Bác sĩ Đào Ty Tách
Tôi 42 tuổi, gần đây tôi thường bị đau âm ỉ ở vùng dưới bụng, đi khám bác sĩ nói bị sỏi túi mật. Bệnh này có nguy hiểm không? Bị sỏi túi mật có nhất thiết phải mổ không? Thùy Trang – Vũng Tàu
Túi mật là một túi chứa đựng, làm đặc và bài tiết mật theo hoạt động của hệ tiêu hoá. Túi mật nối thông với ống mật chủ dẫn mật đổ xuống ruột non từng đợt theo bữa ăn. Mỗi khi ăn, thức ăn vào đến ruột non kích thích túi mật co bóp để tống ra một lượng mật cần thiết giúp tiêu hoá chất mỡ. Nếu không có túi mật thì gan vẫn tiết ra mật nhưng liên tục chứ không theo bữa.
Sỏi mật kết tinh từ sắc tố mật, cholesterol và canxi trong túi mật, có khi tồn tại trong nhiều năm không gây triệu chứng. Tuy nhiên đôi khi sỏi mật gây đau dữ dội, đi vào ống dẫn mật chung làm tắc mật, vàng da hay viêm túi mật. Vì những thay đổi về nội tiết nên quí bà thường mắc sỏi túi mật nhiều hơn quí ông mà người ta thường dùng bốn chữ F: female là giới nữ, forty là từ bốn mươi tuổi trở lên, fat là béo phì và fertile là còn khả năng sinh đẻ. Hiện nay, chẩn đoán sỏi túi mật tương đối dễ dàng dựa vào siêu âm hay chụp X quang ổ bụng.
Nếu sỏi túi mật còn nhỏ, có thể dùng thuốc ursodeoxycholic acid làm tan sỏi nhưng thời gian dùng thuốc kéo dài và chỉ hiệu quả khi sỏi còn nhỏ dưới mười ly. Nếu dùng thuốc từ sáu tháng đến hai năm thì tỉ lệ tan sỏi là phân nửa đối với sỏi dưới mười ly và bảy mươi phần trăm đối với sỏi dưới năm ly. Thuốc có tác dụng phụ đau đầu, chóng mặt và rối loạn tiêu hóa.
Phương pháp thứ hai là tán sỏi bằng siêu âm có cường độ cao. Trước tiên, người bệnh nằm lên bàn máy tán sỏi. Thầy thuốc tiêm thuốc gây mê nhẹ cho người bệnh rồi dùng siêu âm xác định vị trí sỏi, sau đó dùng sóng siêu âm có cường độ cao khu trú vào viên sỏi và phá vỡ sỏi. Thời gian tán sỏi chừng ba mươi phút. Sau khi tán sỏi, người bệnh ra về ngay mà không cần nằm lại.
Phương pháp thứ ba là phẫu thuật nội soi lấy sỏi không cắt túi mật. Thầy thuốc rạch ba vết cắt nhỏ, đưa máy móc và camera vào trong ổ bụng để gắp các viên sỏi ra. Sau đó thầy thuốc kiểm tra hết sỏi chưa và xem túi mật còn tốt không rồi khâu lại. Tuy nhiên hiện nay, phẫu thuật nội soi cắt túi mật được xem là lựa chọn hàng đầu trong các trường hợp sỏi túi mật có triệu chứng hay biến chứng. Sau khi gây mê, thầy thuốc rạch ba đường nhỏ trên bụng, đem dụng cụ phẫu thuật và máy camera vào và đưa hình ảnh trong ổ bụng lên màn hình. Thầy thuốc cắt bỏ túi mật nhanh gọn trong nửa giờ và bệnh nhân về nhà ngay trong ngày.
Đặc biệt với những người bệnh cao tuổi, người có nguy cơ tổn thương mạch máu lớn, vị trí túi mật không rõ ràng, người có sỏi trong ống mật chủ hay có nguy cơ vỡ túi mật thì cần sử dụng phương pháp mổ hở. Trong thủ thuật này, thầy thuốc mở rộng ổ bụng bằng một vết rạch dài nên vết thương lâu lành hơn, xuất viện sau một tuần và làm việc nhẹ nhàng trong ba tháng.
Sau khi cắt bỏ túi mật, người bệnh có vài rối loạn tiêu hóa như khó tiêu, đầy bụng, chán ăn, đau bụng sau khi ăn hay tiêu chảy nhẹ, nhưng các triệu chứng này thường biến mất sau ba tháng.
Vì vậy, người cắt túi mật nên chia ra nhiều bữa nhỏ hơn và giảm lượng chất béo trong bữa ăn. Hạn chế các thức ăn khó tiêu như mỡ heo bò, hột gà và thay thế mỡ động vật bằng dầu thực vật như đậu phộng, dầu mè, đậu nành. Không nên uống bia rượu nhiều và hạn chế dùng gia vị.