(TNO) Khi chứng khoán Trung Quốc lao dốc, nhiều thị trường châu Á khác nhỏ hơn như Việt Nam đang thu hút sự chú ý của giới đầu tư nước ngoài, theo CNBC.
Khi thị trường Trung Quốc biến động, thị trường chứng khoán Việt Nam thu hút sự chú ý của giới đầu tư ngoại - Ảnh: AFP
|
"Chúng tôi đã và đang trao đổi với nhiều nhà đầu tư, họ hỏi rất nhiều về chứng khoán Việt Nam", ông Eric Mustin, Phó chủ tịch giải pháp giao dịch quỹ hoán đổi danh mục thuộc hãng WallachBeth Capital, cho biết trên một chương trình của kênh CNBC.
Ông Mustin so sánh thị trường Việt Nam với Trung Quốc cách đây một năm, trong bối cảnh nhà hoạch định chính sách nước ta đang nỗ lực nâng hạng thị trường lên mới nổi. Điều này sẽ giúp Việt Nam thu hút nhiều vốn đầu tư từ nước ngoài hơn.
Gần đây, Việt Nam cho phép nới tỷ lệ sở hữu của khối ngoại trong vài lĩnh vực và Mustin cho hay động thái này sẽ giúp thị trường chứng khoán hưởng lợi lớn.
Ngoài ra, Việt Nam đang dần đáp ứng những tiêu chuẩn của S&P dành cho một thị trường mới nổi. Bà Erin Gibbs - Giám đốc phụ trách đầu tư của S&P Capital IQ nói: "Việt Nam là một trong những thị trường cận biên mạnh mẽ nhất và họ có thể dễ dàng nâng hạng lên mới nổi”.
Dù đánh giá thị trường Việt Nam rất hấp dẫn nhưng các chuyên gia Mỹ vẫn cho rằng trong ngắn hạn, sẽ chưa có chuyển biến lớn nào. "Đối với chúng tôi, những nhà đầu tư chứng khoán, chúng tôi sẽ không rót tiền vào nếu không nhìn thấy một sự phát triển ở nơi đó. Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm", bà Gibbs cho hay.
Còn Win Thin, Giám đốc chiến lược thị trường mới nổi ở Brown Brothers Harriman, nhận định nhà đầu tư có thể sẽ đợi rủi ro nợ ở Hy Lạp và biến động thị trường chứng khoán Trung Quốc qua đi, trước khi hướng đến những thị trường như Việt Nam.
Thin cho rằng khi chứng khoán Trung Quốc lao đao, thị trường Việt Nam có thể hấp dẫn nhưng vẫn "rất nhỏ và gần như chỉ giống với một Thái Lan thứ 2". Với mức GDP khoảng 171 tỉ USD, Việt Nam còn cả chặng đường dài để thay thế Trung Quốc.
Chứng khoán Trung Quốc vừa có dấu hiệu phục hồi kể từ ngày 9.7. Theo Bloomberg hôm 10.7, chỉ số chứng khoán cơ bản ở Đại lục đang hướng đến mức tăng trong hai ngày mạnh nhất kể từ năm 2008. Chỉ giao dịch với 53% thị trường nhưng chỉ số Shanghai Composite vừa tăng tiếp 4,5% trong phiên sáng 10.7 sau khi tăng 5,8% trong ngày 9.7.
Tuy vậy, nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang bán ra cổ phiếu Trung Quốc với tốc độ kỷ lục ở ngày thứ 4 liên tiếp.
Bình luận (0)