Chứng sợ đồng tính trong thể thao: Nhà tù của tâm cảm

03/03/2014 03:00 GMT+7

Chứng sợ đồng tính trong thể thao từ lâu đã trở thành căn bệnh tâm lý của nhiều VĐV, gieo nhiều nỗi đau và đã “giết chết” tài năng của họ.

Chứng sợ đồng tính trong thể thao từ lâu đã trở thành căn bệnh tâm lý của nhiều VĐV, gieo nhiều nỗi đau và đã “giết chết” tài năng của họ.

Chứng sợ đồng tính trong thể thao: Nhà tù của tâm cảm
Marcus Urban (trái) từng được xem là một tài năng xuất sắc của bóng đá Đức - Ảnh: AFP

Câu chuyện của Marcus Urban

“Bốn bức tường, một chiếc giường và một bát ăn lầy nhầy của nhà tù thể hiện sự mất tự do cá nhân, thì nhà tù tâm cảm tệ như thế nào? Không thể chịu nổi!”, Marcus Urban, một cựu cầu thủ bóng đá người Đức đã sớm từ giã niềm đam mê của mình vì chứng sợ đồng tính - viết trong cuốn sách của mình có tựa đề Versteckspieler: Die Geschichte des schwulen Fußballers Marcus Urban (tạm dịch: Câu chuyện của cầu thủ đồng tính Marcus Urban).

Marcus Urban sinh ra, lớn lên ở Đông Đức vào những năm 1970 và 1980, trước khi nước Đức thống nhất năm 1990. Marcus Urban đến với bóng đá năm 1978 khi gia nhập CLB Motor Weimar lúc mới 7 tuổi, trước khi chuyển đến CLB Rot-Weiss Erfurt vào năm 1984. Tại Rot-Weiss Erfurt, Urban bắt đầu bộc lộ tài năng và được đánh giá là một ngôi sao của bóng đá Đức trong tương lai khi đưa đội bóng này vô địch giải thanh thiếu niên quốc gia vào năm 1985. Một năm sau, ước mơ được khoác áo tuyển quốc gia của Urban dần trở thành hiện thực khi anh được gọi vào tuyển trẻ CHDC Đức. Tuy nhiên, thay vì tiếp tục theo đuổi con đường đầy sáng sủa như những đồng đội Robert Enke, Bernd Schneider và Thomas Linke (những ngôi sao của tuyển Đức vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000), Urban bất ngờ giã từ sự nghiệp khi đang ở đỉnh cao bởi phải sống hai mặt quá sức chịu đựng vì phải giấu giếm chứng đồng tính luyến ái của mình trong sự sợ hãi, bất an. “Tôi đã giấu 24 giờ một ngày và phải điều chỉnh liên tục. Đó là một nỗi đau gần như không thể chịu đựng, một sự hy sinh quá lớn, một cái giá quá đắt để trở thành một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp. Tôi đã dành 50% năng lượng của mình để che giấu con người thật của mình, vì vậy tôi chỉ có tối đa 50% năng lượng dành cho bóng đá. Điều đó thật không công bằng”, Urban thổ lộ.

Cựu tiền vệ của Rot-Weiss Erfurt kể lại nỗi ám ảnh: “Ở tuổi 20, tôi nhận ra rằng nếu trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp, tôi phải chịu đựng sống như một người đàn ông. Cuối cùng tôi đã chọn sự tự do thay vì phải sống trong một nhà tù tâm cảm. Tôi đã không ngừng suy nghĩ việc muốn nói, hành động để cho mọi người thấy rằng tôi là người đồng tính”.

 

Trong lịch sử thể thao, có rất nhiều huyền thoại thừa nhận là người đồng tính như: tay vợt nữ Mỹ Billie Jean King (từng giành 12 danh hiệu Grand Slam), tay vợt người CH Czech Martina Navratilova (từng đoạt 18 chức vô địch Grand Slam đơn nữ), tay vợt nữ nổi tiếng người Pháp Amelie Mauresmo, VĐV khúc côn cầu Caitlin Cahow, Brian Boitano (huyền thoại trượt băng nghệ thuật)...

Kết cục bi thảm

Tháng 5.1998, bóng đá thế giới trải qua một ngày buồn sau khi thông tin cầu thủ người Anh Justin Fashanu treo cổ tự sát vì không chịu nổi những lời gièm pha của dư luận khi trở thành cầu thủ đầu tiên công khai đồng tính. Không mấy thành công trong sự nghiệp nhưng Fashanu được biết đến là cầu thủ da đen đầu tiên có mức giá chuyển nhượng 1 triệu bảng từ Norwich City đến Nottingham Forest vào năm 1981. Sau khi công khai đồng tính vào năm 1990, số phận của cầu thủ gốc Nigeria bắt đầu bi thảm kể từ khi chuyển đến Mỹ. Năm 1998, Fashanu bị cảnh sát triệu tập thẩm vấn bắt nguồn từ một cậu bé 17 tuổi cáo buộc bị tấn công tình dục. Cảnh sát sau đó kết tội Fashanu và ban hành lệnh bắt giữ vào tháng 4.1998 nhưng cựu cầu thủ của Nottingham Forest đã nhanh chân trốn về Anh. Trong bức thư tuyệt mệnh, Fashanu viết rằng do lo sợ sẽ không được xét xử công bằng bởi anh là người đồng tính nên bỏ trốn sang Anh.

Mười năm sau cái chết của Fashanu, thế giới bóng đá tiếp tục rúng động về cuộc đời bi kịch của cầu thủ nữ Eudy Simelene. Cô gái xấu số này từng khoác áo tuyển quốc gia nữ Nam Phi và là một trong những nữ cầu thủ đầu tiên công khai thừa nhận đồng tính luyến ái. Tuy nhiên, ở Nam Phi thời điểm đó, một bộ phận trong xã hội vẫn lên án, định kiến đồng tính nữ. Chính điều này đã gieo bi kịch cho Simelene vào năm 2008 khi cô bị một nhóm các phần tử Hồi giáo cực đoan hiếp dâm tập thể rồi sát hại bằng hàng chục vết đâm.

Nguyên Khoa

>> VĐV nhảy cầu hấp dẫn dân đồng tính hơn Beckham
>> Đám cưới đồng tính đầu tiên trong làng thể thao
>> Sepp Blatter chọc giận giới đồng tính
>> Đại hội thể thao đồng tính
>> CĐV Anh không ác cảm với cầu thủ đồng tính
>> Tuyển Đức bị bôi nhọ là ổ đồng tính  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.