Chung sức với nông dân

21/05/2015 06:17 GMT+7

Cung hàng hóa nông sản hiện nay ở VN (đặc biệt là trái cây) phần lớn là do nông dân cá thể, sản xuất nhỏ lẻ, dựa theo kinh nghiệm và thông tin thị trường tại thời điểm quyết định trồng. Khi thấy giá cao, dự tính có lời thì đổ xô vào trồng, dẫn đến khi thu hoạch thì cung tăng rất mạnh, đặc biệt những nông sản có tính thời vụ thì cung càng cao.

Cung hàng hóa nông sản hiện nay ở VN (đặc biệt là trái cây) phần lớn là do nông dân cá thể, sản xuất nhỏ lẻ, dựa theo kinh nghiệm và thông tin thị trường tại thời điểm quyết định trồng. Khi thấy giá cao, dự tính có lời thì đổ xô vào trồng, dẫn đến khi thu hoạch thì cung tăng rất mạnh, đặc biệt những nông sản có tính thời vụ thì cung càng cao.

Tiêu thụ trong nước thì không thể tăng nhanh được, ví dụ ổi, vào vụ người tiêu dùng không thể ăn ổi gấp 2 hay 3 lần được. Trong khi đó việc đưa trái cây VN ra nước ngoài là một bài toán khó, do thương hiệu, chất lượng, bảo quản, chế biến của VN chưa đáp ứng được yêu cầu của nhiều nước khó tính (ngoại trừ bán tiểu ngạch qua Trung Quốc, vốn nhiều rủi ro). Giá rớt nông dân thua lỗ, lúng túng, không ít người chặt bỏ, lại đi tìm cây khác để trồng.

Trong tình thế này, nông dân cần bình tĩnh, tìm giải pháp để giảm thiểu lỗ và giữ vườn cây chờ cơ hội giá phục hồi trở lại. Giá luôn thay đổi theo hình SIN, giá cao nhiều người trồng, cung tăng giá giảm, nhiều người chặt bỏ - cung giảm giá lại tăng, cứ liên tục như vậy. 

Trong lúc này, nông dân nên xem lại vườn cây của mình có phù hợp đất đai của mình không? Giống có tốt không? Tuổi vườn cây có già chưa? Nếu không phù hợp với đất đai, giống không tốt, hoặc  tuổi vườn cây quá già thì nên thay đổi. Tuy nhiên nếu vườn cây mới trồng, mới thu hoạch, giống tốt, phù hợp với đất đai của mình thì không nên chặt bỏ, chặt bỏ sẽ lỗ hoàn toàn chi phí đầu tư vườn cây. Trong trường hợp này nên duy trì vườn cây với chi phí thấp nhất, cắt giảm chi phí chăm sóc, thu hoạch... Mùa sau, khi nhiều người đã chặt bỏ, cung giảm, giá sẽ tăng lại, lúc đó chăm sóc vườn cây sẵn có của mình để tăng năng suất và đạt lợi nhuận cao, bù lại cho những mùa bị lỗ. Chặt bỏ rồi, khi giá tăng không trồng lại kịp.

Về lâu dài, chính người nông dân cần phải tự thích nghi với cơ chế thị trường, tìm hiểu thông tin, hạn chế việc chạy theo giá hiện tại, trồng theo phong trào, tôn trọng và thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo an toàn thực phẩm, đồng thời khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ như hiện nay. Nông dân nên liên kết lại với nhau bằng các hình thức như hợp tác xã kiểu mới, tổ hợp tác... Tiến tới tự tích lũy thành những trang trại có quy mô lớn, vừa sản xuất và vừa tiêu thụ nông sản trực tiếp đến tay người tiêu dùng. Mô hình đầu tư trong nông nghiệp của Hoàng Anh Gia Lai là những điển hình cần nghiên cứu phát triển.

Cần chính sách để khuyến khích doanh nghiệp (DN) liên kết, hợp đồng với nông dân trong sản xuất và tiêu thụ, tìm đầu ra ổn định cho nông dân. Nhưng theo cơ chế thị trường, DN chỉ vào cuộc khi họ tìm thấy lợi nhuận trong đầu tư vào nông nghiệp, cánh đồng mẫu lớn của An Giang là một điển hình trong liên kết giữa nông dân và DN. Nhà nước cần quy hoạch những vùng chuyên canh, sản xuất nông sản hàng hóa với quy mô lớn, từ đó tạo ra nguồn nguyên liệu dồi dào, ổn định để khuyến khích DN vào cuộc. Có những chính sách thiết thực hỗ trợ cho các DN đầu tư vào thu mua, chế biến và xuất khẩu (như ưu đãi tín dụng, đất đai, thuế, ứng dụng công nghệ…), đồng thời nhà nước giúp tìm kiếm thị trường xuất khẩu, cung cấp thông tin về thị trường, xây dựng thương hiệu nông sản, quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm.

Giới khoa học cũng cần hỗ trợ nông dân, DN áp dụng kỹ thuật mới trong sản xuất, bảo quản và chế biến, để đảm bảo sản phẩm đến tay người tiêu dùng chất lượng và an toàn. Thậm chí nghiên cứu áp dụng giống và kỹ thuật mới để rải vụ, nhằm điều tiết cung trong năm không bị tập trung vào 1 hoặc 2 tháng.

Cả 3 nhà (nhà nước, nhà DN, nhà khoa học) phải cùng đứng bên cạnh nhà nông.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.