Đào tạo nghề theo “chuẩn” Đức
Ông Robert Bosch, người sáng lập tập đoàn công nghệ cùng tên của Đức từng nói: “Một nền công nghiệp của đất nước tùy thuộc vào năng lực của đội ngũ kỹ thuật lành nghề”. Xác định rõ vai trò của đội ngũ lao động kỹ thuật, Bosch không ngừng tập trung phát triển lực lượng nòng cốt này để trở thành tập đoàn công nghệ lớn mạnh trên toàn cầu hiện nay.
Đầu tư vào Việt Nam, Bosch chú trọng phát triển lực lượng kỹ thuật tay nghề. Năm 2013, Bosch là một trong những công ty tiên phong mang tiêu chuẩn đào tạo nghề 100% của Đức vào Việt Nam với việc thành lập Trung tâm đào tạo nghề Kỹ thuật Công nghiệp (Bosch TGA), trong khuôn khổ hợp tác với Trường Cao đẳng nghề LILAMA2 và Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam.
Khi Bosch TGA chính thức giới thiệu chương trình năm 2013 chỉ với một ngành duy nhất - Chế tạo thiết bị cơ khí và với chỉ tiêu tuyển sinh 24 học viên/năm, số hồ sơ ứng tuyển chỉ khoảng 150 bộ, chỉ tiêu tuyển sinh không thay đổi nhưng lượng hồ sơ ứng tuyển tăng gấp bốn lần, tỷ lệ chọi là 1:25. Điều đó cho thấy mô hình đào tạo này đã tạo những chuyển biến tích cực trong cách nhìn nhận về học nghề ở người trẻ, rằng đại học không phải là con đường duy nhất để vào đời. Hiện Bosch TGA có 70 học viên, những học viên khóa đầu tiên sẽ tốt nghiệp năm 2017.
Tiếp nối thành công trong ba năm qua, Bosch Việt Nam tiếp tục hợp tác với hai đơn vị trên mở thêm ngành Cơ điện tử - ngành học kỹ thuật quan trọng cho nền công nghiệp hiện đại. Để mở thêm ngành mới này, Bosch đầu tư 150.000 đô la Mỹ, nâng tổng mức đầu tư của công ty vào chương trình đào tạo nghề tại Việt Nam đến nay lên hơn 1 triệu đô la Mỹ. Hiện cả hai ngành Chế tạo thiết bị cơ khí và Cơ điện tử đã bắt đầu tuyển sinh cho năm học 2016-2017 với chỉ tiêu tuyển sinh 12 học viên cho mỗi ngành/năm.
Học viên Bosch TGA trải qua 3,5 năm học, trong đó khoảng 25% số giờ học lý thuyết tại trường LILAMA2, 75% thời gian còn lại, học viên thực hành trên máy móc và thiết bị tại trung tâm Bosch TGA. Một năm rưỡi cuối chương trình, các học viên sẽ thực hành và rèn kỹ năng giải quyết vấn đề tại nhà máy công nghiệp hiện đại của Bosch ở Đồng …
Theo ông Võ Quang Huệ, Tổng Giám đốc Bosch Việt Nam, sau khi tốt nghiệp, học viên được nhận hai chứng chỉ: một của trường LILAMA2 cấp và một do Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam cấp. Với các chứng chỉ này, học viên xem như có “thẻ thông hành” đi làm việc cho bất cứ công ty nào tại Việt Nam và trên thế giới với nghề đã học. Một điểm đặc biệt nữa là học viên được miễn hoàn toàn học phí, nhận trợ cấp hằng tháng, được đóng bảo hiểm và có xe đưa đón.
Phát triển nhân lực R&D tại Việt Nam
Thành công của Bosch những năm qua không chỉ đến từ công nghệ tiên tiến, sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao, mà còn ở triết lý tập trung vào con người. Theo ông Huệ, “Bosch luôn coi trọng nguồn nhân lực và văn hóa doanh nghiệp”. Các cộng sự Bosch được tạo điều kiện phát huy năng lực, tìm thấy niềm vui và ý nghĩa trong công việc.
Một góc thư viện mới khánh thành gần đây, dành cho các cộng sự Bosch tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ và các giải pháp doanh nghiệp tại TP.HCM
|
Ngoài trụ sở chính tại TP.HCM, nhà máy và trung tâm Bosch TGA tại Đồng Nai, công ty hiện có hai trung tâm R&D tại TP.HCM, trong đó một trung tâm chuyên nghiên cứu và phát triển công nghệ và các giải pháp doanh nghiệp (thành lập năm 2011) và trung tâm còn lại tập trung vào công nghệ ô tô (thành lập năm 2014). Với chính sách đào tạo và phát triển nhân lực R&D tại Việt Nam trong hơn 5 năm qua, hiện cả hai trung tâm R&D này đã xây dựng được một đội ngũ kỹ sư trẻ có kinh nghiệm và năng lực không thua kém các kỹ sư giỏi trên thế giới. Cả hai trung tâm hiện có gần 1.000 cộng sự là các kỹ sư và chuyên gia có trình độ đai học và sau đại học. Ông Huệ không giấu niềm tự hào và ước muốn “tiếp tục phát triển hoạt động tại Việt Nam để trở thành trung tâm chiến lược về R&D và sản xuất công nghệ cao” trong khu vực.
Ngoài công tác đào tạo và phát triển nhân lực ngay trong công ty, Bosch còn hợp tác với các trường đại học lớn ở TP.HCM và Đà Nẵng nhằm hỗ trợ công tác nghiên cứu khoa học mang tính ứng dụng cao và gia tăng cơ hội cọ xát thực tế cho sinh viên thông qua thực tập tại Bosch. Công ty còn có chính sách đưa các kỹ sư giỏi, yêu sang nước khác để tham gia các khóa đào tạo, tập huấn và làm việc theo dự án với đồng nghiệp quốc tế tại các trung tâm R&D của Bosch toàn cầu.
Bosch đầu tư vào Việt Nam từ năm 1994 và hiện nay có 7 ngành nghề kinh doanh tại thị trường này: Phụ tùng và Thiết bị ô tô, Điện tử ô tô và xe máy, Kỹ thuật truyền động và Điều khiển, Kỹ thuật đóng gói, Dụng cụ điện cầm tay, Hệ thống an ninh và Công nghệ nhiệt.
|
Bình luận (0)