Chứng nhân bên bờ Hiền Lương

24/04/2013 08:19 GMT+7

(TNO) Nếu không có hiệp định Geneve năm 1954 thì Vĩ tuyến 17 cũng sẽ như bao vĩ tuyến khác. 20 năm nhận sứ mệnh lịch sử đớn đau: chia cắt hai bờ Nam - Bắc, cùng với dòng Hiền Lương, Vĩ tuyến 17 đã hằn dấu trong trái tim bao người.

Hiểu những câu chuyện xảy ra bên bờ Hiền Lương ngày ấy từ chính lời kể của những nhân chứng lịch sử là trải nghiệm giá trị. Họ, không cứ phải là những tướng lĩnh đầy quyền uy, không cứ phải là những sử gia uyên thâm mà đôi khi chỉ là những người dân, những cựu binh bình dị, đang bị tuổi già lấy đi sự tráng kiện nhưng để lại phần nhiều sự chiêm nghiệm cuộc đời.


Cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải


Bờ bãi ngút ngàn ở đôi bờ Hiền Lương

Quá khứ chia cắt

Những suy nghĩ miên man đưa đường dẫn lối tôi về thôn Hải Chữ (xã Trung Hải, H.Gio Linh, Quảng Trị), nơi từng biết đến là một trong những “ngôi làng kiểu mẫu” mà chế độ Việt Nam Cộng hòa ngày trước cố gắng xây dựng để “đấu” lại những ngôi làng trong đặc khu Vĩnh Linh. Trên đường cái quan, tôi gặp một bà lão xin đi nhờ xe. Câu chuyện giữa hai người đồng hành tình cờ đưa chúng tôi trở về quá khứ xa lắc, khi đất nước còn chìm trong chiến tranh: “Trước, mệ là dân quân du kích. Chồng trước của mệ là bộ đội đã hy sinh, còn ông thứ hai đang sống với mệ cũng là người có công với cách mạng”.

Bà lão tên Nguyễn Thị Bính nay đã 78 tuổi, còn ông tên Lê Dung, hơn bà cả chục tuổi. Phần bởi người già ít gặp người lạ, phần bởi ký ức ngày xưa vẫn như còn vẹn nguyên nên dù đối diện với một cậu bé chỉ bằng tuổi cháu như tôi, đôi vợ chồng già này vẫn kể chuyện rất say mê. “Tui là người gốc ở đây. Thời Ngô Đình Diệm, thanh niên bọn tui đều bị bắt đi tuần, hằng đêm thì họ gom lại để ngủ trong trụ sở của xã, ai không nghe thì bị đánh. Về sau tui tham gia dân quân du kích rồi có thời gian lên hẳn trên Bến Tắt để theo cách mạng”, ông Dung vuốt mái tóc bạc phơ kể.


Ông Lê Dung (87 tuổi) bảo dù có là ai cũng mong muốn hòa bình


Lâu lắm rồi vợ chồng ông Dung mới có dịp ôn lại chuyện cũ

“Người dân trong vùng thời đó phải tự chọn cho mình một cách sống. Có người thoát ly, có người chống đối trong bụng chứ không dám thể hiện nhưng cũng có người nghiêng hẳn về phía bên kia. Nên khi ra đường, gặp nhau đó, nói chuyện đó nhưng không biết người ta nghĩ gì”, bà Bính nói thêm.

Theo số liệu của ông Mai Văn Bình, Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Trung Hải, cung cấp thì trên địa bàn có cả thảy 420 người thuộc diện có công với cách mạng, được Nhà nước có chính sách hỗ trợ. Không riêng gì Trung Hải mà ở xã Trung Giang, nơi cuối nguồn của dòng Hiền Lương, thống kê sau những tháng năm mưa bom bão đạn cho thấy đã có hơn 900 người ngã xuống, trong đó có 553 liệt sĩ.

