Đầu năm 2021, đợt dịch Covid-19 thứ 3 diễn ra tại Việt Nam khi phát hiện ca đầu tiên tại Hải Dương gây nhiều lo lắng. Nhưng đợt dịch thứ 4 bùng phát kể từ ngày 27.4 và kéo dài đến nay được đánh giá là đợt lây lan nhanh và nguy hiểm nhất.
Dịch bệnh lan nhanh ra nhiều tỉnh, thành phố
Số lượng ca mắc mới trong đợt dịch thứ 4 liên tục tăng nhanh ở nhiều tỉnh thành, kéo theo đó là số ca tử vong do dịch Covid-19 cũng gia tăng.
Các chuyên gia nhận định đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 nhanh, mạnh và có diện rộng, khiến mầm bệnh lan tới 55 tỉnh, thành phố. Trong đó, 3 tâm dịch nóng nhất của cả nước là Bắc Giang, Bắc Ninh trong giai đoạn đầu và sau đó là TP.HCM.
Cụ thể vào ngày 8.5, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Bắc Giang tiếp nhận thông tin từ bộ phận y tế của Công ty TNHH Shinyoung Việt Nam (KCN Vân Trung, huyện Việt Yên) có 1 trường hợp F1 của bệnh nhân Covid-19 ở tỉnh Lạng Sơn. Sau đó lần lượt tỉnh này phát hiện ổ dịch ở Công ty TNHH Hosiden Việt Nam (KCN Quang Châu) và ổ dịch tại Khu công nghiệp Vân Trung. Chỉ riêng 2 khu vực có ổ dịch này đã có hơn 100.000 công nhân đang làm việc nên tốc độ lây lan nhanh chưa từng có khiến lực lượng tuyến đầu nhiều đêm thức trắng để khoanh vùng dập dịch.
Đến 10 ngày sau đó, trưa 17.5, theo công bố của Bộ Y tế, toàn tỉnh Bắc Giang có thêm 14 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc toàn tỉnh lên 350 ca mắc. Đến đầu tháng 6, riêng tỉnh Bắc Giang đã có hơn 3.000 ca nhiễm bệnh và lan đến Bắc Ninh.
Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại P.14, Q.Tân Bình, TP.HCM |
độc lập |
Thế nhưng, Bắc Giang và Bắc Ninh không hề đơn độc khi Trung ương, các tỉnh thành và nhiều doanh nghiệp đã tập trung chi viện, ưu tiên về vắc xin cũng như lực lượng y bác sĩ, trang thiết bị cho 2 tỉnh này trong việc phòng chống dịch. Đến ngày 26.7, sau hơn 2 tháng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Bắc Giang công bố, tình hình dịch bệnh trên địa bàn đã được kiểm soát sau 15 ngày không phát sinh F0 trong cộng đồng.
Đến nay, dịch bệnh tại Bắc Giang và Bắc Ninh cơ bản đã được kiểm soát, còn dịch bệnh tại TP.HCM và nhiều tỉnh thành phía nam vẫn diễn biến phức tạp, nhiều ca mắc trong cộng đồng không xác định được nguồn lây do biến chủng Delta của SARS-CoV-2 (phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ) có đặc tính lây nhiễm nhanh và mạnh.
Thách thức chưa từng có
Ngày 26.5, TP.HCM bắt đầu phát hiện các ca nghi nhiễm Covid-19 là những thành viên của Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng tại Q.Gò Vấp. Kể từ sau đó, chuỗi lây nhiễm bắt đầu lan rộng với tốc độ cực nhanh. Thành phố lớn nhất cả nước phải thực hiện giãn cách theo nhiều cấp độ.
Đợt dịch lần thứ 4 tại Việt Nam mang lại nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có |
Song Mai |
Cụ thể, ngày 12.7, TP.HCM phát hiện 341 ca nhiễm mới thì đến 27.7, số ca nhiễm mới trong một ngày đã lên tới là 6.300 ca và đến ngày 3.9 số bệnh trong ngày lên mức 8.499 ca. Dịch cũng bắt đầu lan ra các tỉnh thành phía nam như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu... Đợt dịch thứ 4 được đánh giá là thách thức chưa từng có trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 tại Việt Nam. Đó là đa ổ dịch, đa nguồn lây, chủng vi rút biến thể... Đợt dịch thứ 4 này cũng đánh dấu nhiều thay đổi trong biện pháp chống dịch tại Việt Nam như: test kháng nguyên nhanh để truy vết, đưa ngay ca nghi nhiễm ra khỏi cộng đồng trong thời gian nhanh nhất; Thực hiện cách ly F1, F0 tại nhà giúp giảm tải cho các cơ sở cách ly tập trung và góp phần làm giảm lây nhiễm chéo…
Dịch diễn ra mạnh khiến TP.HCM và hàng loạt tỉnh thành phía nam phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 nhiều tháng.
