Chiều 30.10, Quốc hội tiếp tục thảo luận về việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
"Họp là để bàn cách làm cho được, cho tốt, cho xong"
Báo cáo giám sát cho thấy, cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia đều chậm trong phân bổ, giải ngân vốn và được đoàn giám sát Quốc hội đánh giá là khó đạt mục tiêu.
Cho ý kiến, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cho kéo dài thời gian giải ngân vốn đến hết năm 2024, thậm chí đến hết năm 2025.
Đại biểu Quốc hội: 'Chúng ta có tiền, có quyền tạo ra chính sách, nhưng sao triển khai khó đến thế?'
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho rằng, "rất nên cân nhắc về việc này".
Theo ông Trí, hôm nay, Quốc hội đưa ra thảo luận để bàn bạc, làm sao để làm cho được, cho tốt, cho xong. Vì thế, việc giải ngân vốn nếu chậm thì chỉ nên cho kéo dài đến hết quý 1/2024; nếu không xong thì đó là không hoàn thành nhiệm vụ, vốn đó phải chuyển cho nội dung khác, dự án khác.
Đáng chú ý, ông Trí đề nghị Quốc hội cho phép các chương trình mục tiêu quốc gia duyệt kinh phí hỗ trợ con em nhà nghèo được đi học ở nhà trẻ mẫu giáo. Mức hỗ trợ được ông đề nghị khoảng 500.000 đồng/tháng/cháu.
Về lý do, các cháu trong độ tuổi đi học mầm non, đều là tương lai của đất nước, rất cần được đi học. Tuy nhiên, nhiều gia đình do nghèo, không có tiền cho con đi học, hoặc nếu đi thì học ở những cơ sở thiếu thốn, không đạt chuẩn.
Song song với đề xuất về mức hỗ trợ, ông Trí cũng kiến nghị nếu áp dụng thì phải có cách thức thực hiện sao cho hợp lý, đảm bảo đúng đối tượng được hỗ trợ là con em nhà nghèo, có thể đang được trông giữ ở cả cơ sở trông giữ trẻ công lập hoặc tư lập.
"Sao triển khai, thực hiện khó đến thế"
Tranh luận lại với đại biểu Nguyễn Anh Trí, đại biểu Dương Văn Phước (đoàn Quảng Nam) nói "hiểu và trân trọng ý kiến của đại biểu Trí", nhưng không thống nhất về quan điểm.
Theo ông Phước, 3 chương trình mục tiêu quốc gia triển khai chậm 2 năm, tức đến năm 2022 mới bắt đầu. Đây là 3 chương trình rất quan trọng, các địa phương cùng đại đa số người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo đang mong đợi tiếp tục triển khai. Các ý kiến cũng mong muốn Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện, thời gian giải ngân vốn đến hết năm 2024.
Dù không đồng tình với ý kiến của đại biểu Trí, nhưng ông Phước cũng thẳng thắn nhìn nhận qua 3 năm thực hiện các chương trình, kết quả về giảm nghèo vẫn chưa đạt như mục tiêu đề ra; nguy cơ tái nghèo, phát sinh nghèo còn cao; đời sống người dân vẫn gặp vô vàn khó khăn; khoảng cách giàu nghèo giữa người dân, giữa vùng miền, địa phương vẫn rất lớn.
Dẫn câu chuyện về việc học sinh thiếu gạo ăn, ông Phước nói điều đó thật đau lòng và đáng trăn trở. "Tại sao chúng ta có tiền, có quyền tạo ra cơ chế, chính sách, sao triển khai, thực hiện lại khó đến thế", đại biểu Phước nói.
Ông Phước đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành T.Ư và từng địa phương quyết liệt hơn nữa, kịp thời giải quyết các vướng mắc, bất cập để triển khai hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia, mang lại ấm no, hạnh phúc cho người dân.
Kiến nghị tăng mức hỗ trợ cho hộ nghèo xây nhà
Đại biểu Chu Thị Hồng Thái (đoàn Lạng Sơn) đề cập tới mức hỗ trợ hộ nghèo trong xây dựng nhà ở, gồm xây mới là 40 triệu đồng/hộ, sửa chữa là 20 triệu đồng/hộ.
Theo đại biểu, mức hỗ trợ như vậy là chưa đủ để có thể đảm bảo được yêu cầu 3 "cứng" về chất lượng sau khi được hỗ trợ.
"Đã là hộ nghèo phải lo bữa ăn từng bữa, còn phải lo tiền đối ứng để hoàn thiện căn nhà đảm bảo tiêu chí 3 cứng là rất khó khăn, nan giản", bà nói và kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, xem xét tăng mức hỗ trợ xây nhà lên 70% đến 80% giá trị nhà ở đạt tiêu chí cho hộ nghèo.
Bình luận (0)