 

Thực tâm tui nghĩ, mấy người đi lính miền Nam cũng giống bọn tui, cũng trông hòa bình đến nhanh để về với vợ, với con thôi

Cựu chiến binh Lê Dung

Từng vượt sông Bến Hải để sang miền Bắc, từng là cán bộ tuyên huấn của lực lượng Công an vũ trang đặc khu Vĩnh Linh từ năm 1963 đến năm 1975, ông Nguyễn Minh Châu (71 tuổi, nguyên Chủ tịch Hội cựu chiến binh H.Gio Linh), có cả một kho tàng về quá khứ để kể. Đặc biệt là những câu chuyện dọc hai bờ giới tuyến.

“Đó là những năm tháng của cuộc chiến không tiếng súng. Nhưng ngay trong khu vực phi quân sự, phía ta và phía Việt Nam Cộng hòa đã có những cuộc đấu căng thẳng, không khoan nhượng, không kém gì đấu súng. Chúng tôi luôn xác định và luôn được chỉ đạo là không được thua, dù rằng có những trận tâm lý chiến diễn ra một cách bất ngờ”, ông Châu nói.

Và ông đã say sưa kể từ những “cuộc chiến màu sơn cầu Hiền Lương” rằng nên sơn 1 màu hay 2 màu, “cuộc chiến âm thanh” xem loa tuyên truyền ai vang xa hơn, “cuộc chiến cột cờ, lá cờ” xem ai cao hơn, to hơn... đến những trận thi vật, đấu bóng bàn, bóng chuyền, cờ tướng rồi những “trận chiến” khó gọi tên như đánh đố nhau bằng những câu hỏi về nội dung một cuốn tiểu thuyết hoặc bất kỳ điều gì.

“Hồi đó, hình như chuyện chi cũng mang ra đấu được. Nghe vậy thôi chứ rất khó, để thắng vừa phải có trí tuệ, sức mạnh và lòng dũng cảm”, ông Châu chép miệng.

Ngoài chuyện “đấu” ở hai đầu cầu Hiền Lương, ông Châu cũng không quên góp nhặt những điều thấm đẫm chất nhân văn còn sót lại trong khoảng không gian nhỏ bé nhưng đầy tính thù địch thuở ấy. Đó là những lần “đổi bờ” của đồn Cửa Tùng và đồn Cát Sơn, hằng tuần lực lượng công an mỗi bên lại sang bờ bên kia, cùng nhau kiểm soát ngư dân ra khơi đánh bắt, kiểm soát an ninh trên biển. Hay những ngày lễ tết, đoàn văn công trung ương từ miền Bắc vào thường ghép thuyền, dựng sân khấu bên mép sông để biểu diễn cho nhân dân xem, nhưng về sau cứ mỗi lần vậy không chỉ có người dân mà cả lính miền Nam cũng đổ ra bờ sông để ngóng vọng sang thưởng thức. “Mặc dù là thù địch nhưng nếu anh qua tôi hoặc tôi qua anh, đều được đón tiếp đàng hoàng”, ông Châu nói.


Cựu binh Nguyễn Minh Châu (71 tuổi) nói quên quá khứ thì không nhưng khép lại quá khứ để hướng đến tương lai là điều nên làm


Vợ chồng ông Nguyễn Minh Châu lục tìm lại những tấm ảnh cũ, chụp từ thời chiến tranh


Ông Châu (đứng ngoài cùng bên phải) chụp ảnh chung với đội tuyên huấn của lực lượng Cảnh sát vũ trang đặc khu Vĩnh Linh

Nhìn về tương lai

Mấy chục năm trôi qua, đất nước thống nhất rồi nhưng dọc đôi bờ Hiền Lương vẫn còn dấu tích của đồn cảnh sát vũ trang Hiền Lương, Cửa Tùng (bờ Bắc), đồn cảnh sát Xuân Hòa và Cát Sơn (bờ Nam, thuộc Việt Nam Cộng hòa). Cụm di tích đôi bờ Hiền Lương thuộc thôn Xuân Hòa (xã Trung Hải, H.Gio Linh) và thôn Hiền Lương (xã Vĩnh Thành, H.Vĩnh Linh) vẫn là điểm nhấn, khắc họa khá rõ về một thời kỳ chia cắt hai bờ Nam - Bắc.

