Chứng kiệt sức vì công việc nguy hiểm như thế nào?

Trà Linh
Trà Linh
10/03/2023 00:08 GMT+7

Nếu không phát hiện và can thiệp kịp thời, chứng kiệt sức vì công việc có thể phát triển thành các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn.

Chuyên san y tế dự phòng Prevention mới đây dẫn thông tin từ tiến sĩ Charryse Johnson - chuyên gia sức khỏe tâm thần, đồng thời nhà sáng lập trung tâm trị liệu tâm lý Jade Integrative Consultants and Wellness (Mỹ) - cho hay kiệt sức vì công việc là một vấn đề phổ biến trong xã hội hiện đại.

Chứng kiệt sức vì công việc nguy hiểm như thế nào? - Ảnh 1.

Kiệt sức vì công việc là một vấn đề phổ biến trong xã hội hiện đại

SHUTTERSTOCK

Cuộc khảo sát được tiến hành với sự tham gia của 20.000 người lao động trên toàn cầu được Microsoft thực hiện hồi năm 2022 cho biết có đến 50% nhân viên và 53% quản lý đang cảm thấy kiệt sức vì công việc.

Tình trạng này xảy ra khi người lao động bị căng thẳng kéo dài, khiến khả năng tự dung hòa của họ bị quá tải và dẫn tới kiệt quệ về thể chất và tinh thần.

Tiến sĩ Johnson nói thêm các nguyên nhân cụ thể hơn gây ra tình trạng kiệt sức bao gồm: sự cam kết quá mức với công việc, bị quá tải, thiếu ranh giới giữa công việc và cuộc sống riêng, liên tục trốn tránh các nhu cầu cá nhân, làm việc quá giờ, thiếu các mối quan hệ hỗ trợ, sếp hoặc đồng nghiệp độc hại, căng thẳng tài chính hoặc gia đình…

Nạn nhân của chứng kiệt sức vì công việc sẽ có các biểu hiện như thường xuyên đau đầu, thay đổi khẩu vị thất thường, bị vấn đề về đường tiêu hóa, mất ngủ, hay lo lắng, cáu gắt hoặc thường thấy trống rỗng, vô vọng…

Tiến sĩ Johnson cảnh báo nếu tình trạng này kéo dài có thể làm phát sinh nhiều căn bệnh mạn tính nguy hiểm, điển hình như rối loạn trầm cảm dai dẳng, bệnh tim mạch, béo phì, vô sinh hay thậm chí là đột quỵ.

Bà Johnson gợi ý tốt hơn hết mọi người nên chủ động cân bằng giữa công việc và chế độ nghỉ ngơi. Nếu cảm thấy bản thân vẫn không có chiến lược hiệu quả nào để giải tỏa, hãy tìm đến sự giúp đỡ của bạn bè, người thân hoặc một nhà trị liệu tâm lý chuyên nghiệp.

Chuyên gia cũng khuyên rằng mọi người nên có ý thức sớm kết thúc tình trạng này để tránh gây ra tổn thương khó hồi phục cho sức khỏe.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.