt phiên cuối tuần ở mức 1.178,81 điểm. Trong 2 phiên giao dịch cuối tuần, chỉ số này đã tăng tổng cộng 5,2%, mức tăng mạnh nhất trong vòng 2 phiên liên tiếp kể từ tháng 3.2009.

Tuy nhiên, sau một tuần giao dịch liên tục đảo chiều và biến động với biên độ rộng như vừa qua, chỉ số S&P 500 đã giảm 1,7% so với phiên 5.8 cuối tuần trước.

Chỉ số Dow Jones Industrial nhận thêm 125,71 điểm cộng nữa cho phiên cuối tuần, tương đương tăng 1,1% so với phiên trước đó, chốt phiên ở mức 11.269,02 điểm. Nasdaq Composite tăng 0,6%, lên thành 2.507,98 điểm.

 
Một phiên tăng nhẹ sau một tuần đảo lộn cũng đủ để các nhà đầu tư chứng khoán vui lòng - Ảnh: Bloomberg

Nguyên nhân giúp thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm phiên này là nhờ doanh số bán lẻ toàn nước Mỹ tăng mạnh nhất trong vòng 4 tháng qua, thông tin này đã tạm thời làm dịu đi những lo ngại về tăng trưởng kinh tế chậm chạp.

Theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ, doanh số bán lẻ toàn nước Mỹ trong tháng 7 vừa qua đã tăng 0,5% so với tháng trước đó (mức tăng của tháng 6 là 0,3%). Con số thống kê này cũng lớn hơn mức dự báo của các chuyên gia. 9 trong số 13 nhóm ngành hàng bán lẻ có doanh số tăng trong tháng 7 này, điển hình là đồ điện, đồ nội thất, phụ tùng ôtô và các dịch vụ.

Nhóm cổ phiếu của các nhà bán lẻ thuộc S&P 500 đã tăng 1,5% trong phiên cuối tuần này, 26 trong tổng số 30 mã niêm yết tăng giá.

Barry Knapp, đại diện ngân hàng Barclays tại Mỹ, cho biết tin tức về ngành bán lẻ Mỹ vừa công bố thực sự là tin tốt lành. Theo ông, thông tin này công bố được coi như bước đầu bình ổn cho triển vọng vĩ mô của kinh tế Mỹ, sau liên tiếp các tin tức gây đau đầu các nhà đầu tư như đầu tuần qua.

Tính trong vòng 3 tuần qua, những thông tin xoay quanh nợ công châu u, nâng trần nợ cho chính phủ Mỹ và việc Mỹ bị hạ bậc tín dụng đã khiến thị trường chứng khoán Phố Wall mất khoảng 2.300 tỉ USD.

Nhóm cổ phiếu tài chính thuộc S&P 500 phiên này giảm mạnh nhất trong 10 nhóm ngành đóng góp, giảm 1,2%. Cổ phiếu của Morgan Stanley giảm 7,3%; cổ phiếu của JPMorgan Chase giảm 2,1%; cổ phiếu của Bank of America giảm 0,8%, giảm tổng cộng 12% trong tuần vừa qua.

* Tại châu u, các chỉ số chứng khoán đã tăng ấn tượng trong phiên cuối tuần này nhờ việc chính phủ các nước Pháp, Tây Ban Nha, Ý và Bỉ áp luật chống bán ngắn hạn đối với thị trường chứng khoán nhằm tránh những cú xả hàng vớt lời mạnh mẽ, có thể gây biến động mạnh trên thị trường chứng khoán. Chỉ số STXE 600 chung cho toàn khu vực tăng mạnh 3,7% trong phiên này.

Tuy vậy, tổng kết sau một tuần đầy biến động, chứng khoán châu u vẫn phải ghi nhận tuần giảm điểm thứ 3 liên tiếp. Chỉ số STXE 600 để mất 0,6% tổng số điểm trong tuần này.

Trong phiên cuối tuần, chỉ số FTSE 100 của Anh tăng mạnh 3,04%, lên thành 5.320,03 điểm; CAC 40 của Pháp tăng 124,22 điểm, tương đương tăng 4,02%, chốt phiên ở mức 3.213,88 điểm; DAX của Đức giành thêm 200,08 điểm, chốt phiên ở mức 5.997,74 điểm, tăng 3,45% so với phiên trước đó.

Chỉ số IBEX 35 của Tây Ban Nha tăng mạnh 4,82%; FTSE MIB của Ý tăng 4%; PSSI General của Bồ Đào Nha tăng 3,01%; ISEQ của Ireland tăng 2,91%.

Tổng kết tuần vừa qua, FTSE 100 tăng 1,4% trong khi CAC 40 giảm 2%, DAX giảm tới 3,8%.

Cổ phiếu của các ngân hàng châu u tăng mạnh 4,3% trong phiên cuối tuần. Cụ thể: Dexia (Bỉ) tăng mạnh tới 17%; cổ phiếu của UBS (Thụy Sĩ) tăng 5,7%; cổ phiếu Barclays (Anh) tăng 5,3%; cổ phiếu Lloyds Bank Group (Anh) tăng 5%; cổ phiếu Banco Santander (Tây Ban Nha) tăng 6,6%.

* Thị trường chứng khoán châu Á cũng ghi nhận tuần giảm điểm thứ 3 liên tiếp dù các chỉ số có tăng nhẹ phiên cuối tuần. MSCI Asia Pacific giảm 3,3% trong tuần này. Đây cũng được ghi nhận là chuỗi giảm tuần mạnh nhất, dài nhất kể từ đầu tháng 6.

Tổng kết phiên cuối tuần 12.8 (kết thúc chiều cùng ngày, giờ VN), chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm nhẹ 0,2%, chốt phiên ở mức 8.963,72 điểm. Trong khi đó, HSI của Hồng Kông tăng nhẹ 0,13%, lên mức 19.620 điểm.

Shanghai Composite và CSI 300 của Trung Quốc lần lượt tăng 0,45% và 0,29%; S&P/ASX 200 của Úc tăng 0,77%; KOSPI của Hàn Quốc giảm 1,33%.

* Giá dầu thô tại New York (Mỹ) đêm qua, rạng sáng nay (13.8, giờ VN) đã quay đầu giảm nhẹ sau khi chỉ số niềm tin tiêu dùng được công bố gây thất vọng.

Giá dầu WTI giao kỳ hạn tháng 9 tại Sở Giao dịch hàng hóa New York (NYMEX) chốt phiên 12.8 ở mức 85,38 USD/thùng, giảm 34 cent, tương đương giảm 0,4% so với phiên trước đó. Tuần này, giá dầu thô tại NYMEX đã giảm 1,7% và biến động mạnh trong khoảng từ 75,71 đến 87,37 USD/thùng.

Chỉ số niềm tin tiêu dùng của người dân Mỹ trong tháng 8 (do Thomson Reuters phối hợp với ĐH Michigan công bố) đã giảm mạnh xuống còn 54,9 điểm, so với mức 63,7 điểm hồi tháng 6.

Giá dầu Brent giao tháng 9 tại London (Anh) tăng nhẹ 1 cent lên chốt phiên ở mức 108,03 USD/thùng.

Thu Hạnh
(Theo Bloomberg, Reuters)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.