Từ tháng 7 đến nay, cả nước đã cùng chung sức, chung tay với Chính phủ chi viện từ lực lượng y bác sĩ, trang thiết bị y tế cũng như ưu tiên vắc xin cho TP.HCM và các tỉnh thành phía nam để thực hiện phòng chống dịch bệnh. Dù vậy, đến nay dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Chính phủ đã xác định các chiến lược phù hợp để mở cửa hoạt động kinh tế vừa đảm bảo phòng chống dịch Covid-19, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân. Để tiếp tục tập trung ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, không để xảy ra khủng hoảng y tế, kinh tế-xã hội, Chính phủ thống nhất ban hành Nghị quyết số 86/NQ-CP về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
ngọc dương |
ĐỒ HỌA: VĂN QUANG - Nguồn: Bộ Y tế |
Theo đó, cùng với việc thực hiện nghiêm các biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch, bộ, ngành, địa phương chủ động xây dựng và thực hiện phương án đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm thiết yếu, tuyệt đối không để ai thiếu đói, đồng thời phải bảo đảm các yêu cầu an toàn phòng, chống dịch bệnh; kịp thời cấp cứu, chữa bệnh cho mọi người dân ở mọi lúc, mọi nơi. Thực hiện đồng bộ xét nghiệm, chăm sóc, điều trị để giảm tối đa tử vong. Đồng thời, nghị quyết cũng nêu rõ tránh đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, hàng hóa.
Trong đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo duy trì hoạt động sản xuất, tránh làm đứt gãy các chuỗi cung ứng lao động, hàng hóa, dịch vụ, vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất nhưng phải bảo đảm, tạo điều kiện cao nhất các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Tạo điều kiện cao nhất để vận chuyển, lưu thông hàng hóa, vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất bảo đảm an toàn, liên thông, thống nhất, thông suốt giữa các tỉnh, thành phố, địa bàn. Bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, ổn định đời sống của người dân, đặc biệt là bảo đảm cung ứng trực tiếp đến người dân ở những khu vực phong tỏa, giãn cách xã hội. Không bỏ sót người cần được cứu trợ, không để ai bị thiếu đói...
Việc phòng chống dịch bệnh Covid-19 sẽ vẫn còn tiếp diễn và tất cả doanh nghiệp, người dân đều sẵn sằng chung tay cùng Chính phủ để vượt qua thách thức này.
Tại cuộc họp trực tuyến chiều 20.9 với Thủ tướng Phạm Minh Chính, bà Aurélia Nguyen - Giám đốc điều hành Chương trình COVAX - đánh giá cao việc Việt Nam đã thực hiện tiêm chủng rất thông minh, khoa học, minh bạch, kịp thời và hiệu quả, khẳng định COVAX coi Việt Nam là một trong những ví dụ điển hình trong triển khai hiệu quả chiến dịch tiêm chủng và phòng chống dịch.
Bà Aurélia cảm ơn và hoan nghênh Việt Nam là một trong số ít các nước đang phát triển đã đóng góp tài chính cho cơ chế COVAX, thể hiện cam kết và hợp tác chặt chẽ của Việt Nam với COVAX và trách nhiệm trong các nỗ lực toàn cầu về phòng chống dịch.
Trong bối cảnh nguồn cung vắc xin trên thế giới tiếp tục khan hiếm, COVAX gặp nhiều khó khăn trong việc bảo đảm phân bổ đủ vắc xin, bà Aurélia bày tỏ sẽ cố gắng hết sức thực hiện các cam kết với Việt Nam. Trong tháng 10, COVAX tiếp tục phân bổ 85 triệu liều vắc xin cho các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam; sẽ tiếp tục quan tâm, phân bổ vắc xin cho Việt Nam trong thời gian tới. COVAX hiện đang theo dõi sát tiến triển về nghiên cứu các vắc xin dành cho trẻ em dưới 18 tuổi và sẽ thông tin, phối hợp chặt chẽ với Việt Nam về vấn đề này.
Giám đốc điều hành COVAX cũng hoan nghênh tầm nhìn xa của Việt Nam trong việc nghiên cứu, phát triển, tiến tới tự chủ vắc xin. Bà Aurélia tin tưởng với nỗ lực, quyết tâm cao và hướng đi đúng đắn trong phòng chống dịch, Chính phủ và người dân Việt Nam sẽ sớm vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, từng bước ổn định đời sống nhân dân, phát triển kinh tế-xã hội trong tình hình bình thường mới.
Bình luận (0)