Nhưng cũng dọc con sông bắt nguồn từ dãy Trường Sơn hùng vĩ đổ ra biển Đông sau khi chảy qua bao xóm bao làng này, chúng ta còn có thể bắt gặp những ruộng lúa, những vuông tôm, nơi đó có những người nông dân túc tắc cuốc cày. Yên ả và thanh bình biết mấy.

 

Thế hệ của chúng tôi đã già, cũng không còn bao nhiêu sức nữa để cứ kể hoài về quá khứ. Và tôi tin rằng, một thế hệ khác, trẻ như các cậu sẽ có cái nhìn khách quan và bao dung hơn

Cựu chiến binh Nguyễn Minh Châu

Hai hình ảnh đó như là một cuộn phim có sự liền mạch, nhắc về quá khứ, có cả tương lai và cũng không quên hiện tại. Sự đổi thay còn hiện rõ trên từng khuôn mặt người, từ cách họ nhìn nhau và đối xử với nhau. Diễn giải một cách mộc mạc như người đã từng đi qua 2 cuộc chiến tranh như cụ Dung thì: “Mỗi người có một cách lựa chọn. Nhưng thực tâm tui nghĩ, mấy người đi lính miền Nam cũng giống bọn tui, cũng trông hòa bình đến nhanh để về với vợ, với con thôi”.

Không chỉ ở Trung Hải mà nhiều xã khác ở bờ nam cầu Hiền Lương có không ít gia đình rơi vào hoàn cảnh éo le như: cha là bộ đội miền Bắc, con là lính miền Nam; anh theo cách mạng là liệt sĩ, em tử trận trong màu áo Việt Nam Cộng hòa. “Cơ bản là đến tận giờ thì người ta không muốn nói lại vì nếu vậy lại gây mâu thuẫn. Giờ ra đường là gặp nhau chứ có phải cách một con sông mà xa vạn dặm nữa đâu”, ông Mai Văn Bình, Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Trung Hải, chia sẻ.

Ông Châu cũng nhắc về anh trai mình, người dù không biết bơi vẫn qua được miền Bắc sau năm lần bảy lượt nghĩ cách vượt sông. Và ông cũng kể về những người hàng xóm đi lính, làm công chức trong bộ máy chính quyền miền Nam. Ông Châu phân tích rằng tâm lý của những người phía bên kia trở về thường rất lo ngại, rụt rè, phần lớn đã đi vào Nam. Còn những người ở lại làng thì dần dà tình làng nghĩa xóm và thời gian đã làm phai nhạt đi nhiều điều. “Nói quên thì tôi không bao giờ quên, nhưng để hướng về tương lai chúng ta cần khép lại những câu chuyện đau buồn, đầy những thù hằn. Vì suy cho cùng, những nỗi đau ấy đã biến bao con người thành nạn nhân của chiến tranh”, ông Châu chiêm nghiệm.

Trầm ngâm một quãng khá lâu, rồi ông Châu tiếp chuyện: “Thế hệ của chúng tôi đã già, cũng không còn bao nhiêu sức nữa để cứ kể hoài về quá khứ. Và tôi tin rằng, một thế hệ khác, trẻ như các cậu sẽ có cái nhìn khách quan và bao dung hơn”.

Rảo bước trên cầu Hiền Lương vào dịp đất nước kỷ niệm 38 năm ngày thống nhất, núi liền núi sông liền sông. Tôi sực nhớ về một buổi lễ mà tỉnh Quảng Trị tổ chức vào dịp này mấy năm trước. Hôm đó, sau lễ thượng cờ, nước và đất của 3 miền bắc trung nam được mang đến rồi cùng hòa vào nhau, còn đá chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa cũng được Bộ tư lệnh Hải quân đưa từ đảo xa về đây “họp mặt”. Để hiểu, đâu là đất Việt cũng do con dân nước Việt đoàn kết, dựng xây mà thành.


Khu di tích tưởng niệm bên bờ Hiền Lương


Hòa đất, nước ba miền tại cột cờ di tích đôi bờ Hiền Lương


Đưa đá chủ quyền biển đảo nước nhà về đặt trong khu di tích đôi bờ Hiền Lương

Bài, ảnh: Nguyễn Phúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.